Khi đảng viên quân hàm xanh về bản (2)

Kỳ 1: 'Làn gió mới' trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sởKỳ 2: Khắc phục những tồn tại ở cơ sởĐBP - Mỗi địa bàn vùng cao đều có đặc điểm, tình hình khác nhau, khó tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Các chi bộ bản được địa phương đề nghị phân công đảng viên biên phòng về sinh hoạt bước đầu đạt kết quả rất tốt, rất khả quan, nhưng vẫn có những điều cần bàn, khó khăn cần tháo gỡ. Đây chính là thử thách không đơn giản đối với những đảng viên mang quân hàm xanh. Tham mưu điều gì, giải pháp như thế nào? khi bản thân trở thành đảng viên của bản và vẫn luôn trọn vẹn vai trò người chiến sĩ biên phòng...

Thiếu úy Mùa A Cho trò chuyện, tuyên truyền người dân bản Pha Lay không sinh đông con và cho con em đến trường đầy đủ.

Trăn trở với bài toán đói nghèo

Con đường gập ghềnh gần 20km đến với bản Pha Lay, xã Mường Nhà không còn xa lạ với Thiếu úy Mùa A Cho, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Nhà. Bởi lẽ, ngay khi về nhận công tác tại đơn vị (tháng 8/2019), anh đã được phân công giúp đỡ 6 gia đình tại bản này. Thế nhưng, từ tháng 3/2020, anh lại về Pha Lay với một cương vị mới, yêu cầu trách nhiệm cao hơn của người đảng viên, người chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Đó là cùng về sinh hoạt với chi bộ bản Pha Lay để củng cố hệ thống chính trị nơi đây. Anh Cho, chia sẻ: Pha Lay là bản vùng cao với 32 hộ, trên 180 nhân khẩu. Chi bộ bản Pha Lay hiện có 6 đảng viên; trong đó, 1 đảng viên được miễn sinh hoạt. Như bao bản vùng cao khác, kinh tế người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao (trên 70%). Chi bộ bản cũng chưa thực sự phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, khi việc tổ chức sinh hoạt chưa đều, dẫn đến việc xây dựng các nghị quyết chưa sát với thực tiễn địa phương.

Ông Vàng A Cải, bản Pha Lay, xã Mường Nhà:

Từ ngày cán bộ Cho về bản, thường đến nhà vận động tôi chịu khó làm ăn, cho con cháu tới trường thì sau này mới thoát khỏi đói nghèo. Vừa rồi nhận tiền hỗ trợ “cô-vít” (Covid-19), cán bộ cũng khuyên nên để dành mua giống ngan, gà… về phát triển chăn nuôi chứ đừng sắm sửa gì lãng phí.

Xuất phát từ khó khăn ấy, khi về sinh hoạt, Thiếu úy Mùa A Cho đã tham mưu cho chi bộ củng cố lại nền nếp sinh hoạt, cố gắng hàng tháng tổ chức sinh hoạt chi bộ một lần. Vốn dĩ chi bộ nông thôn thường tổ chức sinh hoạt vào buổi tối, khi những đảng viên đã hoàn thành hết việc lao động sản xuất trong ngày. Vì vậy, từ đơn vị về với Pha Lay, anh phải xuất phát từ đầu giờ chiều mới kịp. Đoạn đường 20km nhưng có hôm dài, hôm ngắn bởi nếu trời mưa thì đường trơn như đổ mỡ, buộc phải bỏ xe lại dọc đường để đi bộ. Có những lần anh phải đi bộ trên 10km, từ 14 giờ đến hơn 17 giờ mới tới nơi. Nội dung sinh hoạt cũng được anh nghiên cứu tham mưu cho bí thư chi bộ đi sâu sát, đúng và trúng với những vấn đề thực tế tại địa phương. Trong đó, điều khiến anh trăn trở nhất là làm thế nào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa cho bà con nơi đây. Thậm chí, có những đêm trời đã về khuya, anh với đồng chí bí thư chi bộ Pha Lay lại thủ thỉ tâm sự, bàn bạc tìm cách giải bài toán khó này. Anh Cho, chia sẻ: “Người dân Pha Lay hiền lành, chịu thương chịu khó nhưng ngặt nỗi lại sinh nhiều con quá nên cứ luẩn quẩn mãi trong vòng nghèo đói. Chính vì vậy, tôi đã tham mưu cho chi bộ, tích cực vận động bà con không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ 3, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân số. Thêm nữa, tôi vận động người dân cho con em tới trường bởi chỉ có học tập là con đường tốt nhất để người dân Pha Lay có thể nâng cao trình độ, từ đó mới thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu… Không chỉ vậy, vừa qua, bà con được nhận tiền hỗ trợ Covid-19, tôi trực tiếp cùng bí thư chi bộ, cán bộ bản xuống nhà tuyên truyền vận động họ sử dụng số tiền này đúng mục đích, như: Đầu tư con giống phát triển chăn nuôi; mua đồ dùng học tập, quần áo cho con em tới trường…”

Với bản vùng cao biên giới còn rất nhiều khó khăn, thì việc giải quyết những vấn đề đó phải được triển khai dần dần từng bước một. Nhưng những việc Thiếu úy Mùa A Cho làm đã cho thấy sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm không chỉ của một quân nhân lực lượng Biên phòng mà còn với cương vị đảng viên đang sinh hoạt cùng chi bộ bản Pha Lay.

Phát huy vai trò các đoàn, hội cơ sở

Đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát, ngăn chặn phòng, chống dịch bệnh Covid 19 sát biên giới, Thượng tá Trần Đình Hường (Đồn Biên phòng Mường Nhé) nhận điện thoại của Bí thư Chi bộ bản Nà Pán (xã Mường Nhé), thông báo sinh hoạt Chi bộ. Xin ý kiến lãnh đạo Đồn cho phép, trời vẫn sập sùi mưa, Thượng tá Hường bộ hành tắt đường rừng, mang theo tư trang lội suối hơn 2 giờ đồng hồ về đến Đồn, rồi xuống bản. Sinh hoạt Chi bộ xong lại nhanh chóng khoác áo, đi ủng trở lại chốt thì đã gần nửa đêm. Từ tháng 3/2020, Thượng tá Trần Đình Hường được giới thiệu về sinh hoạt tại Chi bộ bản Nà Pán, đây cũng là thời điểm anh cùng các đồng đội dồn sức phòng, chống dịch nơi biên giới nên những chuyến đi vội vã như vậy đã thành quen thuộc. Dù trên vai mang nhiều trọng trách nhưng anh vẫn cố gắng hoàn thành vai trò đảng viên, tích cực tham mưu củng cố tổ chức chính trị và các phong trào cơ sở.

Thượng tá Trần Đình Hường chia sẻ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, nhân dân bản Nà Pán.

Trước khi được phân công về tham gia sinh hoạt Chi bộ, Thượng tá Trần Đình Hường đã rất thân quen với người dân bản Nà Pán và nắm rõ tình hình bản. Anh chia sẻ: “Tôi xác định bản có vấn đề lớn cần ưu tiên quan tâm khắc phục là hoạt động của các chi hội, đoàn thể không thường xuyên. Sau khi nghiên cứu tìm hiểu, tại buổi đầu tiên tham gia sinh hoạt cùng Chi bộ Nà Pán, tôi đã tham mưu xây dựng nghị quyết hàng tháng với các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm hơn. Đặc biệt là tham mưu việc giao trách nhiệm cho các đảng viên trong Chi bộ phụ trách từng chi hội, đoàn thể của bản. Nhiệm vụ là theo dõi, góp ý, phát huy vai trò tổ chức hội, đồng thời phát hiện các hạt nhân ưu tú để giới thiệu, bồi dưỡng kết nạp Đảng”. Cụ thể như phân công một đảng viên nữ chủ chốt phụ trách Chi hội Phụ nữ bản; trong đó có hoạt động mới do anh Hường tham mưu xây dựng là định kỳ hàng tháng chi hội tổ chức dọn dẹp vệ sinh bản, làm sạch đường đi lối lại. Một đảng viên phụ trách Chi đoàn thanh niên, trong thời gian cao điểm bùng phát dịch Covid-19, đảng viên này thường xuyên nhắc nhở tổ chức Đoàn tuyên truyền đến đoàn viên không tụ tập đông người và quá giờ quy định. Còn đảng viên phụ trách tổ an ninh cùng tham gia các hoạt động của tổ, thường xuyên phối hợp với Đồn biên phòng bảo vệ an ninh trật tự, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong bản… Mỗi đảng viên dựa vào kinh nghiệm, năng lực, sở trường được phân công phụ trách một tổ chức hội, đoàn thể phù hợp. Thượng tá Trần Đình Hường cũng xin ý kiến lãnh đạo Đồn cho cán bộ, chiến sỹ thường xuyên phối hợp tham gia các hoạt động cùng bản, cả việc vệ sinh môi trường, phong trào bề nổi, bởi đây là một trong những bản nằm bên tuyến đường vào Đồn. Việc củng cố, phát triển các tổ chức hội cùng các phong trào được người dân Nà Pán ủng hộ nhiệt tình, tham gia tích cực, gắn kết thêm tình quân dân.

Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé, Vũ Thái Thụy:

“Các đảng viên biên phòng đều mạnh dạn phát biểu, tham gia ý kiến, mạnh dạn phê và tự phê, là tấm gương để đảng viên cơ sở học tập và hoàn thiện bản thân. Đồng thời phát huy tốt vai trò tham mưu, định hướng hoạt động, sinh hoạt chi bộ và giúp bản giải quyết những vướng mắc, yếu kém”.

Chứng kiến những đóng góp của đảng viên biên phòng và trực tiếp dự buổi sinh hoạt Chi bộ Nà Pán, Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé - Vũ Thái Thụy nhận xét: “Đồng chí Trần Đình Hường dù mới được phân công về Chi bộ Nà Pán nhưng tham gia rất tích cực và đóng góp nhiều ý kiến, tham mưu nhiều vấn đề thiết thực cho việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Không riêng Thượng tá Hường mà 7 đảng viên chiến sỹ biên phòng được phân công sinh hoạt cùng các chị bộ thôn, bản trên địa bàn xã Mường Nhé đều được Bí thư Đảng ủy xã đánh với nhiều tin tưởng.

Duy trì đều đặn sinh hoạt chi bộ, cụ thể hóa nghị quyết đã ban hành vào thực tế, hay việc phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa, cho con em đến trường… Và còn rất nhiều vấn đề ở các chi bộ, các bản vùng cao mà những đảng viên biên phòng đang tham mưu, góp sức tìm cách khắc phục. Mang trên mình 2 trọng trách: người chiến sỹ - người đảng viên, họ thiết thực xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và bản làng ngày càng văn minh, phát triển.

Kỳ 3: Giữ gìn an ninh biên giới

Nhóm Phóng viên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/181737/khi-dang-vien-quan-ham-xanh-ve-ban-2