Khi đại dịch COVID-19 đi qua, khẩu trang và dép lê trở thành 'bảo vật' trong các bảo tàng

Đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều bảo tàng đã bắt đầu thu thập hiện vật để ghi lại những thời khắc lịch sử, đáng nhớ mà có thể đời người chỉ gặp một lần.

Khẩu trang tự chế là một trong những hiện vật không thể thiếu trong các bảo tàng. Ảnh: AFP

Khẩu trang tự chế là một trong những hiện vật không thể thiếu trong các bảo tàng. Ảnh: AFP

Bảo tàng London – nơi tái hiện những giá trị lịch sử của thủ đô nước Anh – đã kêu gọi người dân quyên góp đồ dùng phản ảnh cuộc sống của họ trong đợt bùng phát dịch COVID-19.

“Đó là một trải nghiệm không thể nào quên. Khi chúng tôi biết nước Anh sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus, ngay lập tức chúng tôi đã bàn về những thứ chúng tôi cần để thu thập lại cho tương lai. Những vật phẩm đó chỉ là những thứ đơn giản mang lại cho bạn sự thoải mái, chẳng hạn như đôi dép lê yêu thích mà bạn sử dụng hàng ngày”, bà Beatrice Behlen, quản lý cấp cao tại Viện bảo tàng London chia sẻ.

Đó cũng có thể là những đồ vật thường ngày được sử dụng để phục vụ công tác phòng chống dịch, như một tấm vải, dụng cụ nấu ăn hay khẩu trang của các nhân viên y tế.

Trong số các hiện vật được thu thập cho đến nay, bảo tàng đã nhận được một chiếc chậu thủ công và một chiếc trống được sử dụng để thay thế tiếng vỗ tay cổ vũ các nhân viên y tế trên khắp đất nước.

Cư dân vỗ tay ủng hộ các nhân viên y tế tại Hartley Wintney, Hampshire. Trong số các hiện vật, Bảo tàng London đã thu thập được một chiếc trống được sử dụng để cổ vũ tinh thần nhân viên y tế ở Anh. Ảnh: AFP

Cư dân vỗ tay ủng hộ các nhân viên y tế tại Hartley Wintney, Hampshire. Trong số các hiện vật, Bảo tàng London đã thu thập được một chiếc trống được sử dụng để cổ vũ tinh thần nhân viên y tế ở Anh. Ảnh: AFP

“Điều khiến chúng tôi cảm thấy thú vị là câu chuyện đằng sau những đồ vật đó. Những hiện vật phải mang ý nghĩa và có sức lan tỏa đến tất cả mọi người. Chúng tôi đã kêu gọi người dân cùng chia sẻ những câu chuyện của mình trong thời gian phong tỏa vì COVID-19”, bà nói.

Không chỉ bằng hành động quyên góp các đồ vật, bảo tàng cũng kêu gọi người dân chia sẻ những cảm xúc khi họ bị cô lập ở nhà, cảm giác mất mát, nỗi sợ hãi và cả niềm hy vọng và tình yêu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bảo tàng Gia đình tại London, một người dân đã ghi lại cách đặt một chiếc máy quay trên bàn ăn để có thể chia sẻ khoảnh khắc đầm ấm với người thân qua những cuộc gọi video trong đại dịch COVID-19. Một gia đình khác đã biến phòng khách của họ thành một xưởng may quần áo bảo hộ cho nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Bảo tàng cũng đang kêu gọi mọi người chia sẻ cảm xúc của họ về những ngôi nhà hiện giờ đang được sử dụng làm văn phòng, lớp học và phòng tập thể dục.

“Dường như sự kiên cường, cách mọi người thay đổi và thích nghi với dịch bệnh đều xuất hiện trong mọi hoàn cảnh qua lời kể của các nhân chứng”, Giám đốc bảo tàng Sonia Solicari cho biết

Các nữ tu tại Sunderland hát và vỗ tay để ca ngợi sự cống hiến của các nhân viên y tế tại Anh. Ảnh: AFP

Các nữ tu tại Sunderland hát và vỗ tay để ca ngợi sự cống hiến của các nhân viên y tế tại Anh. Ảnh: AFP

Trong hồi ức của Amarjit, ngôi nhà nằm ở phía Đông London của anh giống như "một cung điện" trong thời gian phong tỏa. Ngược lại, Alex, người sống một mình trong một căn hộ nhỏ chật chội nói rằng anh ta cảm thấy như đang ở trong “phòng biệt giam của tù”.

“Tuy nhiên, tôi rất biết ơn vì tôi được bảo đảm an toàn khi những người hàng xóm ở tầng dưới liên tục nhiễm virus SARS-CoV-2”, anh nói.

Bà Solicari cho biết bà đã rất ngạc nhiên khi mọi người đã cởi mở chia sẻ những cảm xúc chân thật của mình.

"Nó thực sự trở thành một bộ sưu tập cảm xúc và rất cảm động, giống như một bộ sưu tập hình ảnh và những lời kể của các nhân chứng. Có thể rất khó để các bảo tàng thu thập lại những cảm xúc này”, bà nói với AFP.

Không chỉ có Anh, nhiều nhà quản lý bảo tàng trên khắp thế giới cũng đang nỗ lực để lưu trữ những khoảnh khắc giá trị trong thời điểm lịch sử này.

Bảo tàng Nordiska ở Thụy Điển là một trong những bảo tàng trên thế giới đang nỗ lực ghi lại những thời khắc lịch sử này. Ảnh: AFP

Bảo tàng Nordiska ở Thụy Điển là một trong những bảo tàng trên thế giới đang nỗ lực ghi lại những thời khắc lịch sử này. Ảnh: AFP

Tại Thụy Điển, bảo tàng Nordiska ở Stockholm hiện đang thu thập quan điểm của trẻ em về cuộc sống hàng ngày trong đại dịch COVID-19 đã thay đổi như thế nào và cách chúng nhìn nhận về tương lai.

“Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta có nguy cơ mất tất cả những ký ức này”, bà Solicari chia sẻ và cho biết trang web của bà đã liệt kê ra nhiều sáng kiến hỗ trợ lẫn nhau trên Facebook và những bữa tiệc ảo để mọi người cũng chia sẻ những cảm xúc của họ.

Lệnh phong tỏa cũng đã truyền cảm hứng cho 3 giám đốc quảng cáo trẻ ở Barcelona thiết lập một bảo tàng ảo trên Instagram. Hơn 900 tác phẩm đã được gửi đến Bảo tàng Nghệ thuật COVID-19 từ khắp nơi trên thế giới.

Nhiều bảo tàng đang tìm cách lưu giữ khoảnh khắc cuộc sống trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Nhiều bảo tàng đang tìm cách lưu giữ khoảnh khắc cuộc sống trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, đối với các bảo tàng truyền thống phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa, có một điều đáng lo ngại là họ không thể trưng bày các bộ sưu tập của mình cho khách đến thăm trực tiếp trong nhiều tháng.

Một số người lo sợ những bảo tàng này sẽ rất khó có thể tồn tại, kể cả Bảo tàng Florence Nightingale London, nơi đang kêu gọi khẩn cấp quyên góp. Một bảo tàng nằm tại Bệnh viện St Thomas, nơi Thủ tướng Boris Johnson từng được điều trị khi mắc COVID-19, đã dành riêng một khu vực để tôn vinh các nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/khi-dai-dich-covid19-di-qua-khau-trang-va-dep-le-tro-thanh-bao-vat-trong-cac-bao-tang-20200511111229143.htm