Khi điện ảnh khai thác về 'phái yếu'

Điện ảnh Việt đã có các tác phẩm lấy 'phái yếu' làm nhân vật trung tâm, với nhiều cách thể hiện đa chiều và sâu sắc. Dù thời xưa hay hiện đại, vẻ đẹp của người phụ nữ vẫn luôn được đề cao trên màn ảnh, được khán giả yêu mến.

Từ cuối tháng 7/2020, bộ phim truyền hình Cát đỏ (30 tập, đạo diễn NSND Lưu Trọng Ninh) đến với khán giả cả nước vào khung giờ vàng tối thứ 5 và thứ 6. Đây là phim truyền hình hứa hẹn tạo nên cơn sốt với người xem khi truyện phim xoay quanh số phận của ba người phụ nữ: Đủ (Tuyết Hương thủ vai), Nhớ (Thúy Diễm) và Nhan (Thúy Nga). Ba chị em chịu nhiều điều tiếng, tưởng chừng họ cứ an phận sống qua ngày ở vùng cát đỏ cằn cỗi, nhưng sâu thẳm bên trong mỗi người là khát khao thay đổi số phận và dám hành động, đấu tranh.

Những câu chuyện tình trong Cát đỏ được khai thác đến tận cùng của yêu thương, ghen tuông, thù hận, nhớ nhung... nhưng qua từng tập phim, khán giả thấy được thông điệp về khao khát được sống, được hạnh phúc của con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Cát đỏ còn đem đến những khung hình tuyệt đẹp ở Ninh Thuận, Bình Thuận với những đồi cát mênh mông, những bãi biển mướt xanh, những đàn cừu trên thảo nguyên, những ghe cá cơm sát bờ biển, những cánh đồng muối... cùng nhiều bối cảnh đẹp khác tại Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh.

Cát đỏ - phim truyền hình xoay quanh 3 nhân vật nữ Đủ, Nhớ và Nhan vừa đến với khán giả.

Cát đỏ - phim truyền hình xoay quanh 3 nhân vật nữ Đủ, Nhớ và Nhan vừa đến với khán giả.

Một tác phẩm điện ảnh được chờ đợi, dự kiến ra rạp cuối tháng 8/2020 là Chồng người ta của đạo diễn Hữu Tiến. Theo chia sẻ của nhà sản xuất, Chồng người ta chọn góc tiếp cận là nỗi đau, nỗi bất hạnh của những người phụ nữ lấy phải chồng thuộc giới tính thứ ba. Hoàn cảnh này đẩy họ rơi vào sự giằng xé nội tâm giữa việc không dám nói với ai, với việc không biết phải nên tiếp tục hay dừng lại cuộc hôn nhân trớ trêu này.

Đạo diễn Hữu Tiến cho biết, thông qua Chồng người ta, ê-kíp muốn gửi đến người xem thông điệp nhân văn về những mối quan hệ xung quanh người thuộc giới LGBT (người đồng tính, chuyển giới, song tính luyến ái...), từ tình bạn, tình yêu đôi lứa đến tình cảm gia đình. Ở đó, người phụ nữ dù mạnh mẽ, cứng cỏi đến mấy cũng sẽ cảm thấy cô độc, trống trải và đau khổ khi sống trong vỏ bọc gia đình của chính mình, chưa kể đến những đứa con chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề và sẽ luôn có ác cảm với cộng đồng LGBT. Trên cơ sở câu chuyện ấy, Chồng người ta nhằm đề cao giá trị của phụ nữ trong gia đình, đồng thời cũng đưa đến thông điệp: “Đừng mang phụ nữ làm vật thế thân cho giới tính của mình”.

Trên thực tế, thời gian gần đây điện ảnh Việt đã có nhiều tác phẩm khai thác hình ảnh người phụ nữ và đa số để lại dấu ấn với người xem. Phim điện ảnh Mẹ chồng, Cô Ba Sài Gòn lấy bối cảnh của những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, song tựu chung đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ, không bị xã hội đàn áp mà vượt lên chính nó để khẳng định rằng phụ nữ cũng làm được những việc lớn. Bên cạnh đó, nhiều khán giả đã bị chinh phục khi dõi theo trên màn ảnh rộng cảnh người phụ nữ lam lũ, nhẫn nhịn, chịu đựng vốn là phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt trong các bộ phim kinh điển như: Áo lụa Hà Đông, Xích lô, Mùi đu đủ xanh... Trong khi đó, tuýp người phụ nữ thời hiện đại với sự xinh đẹp, giỏi giang mà còn bản lĩnh đã được khắc họa rõ nét trong phim Chị trợ lý của anh, Bạn gái tôi là sếp, Gái già lắm chiêu...

Khác với những bộ phim đề cập đến người phụ nữ thời xưa, các tác phẩm điện ảnh trong thời gian qua đã tập trung khắc họa người phụ nữ hiện đại đã bỏ được lớp áo yếu đuối, thậm chí còn mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần, có thể đánh võ, làm những công việc của nam giới. Những điều này đã được các đạo diễn và nghệ sĩ trong nghề thể hiện trong những phim: Mỹ nhân kế, Hương Ga và bộ phim hành động Hai Phượng.

Nhiều khán giả đánh giá, điều hấp dẫn ở các phim kể trên là ngoài nữ giới giữ vai trò trung tâm, yếu tố thời trang và âm nhạc cũng được nhà sản xuất đầu tư mạnh. Hơn nữa, những tâm tư, tình cảm của phái nữ trong xã hội hiện đại được phô diễn ở nhiều góc độ khác nhau trên màn ảnh rộng nên tìm được sự đồng cảm cũng như chạm đến trái tim người thưởng thức.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-dien-anh-khai-thac-ve-phai-yeu-n178081.html