Khi dịch đến vùng quê
Chiều muộn. Chiếc xe cấp cứu đột ngột xuất hiện trước ngôi nhà cặp theo đường bê tông mới. Tiếng ồ ồ từ chiếc máy phun thuốc mang trên người mặc áo bảo hộ vang lên xé tan bầu không khí yên tĩnh của một vùng quê. Chàng trai trẻ với gương mặt vừa hốt hoảng, vừa lo âu nặng nề lê từng bước chân đến chiếc xe đã mở cửa chờ sẵn. Xe cứu thương hú còi chạy đi vội vã. Những đôi mắt dõi theo chiếc xe và nén tiếng thở dài. Vậy là dịch Covid-19 đã đến với vùng quê hẻo lánh này rồi.
Nào giờ cái xóm này được tiếng giữ được những nét đẹp của làng quê xưa. Những buổi trưa hè, đứng bên bờ tre nhìn lên là cả một bầu trời lá xanh mát, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng chim sẻ, chim chìa vôi thi nhau nói chuyện. Bức tranh đồng quê mỗi mùa lại có một vẻ đẹp khác nhau: Mùa lúa chín vàng rực rỡ, mùa lúa “đương thì con gái” lại xanh ngát, êm đềm.
Màu xanh của đồng lúa “thẳng cánh cò bay” không chỉ mang lại nét đẹp cho làng quê, mà còn là sự no đủ của người nông dân một nắng hai sương cày cấy. Mấy năm nay, cái xóm nhỏ bé này bắt đầu khoác lên mình tấm áo mới mang tên ấp Văn hóa.
Những con đường đất ghập ghềnh, lầy lội khi mùa mưa được thay áo bằng bê tông sạch sẽ, rộng rãi hơn trước. Hàng rào bằng cây dâm bụt 2 bên đường xuất hiện nhiều hơn được cắt tỉa gọn gàng thẳng băng, mọc đều tăm tắp.
Người dân vẫn sống bình dị, không cầu kỳ kiểu cách, lại càng không xa hoa. Cuộc sống bây giờ có khấm khá hơn, nhà tường với nhiều phong cách Á, Âu thi nhau mọc lên thay cho những ngôi nhà lá, vách tre cũ kỹ, nhưng việc đối đãi với nhau bằng tình làng nghĩa xóm vẫn không thay đổi. Con cái không còn bị cột chặt vào “miếng ruộng, mảnh vườn” như cha anh ngày trước, mà được tự do lên thành phố ăn học, tìm việc làm.
Tiếng còi xe cấp cứu.
Truy vết, truy vết
Xé tan khung trời bình yên.
Tiếng còi xe cứu thương đầy thôi thúc vang lên. Mấy ngày trước, lực lượng chức năng đã đến phong tỏa cái xóm nhỏ này nên ai cũng lo lắm, sống trong vùng dịch nên cứ sợ sẽ nhiễm Covid-19 bất cứ lúc nào. Đâu đó, tiếng trẻ con giật mình khóc thét và tiếng ai đó thở dài: “Bao giờ trở lại bình yên đây!”. Có lẽ lần đầu tiên những người nông dân chân chất mới bắt đầu nghe đến “cách ly”, giãn cách”, “truy vết” “F0, F1, F2”… trên loa phóng thanh.
Mỗi người đều tự dằn lòng, đặt xuống những ước muốn ra đường, xếp lại những chuyến tham quan, du lịch ở những vùng miền xa xôi và phải ở yên trong nhà. Có người oán thán, suy nghĩ tiêu cực, đổ lỗi cho nhau nhưng nghĩ lại họ tặc lưỡi: Chỉ vì mưu sinh, thật thà, chân chất chứ nào ai có muốn.
Nắng vàng mùa hạ làm nóng lên những thứ tưởng như đã nguội lạnh. Những chai nước diệt khuẩn, hàng ngàn cái khẩu trang y tế may thủ công cấp miễn phí cho bà con là một trong những nghĩa cử đẹp chứa đựng tình người san sẻ, chung sức phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19. Người dân trong xóm thấy mình không đơn độc.
Chiều muộn. Cái tin xóm nhỏ này kết thúc phong tỏa nhanh chóng lan đi. Chiếc xe cấp cứu lại xuất hiện, chàng trai hôm ấy mang khẩu trang trở về trong sự hân hoan của bà con trong xóm. Giọt nước mắt hạnh phúc ngày về của những người bị cách ly hòa quyện cùng niềm vui của bà con trong xóm.
Mặt trời đã lấp ló phía xa xa trên cánh đồng mang đến sự hứng khởi, thắp lên niềm tin để vượt qua những tháng ngày biến cố. Màu xanh của lúa dường như xanh hơn, tươi hơn trong bình minh ngày mới. Cuộc sống yên bình trở lại nhưng trong cái lặng lẽ, dè dặt những lúc gặp nhau bởi dịch Covid-19 vẫn chưa có điểm dừng.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202108/khi-dich-den-vung-que-933539/