Khi dân văn phòng phải nghỉ phép để chữa trầm cảm, hoảng loạn

Những cơn run chân, tay và hoảng loạn bất chợt khiến Hà Trần không thể tập trung cho công việc. Sếp tỏ ra bất ngờ khi cô xin nghỉ phép để điều trị vấn đề tinh thần của mình.

 Không thể tập trung làm việc, nhiều nhân viên văn phòng quyết định nộp đơn xin nghỉ phép để điều trị vấn đề tâm lý. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.

Không thể tập trung làm việc, nhiều nhân viên văn phòng quyết định nộp đơn xin nghỉ phép để điều trị vấn đề tâm lý. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.

Rời khỏi phòng khám tâm lý, Hà Trần (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lo ngại nhìn đơn thuốc được bác sĩ kê. 7 năm qua, cứ khoảng 6 tháng - một năm, cô lại phải đến gặp bác sĩ khi thấy các dấu hiệu tái phát của bệnh trầm cảm.

Chia sẻ với Zing, Hà cho biết không nhớ được mình đã phải uống bao nhiêu thuốc để đối phó với căn bệnh. Gần đây, cô phải xin nghỉ phép một tháng tại công ty vì tình trạng có phần tệ hơn.

Cô bắt đầu tăng cân rất nhanh, không thể mặc vừa những bộ quần áo cũ. Theo lời của bác sĩ, cảm giác thèm ăn và những giấc ngủ li bì là một số biểu hiện của căn bệnh mà cô mắc phải.

"Với tình trạng của mình, tôi sợ rằng khó có thể đáp ứng hàng loạt nhiệm vụ dồn dập vào cuối năm. Sếp khá bất ngờ với lý do nghỉ phép tôi trình bày trong email. Tuy nhiên, chị vẫn phê duyệt để tôi tập trung chữa trị", Hà nói.

Khi dân văn phòng đối mặt bệnh tâm lý

Theo Medical News Today, nghỉ việc để cải thiện sức khỏe tinh thần (stress leave) đã trở thành lý do được công nhận tại Mỹ. Quốc gia này cho phép người lao động nghỉ phép để đối phó với bệnh tâm lý của mình.

Kỳ nghỉ phép có thể kéo dài từ 12 tuần đến 12 tháng. Người lao động được tạo điều kiện làm việc từ xa (remote) hoặc từ chối nhiệm vụ nếu không thể hoàn thành.

Theo luật pháp Mỹ, nhân viên có quyền thực hiện kỳ nghỉ sau khi đã báo cáo và nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo.

Trong khi đó, tại Anh, người lao động được nghỉ phép tối đa 28 tuần để điều trị bệnh tâm lý. Nếu có chứng nhận y tế, họ vẫn được nhận lương trong thời gian đó. Phần lương, thưởng này nằm trong khoản đãi ngộ người lao động gặp vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, theo Timetastic.

Đồng thời, theo Kojimalaw, luật pháp hiện hành tại Nhật Bản yêu cầu công ty có số lượng nhân sự lớn hơn 50 người cần cung cấp stress check (giấy đánh giá mức độ áp lực) thường xuyên.

Người lao động được xác nhận mắc bệnh tâm lý sẽ được nghỉ phép theo quy định nghỉ ốm thông thường. Tuy nhiên, họ không được hưởng lương.

 Hà Trần phải sử dụng thuốc ức chế serotonin trong 8 tiếng làm việc.

Hà Trần phải sử dụng thuốc ức chế serotonin trong 8 tiếng làm việc.

Năm 18 tuổi, sau biến cố thi lại đại học và chia tay bạn trai, Hà Trần bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu tâm lý bất ổn, song chưa thể gọi tên và nghĩ đó là bệnh.

Cô thường xuyên ngủ li bì và không muốn gặp gỡ ai, tình trạng này kéo dài khiến người thân khuyên cô cần đến gặp bác sĩ tâm lý. Sau buổi tham vấn, nữ sinh được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm và rối loạn lo âu cấp độ 3.

Nhiều năm qua, thử biện pháp trị liệu tại nhiều bệnh viện và phòng khám, cô vẫn không thấy vấn đề tâm lý chấm dứt triệt để.

Mỗi khi bệnh tái phát, cô phải gặp bác sĩ tâm lý với tần suất 2 tháng/lần. Những thời điểm bệnh tình nghiêm trọng hơn, cô phải gia tăng tần suất đến phòng khám.

"Nhưng chỉ trong 1-2 tiếng đồng hồ tham vấn, bác sĩ khó có thể tháo gỡ hết tâm sự của tôi", Hà tâm sự.

Bước vào quý làm việc cuối năm, áp lực công việc khiến các hội chứng tâm lý của Hà diễn tiến nặng. Cô cho biết không thể tập trung xử lý nhiệm vụ trong suốt 8 tiếng đồng hồ.

Cô phải dùng thuốc ức chế serotonin (một loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm phổ biến) như một biện pháp an thần tạm thời khi làm việc.

Tương tự Hà Trần, Bảo Ngọc (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bắt đầu điều trị bệnh tâm lý từ 5 năm trước. Bác sĩ chẩn đoán cô mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm theo mùa.

Biểu hiện bệnh lý rõ ràng nhất của Ngọc là những cơn panic attack (hoảng loạn vô cớ). Cô thường xuyên bồn chồn, lo lắng và khóc không rõ nguyên do.

"Những cơn hoảng loạn của tôi thường kéo dài 15-30 phút. Sau đó, tôi luôn cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi", nữ nhân viên văn phòng chia sẻ.

Đỉnh điểm, cô lo sợ khi trải qua cảm giác tim đập nhanh, khó thở, run rẩy ngay trong giờ làm việc. Ngại sự chú ý của sếp và đồng nghiệp, cô cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng trong đầu quay cuồng.

 Bảo Ngọc phải chi trả nhiều tiền cho hoạt động trị liệu tâm lý.

Bảo Ngọc phải chi trả nhiều tiền cho hoạt động trị liệu tâm lý.

Sau nhiều lần thăm khám, Bảo Ngọc được bác sĩ cho biết những nguyên nhân cơ bản khiến sức khỏe tinh thần của cô diễn biến xấu. Việc chung sống với một người bố nóng tính và trải qua một số mối quan hệ tình cảm độc hại khiến cô gặp phải các hội chứng tâm thần phổ biến.

Hơn nữa, áp lực công việc cũng tác động xấu đến tình trạng tâm lý của cô. Là một chuyên viên tư vấn giáo dục, cô thường xuyên phải tiếp xúc với học sinh là trẻ vị thành niên. Cô nhận thấy vấn đề tinh thần của mình có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến các em. Đó chính là lý do cô xin nghỉ phép để cố giải quyết triệt để bệnh lý của mình.

"Vừa qua, tôi xin nghỉ phép 3 tháng cuối năm để tập trung điều trị bệnh tâm lý. Đây là thời điểm học sinh bước vào kỳ thi kết thúc học kỳ II. Tôi không muốn các em chịu thêm áp lực", Ngọc tâm sự với Zing.

Hiện sinh sống và làm việc tại Sydney, Australia, Minh Trang (25 tuổi) cũng đang phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm. Trong hơn 3 năm qua, tình trạng sức khỏe tinh thần của cô không ổn định. Đặc biệt, 2 tháng gần đây, cô nhận thấy những dấu hiệu nặng của bệnh tâm lý này.

Minh Trang cho biết cô có xu hướng self-harm (tự ngược đãi bản thân). Nhìn những vết sẹo dài trên cánh tay của cô, nhiều bạn bè tỏ ra lo lắng.

"Hàng ngày đi làm, tôi phải mặc áo dài tay để che đi những vết sẹo. Thời tiết tại Australia đang se lạnh nên sếp và đồng nghiệp không chú ý. Tôi lo sợ mùa hè sẽ khác", Trang thở dài.

Đang làm việc tại phòng nghiên cứu thuộc Đại học Australian Catholic, Minh Trang cho biết công việc của cô liên quan trực tiếp đến số liệu và đòi hỏi sự chính xác cao.

Sự mất tập trung do ảnh hưởng của bệnh trầm cảm đã khiến cô gặp nhiều khó khăn khi giải quyết công việc.

Thậm chí, một số hành động tự làm hại bắt đầu được cô thực hiện trong vô thức, ngay tại nơi làm việc. Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, Minh Trang lập tức nộp đơn xin nghỉ phép để tránh những hậu quả không mong muốn.

Chật vật trị liệu

Theo Minh Trang, quá trình xin nghỉ phép khá thuận lợi bởi cô không phải nhân sự đầu tiên tại phòng nghiên cứu xin nghỉ với lý do này. Nhiều đồng nghiệp chủ động động viên và đưa ra lời khuyên cho cô về địa chỉ trị liệu uy tín. Sống xa nhà 7 năm, sự khích lệ này khiến cô đặc biệt xúc động.

Theo Minh Trang, chi phí điều trị tâm lý tại Australia khá đắt đỏ. 80 AUD (khoảng 1,2 triệu đồng) là mức giá trung bình của một giờ tham vấn. Cô khó có đủ chi phí cho quá trình điều trị dài ngày, vì vậy chủ yếu tự chăm sóc sức khỏe tâm lý tại nhà.

Theo đó, cô quyết định ngắt kết nối với các mối quan hệ xã giao, cũng dừng sử dụng mạng xã hội.

"Cách làm này của tôi có thể khiến người thân và bạn bè lo lắng. Tuy nhiên, tôi cần xây dựng 'hàng rào' để bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương tâm lý. Trong giai đoạn nhạy cảm, bất cứ lời nói hoặc hành động nào cũng có thể khiến tình trạng bệnh của tôi thêm nặng nề", Trang chia sẻ.

 Minh Trang cho biết sự mất tập trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc đòi hỏi sự chính xác cao.

Minh Trang cho biết sự mất tập trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc đòi hỏi sự chính xác cao.

Trong khi đó, đối với Bảo Ngọc, việc xin nghỉ phép của cô có phần khó xử khi lãnh đạo còn khá lạ lẫm với những vấn đề sức khỏe tâm lý.

Ban đầu, cô định tìm kiếm một lý do khác để xin nghỉ, ngần ngại giải thích nhiều về tình trạng của bản thân. Tuy vậy, cuối cùng, Ngọc vẫn quyết định trình bày nguyên nhân cụ thể với sếp.

"Sếp tôi tỏ ra khá bất ngờ. Anh ấy cho rằng các dấu hiệu của tôi chỉ thể hiện sự mệt mỏi và áp lực thông thường. Suy nghĩ một hồi lâu, sếp mới đặt bút ký đơn xin nghỉ phép", nhân viên này tâm sự.

Trong giai đoạn nghỉ phép, cô ghé đến phòng khám tâm lý thường xuyên hơn. Tại đây, cô thực hiện các bài tập trị liệu chuyên sâu, tập thở đều đặn.

Ngoài ra, theo lời khuyên từ bác sĩ, cô cũng đi tập gym 3 lần/tuần. Khi cơ thể hoạt động liên tục, Bảo Ngọc không còn bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực.

"Chi phí trị liệu tâm lý quả thực rất đắt đỏ so với thu nhập của tôi, dao động khoảng 2-3 triệu đồng/buổi bao gồm phí tham vấn và tiền thuốc. Tôi hiện không có thu nhập ổn định do nghỉ phép, khá chật vật để lo liệu tiền khám chữa bệnh", cô nói thêm.

Đồng cảm với Bảo Ngọc, Hà Trần cũng nhận được ánh mắt khó hiểu của sếp và đồng nghiệp sau khi trình bày lý do xin nghỉ phép. Tuy nhiên, họ đều tôn trọng quyền riêng tư và không đặt nhiều câu hỏi cho cô.

Đối với nữ nhân viên văn phòng, kỳ nghỉ phép này là cơ hội để cô dừng sử dụng thuốc sau một tháng lạm dụng. Theo Hà, tác dụng phụ của những loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh thần kinh thường khá nặng.

"Tôi liên tục cảm thấy run chân, tay và hoảng loạn bất chợt. Những biểu hiện bệnh lý thậm chí còn rõ ràng hơn trước", cô chia sẻ.

Hà sử dụng một tháng nghỉ phép để cải thiện sức khỏe tinh thần theo những cách tích cực hơn. Đầu tiên, cô tránh "dán nhãn" mình là bệnh nhân, nhờ người thân và bạn bè đối xử với mình bình thường trong thời gian này.

Tiếp theo, Hà học thiền và tập trung đọc sách. Khi đã nhận thức được nguyên nhân và cách giải quyết các vấn đề tâm lý, cô dần hạn chế sử dụng sự hỗ trợ từ thuốc và bác sĩ.

"Thiền giúp tôi ổn định tâm trạng, tránh những cơn lo âu, hoảng loạn. Lúc đọc sách, tôi cũng có thể rèn luyện khả năng tập trung. Khi không suy nghĩ lan man, tôi dễ dàng kiểm soát cảm xúc hơn", Hà cho biết.

Cần quá trình trị liệu nghiêm túc, dài hơi

"Phần lớn thân chủ tìm đến tôi để tham vấn và trị liệu là dân văn phòng", đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý Xuân Hường, Giám đốc Công ty đào tạo và tư vấn tâm lý Hạnh Phúc Việt.

Theo bà, nhân viên văn phòng hiện nay phải đối phó với nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần như sang chấn, khả năng hòa nhập xã hội kém hoặc trầm cảm. Sau khi điều trị cho nhiều thân chủ, bà cho rằng nguyên nhân bệnh thường xuất phát từ áp lực công việc, sự thiếu gắn kết với đồng nghiệp hoặc lo sợ mất việc.

"Trong quá trình trưởng thành, mỗi người phải gia nhập thị trường lao động, hòa nhập vào môi trường làm việc, tiếp xúc với công việc mới. Từ đó, nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần có khả năng nảy sinh", chuyên gia này chia sẻ.

Không chỉ gặp khó khăn tại môi trường công sở, nhân viên văn phòng còn không thể giao tiếp hiệu quả với người thân và bạn bè. Sự bất đồng trong những mối quan hệ cá nhân cũng là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về tâm lý.

Theo bà Xuân Hường, dân văn phòng thường tiếp nhận các phương pháp điều trị như nhận thức hành vi (CBT), nhân tâm học, kích hoạt hành vi, trị liệu giữa các cá nhân (IPT)... Hình thức tham vấn phổ biến dành cho nhóm đối tượng này là một - một, tư vấn nhóm hoặc qua điện thoại.

"Nhiều bệnh nhân ngại gặp mặt chuyên gia và lộ danh tính. Đối với những trường hợp này, tôi phải nỗ lực thuyết phục họ tiếp nhận tham vấn và trị liệu trực tuyến", bà cho hay.

Chi phí cho 60 phút tham vấn tâm lý dao động trong khoảng từ 300.000 đồng đến một triệu đồng. Thời gian điều trị khác nhau đối với từng người. Những nhân viên văn phòng gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng và không tuân thủ pháp đồ điều trị buộc phải kéo dài thời gian trị liệu.

"Nhiều người mong muốn giải quyết vấn đề tâm lý, song vì công việc bận rộn không thể đi tham vấn đúng hẹn. Hơn nữa, áp lực công việc cũng khiến các triệu chứng trở nặng. Tôi cho rằng việc xin nghỉ phép để giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần là hành động cần thiết", bà Xuân Hường nói.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-dan-van-phong-phai-nghi-phep-de-chua-tram-cam-hoang-loan-post1382438.html