Khi đoàn viên thanh niên trải nghiệm văn hóa truyền thống

Nhằm khơi gợi ý thức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), các tổ chức Đoàn đã linh hoạt triển khai hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các làng dân tộc thiểu số.

Với nhiều hình thức trải nghiệm, các bạn trẻ có thêm hiểu biết về văn hóa truyền thống và được giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm quý.

Dịp hè này, Huyện Đoàn Chư Păh phối hợp với Huyện Đoàn Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) tổ chức cho ĐVTN tham quan mô hình phát triển du lịch cộng đồng với chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng” tại xã Ia Ka và xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh).

Hơn 100 ĐVTN của 2 tổ chức Đoàn đã đến tham quan, tìm hiểu giọt nước làng Mrông Ngó 3 (xã Ia Ka); khu nhà mồ của người Jrai ở làng Kép 1, Kép 2 (xã Ia Mơ Nông). Đồng thời, trải nghiệm cách giã lúa trên cối gỗ, cách làm sản phẩm mỹ nghệ từ quả bầu hồ lô; tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm và đan lát; trải nghiệm một số phong tục đặc sắc trong đời sống của đồng bào nơi đây.

Đoàn viên, thanh niên tìm hiểu quy trình dệt thổ cẩm ở xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh). Ảnh: M.N

Đoàn viên, thanh niên tìm hiểu quy trình dệt thổ cẩm ở xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh). Ảnh: M.N

Bà con vui mừng và sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của ĐVTN, chỉ dẫn cách làm các sản phẩm, thu hút khách du lịch. Các bạn trẻ còn được bà con cho mượn trang phục truyền thống để ghi lại hình ảnh kỷ niệm. Nhiều bạn trẻ không bỏ lỡ cơ hội mua các sản phẩm mỹ nghệ: mô hình nhà rông, đàn t’rưng, bầu hồ lô, thổ cẩm… để làm quà lưu niệm cho người thân.

Anh Rơ Châm Kiệt-Bí thư Đoàn xã Ia Mơ Nông-bày tỏ: “Một số ĐVTN đã được Hội Phụ nữ xã Ia Mơ Nông tạo việc làm tại mô hình du lịch cộng đồng và có thu nhập ổn định. Chúng tôi rất tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình và rất vui khi đón các đoàn du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm tại làng”.

Chị Nguyễn Hoài Phương-Bí thư Huyện Đoàn Chư Păh-thông tin: “Năm 2023, chúng tôi đã đến tham quan, trải nghiệm văn hóa các dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà. Hoạt động tuy thời gian ngắn nhưng rất thú vị. Đến với mô hình du lịch cộng đồng, không chỉ tham quan, trải nghiệm mà mỗi bạn trẻ nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm chung tay quảng bá du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Hoạt động này còn góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa ĐVTN của 2 đơn vị”.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, Huyện Đoàn-Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Chư Sê cũng đã tổ chức hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống tại làng Phăm Klăh (xã Bar Măih) cho hơn 30 giáo viên và học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện.

Biết tin có đoàn học sinh đến tham quan, trải nghiệm, ông Kpă Phơl (SN 1954) tất bật chuẩn bị, trong đó có các vật dụng sinh hoạt và sản xuất quen thuộc, vài chiếc chiêng, gùi, nia vừa hoàn thiện. Ông tận tình hướng dẫn mọi người cách đan gùi, giải thích công dụng của các vật dụng từ tre, nứa. Đôi tay ông thoăn thoắt vuốt từng sợi nan, chỉ cách làm sao cho sợi nan mỏng, đều tăm tắp.

“Mình rất vui khi được chia sẻ về nghề truyền thống của dân tộc cho các bạn trẻ. Mình mong các bạn trẻ, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số quan tâm gìn giữ văn hóa truyền thống”-ông Phơl chia sẻ.

Ngoài trải nghiệm cách đan lát, mọi người còn được tìm hiểu quy trình nấu cơm lam, cách làm muối lá é. Em Lê Thị Hồng Ngọc (lớp 11, Trường THCS-THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Chư Sê) tâm sự: “Trường em ở địa bàn có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, song em chưa có nhiều cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống của bà con. Hoạt động này giúp em biết thêm vốn quý văn hóa đặc trưng của người Jrai”.

Nói về hoạt động ý nghĩa này, anh Nay Winh-Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Chư Sê-cho hay: “Hoạt động trải nghiệm giúp các giáo viên, học sinh hiểu thêm về văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục tổ chức chương trình tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Bahnar, Tày, Nùng, Mông… Đồng thời, Huyện Đoàn chỉ đạo Đoàn các trường học tổ chức lễ kết nghĩa với các làng dân tộc thiểu số, tham gia cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

Học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Chư Sê tìm hiểu cách đan lát ở làng Phăm Klăh, xã Bar Măih. Ảnh: M.N

Học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Chư Sê tìm hiểu cách đan lát ở làng Phăm Klăh, xã Bar Măih. Ảnh: M.N

Thời gian qua, ngoài những hoạt động trải nghiệm, một số tổ chức Đoàn đã có nhiều hình thức chung tay cùng địa phương phát triển du lịch. Cụ thể, Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám thiết kế sổ tay du lịch khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku); nhóm học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) thiết kế cẩm nang du lịch cộng đồng tỉnh Gia Lai…

Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Chí Hiếu-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn khuyến khích các tổ chức Đoàn cơ sở tạo ra những chương trình, hoạt động trải nghiệm giúp các bạn trẻ có thêm những hiểu biết, tôn trọng và góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc. Đây còn là cách làm hay để thắt chặt mối quan hệ giữa các tổ chức Đoàn và giữa ĐVTN với nhau để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác Đoàn.

MINH NHẬT

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khi-doan-vien-thanh-nien-trai-nghiem-van-hoa-truyen-thong-post289116.html