Khi đô thị phát triển nóng
Trong nhiều ngày qua, cuộc sống gần cả triệu dân TP Đà Nẵng bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt. Đây không phải là lần đầu tiên người dân Đà Nẵng rơi vào tình cảnh khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Cách đây hơn 1 tháng, người dân Đà Nẵng cũng khốn đốn bởi mùi hôi rác thải trong nhiều ngày vì người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi rác Khánh Sơn.
Mỗi lần bị cúp nước hay gặp sự cố ô nhiễm môi trường, UBND TP Đà Nẵng lại triệu tập các cuộc họp để khẩn cấp tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra cũng chỉ giải quyết những vấn đề mang tính trước mắt chứ chưa thực sự là giải pháp căn cơ mang tính chiến lược lâu dài và bền vững. Tại nhiều cuộc hội thảo khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những cảnh báo trước sự phát triển “nóng” của Đà Nẵng.
Trên thực tế, ở Việt Nam hay các nước trên thế giới, các đô thị phát triển nóng đều vấp phải những thách thức, hạn chế, tồn tại mang tính tất yếu, đó là hạ tầng không theo kịp sự phát triển, dẫn đến tình trạng kẹt xe; quá tải trường học, bệnh viện; cúp điện, cúp nước, ô nhiễm môi trường...Vì vậy, với một đô thị phát triển nhanh như Đà Nẵng, vấn đề quy hoạch hạ tầng, chính sách, chủ trương phải được tính toán toàn diện, lâu dài, nhất là những lĩnh vực dịch vụ công ích, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân.
Ngược lại 22 năm trước, khi được tái lập vào năm 1997, Đà Nẵng là một đô thị nhỏ với những con đường nhỏ hẹp. Nhưng chỉ vài năm sau, TP Đà Nẵng đã bắt tay vào chỉnh trang, xây dựng, mở rộng để trở thành một thành phố lớn. Nhiều chủ trương, chính sách lớn được đề ra và nhân dân đồng tình ủng hộ. Một trong những chính sách lớn mà Đà Nẵng thực hiện thành công phải kể đến đó là quy hoạch mở rộng, phát triển hạ tầng thành phố và chính sách “5 không, 3 có”. Từ đó có một Đà Nẵng phát triển như hiện nay.
Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ TP Đà Nẵng đã quyết nghị mục tiêu đến năm 2020, xây dựng và phát triển thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Trong đó, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại; thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường,…
Mặc dù những năm qua TP Đà Nẵng đã nỗ lực cho chặng đường mới trong xây dựng và phát triển với nhiều thành tựu khá nổi bật, nhưng gần đây, trước những sai phạm về đất đai, nhiều cán bộ, lãnh đạo bị kỷ luật, bị khởi tố đã khiến “cỗ xe Đà Nẵng” đang trên đà tốc độ cao bỗng khựng lại, thậm chí có đoạn thụt lùi. Lo sợ, dè chừng và sợ trách nhiệm, đó là tâm lý của không ít cán bộ, lãnh đạo TP Đà Nẵng diễn trong một thời gian khá dài.
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã chỉ rõ: “Phát triển TP Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển…”. Chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020, như vậy, bên cạnh những vấn đề khác, nếu Đà Nẵng không nỗ lực xử lý các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân thì không chỉ khó đạt được những mục tiêu Nghị quyết 43 đề ra, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng nặng nề đến một Đà Nẵng được mệnh danh là “Thành phố đáng sống”. Thực tiễn cho thấy, để có được Đà Nẵng trẻ phát triển và năng động như hiện nay là nhờ có được sự đồng thuận, đóng góp của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Đảng bộ và chính quyền các cấp. Vậy nên, bên cạnh xử lý các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân, như: ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, sai phạm trong trật tự đô thị... Đà Nẵng phải mạnh tay loại bỏ những cán bộ tha hóa, tham nhũng, nhũng nhiễu, làm hao mòn niềm tin của người dân. Có như vậy mới có thể tiếp tục đà phát triển của một “Thành phố đáng sống” như Đà Nẵng đã được mệnh danh.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khi-do-thi-phat-trien-nong-612225.html