Khi doanh nghiệp bị thâu tóm!

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tìm kiếm dòng tiền để trang trải là giải pháp được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu. Đó cũng là lý do dẫn tới việc M&A (mua bán, sáp nhập) doanh nghiệp như sang tay dự án, bán cổ phần hoặc bán luôn công ty… ngày càng sôi động, diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực.

Những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này không còn tiền để triển khai dự án, cũng như trang trải chi phí hoạt động mặc dù đã thu hẹp quy mô. Do vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán một phần hoặc toàn bộ dự án để trả nợ, bổ sung nguồn vốn, tránh bị phá sản.

Mới đây nhất, Công ty Nova F&B - một thành viên của NovaGroup, chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực tại các dự án do Novaland phát triển, đã được một doanh nghiệp của Singapore mua lại thông qua sự sắp xếp của VinaCapital. Thương vụ này được thực hiện trong nỗ lực tái cấu trúc của NovaGroup bởi vì quá khó khăn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không chỉ lĩnh vực bất động sản mà trong những tháng đầu năm 2023, nhiều thương vụ M&A “khủng” trong lĩnh vực tài chính cũng đã diễn ra. Cụ thể, thị trường tài chính đã chứng kiến một thương vụ M&A có giá trị lên tới khoảng 1,5 tỷ USD, đó là VPBank bán 15% cổ phần cho Ngân hàng SMBC (Nhật Bản). Tương tự, Ngân hàng UOB Singapore cũng đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam; SHB chuyển nhượng 50% vốn SHBFinance cho Ngân hàng Krungsri (Thái Lan) thu về khoảng 1.800 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, những cuộc sáp nhập nhìn theo hướng tích cực là tạo ra nhân tố mới, kỳ vọng cải thiện nguồn cung tương lai, đem đến nhiều sản phẩm chất lượng, đa dạng cho thị trường. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp ngoại hợp tác doanh nghiệp trong nước, phát huy tối đa thế mạnh am hiểu chính sách và quy trình tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, hiện tượng đang xảy ra cho thấy, hầu như các thương vụ M&A chỉ diễn ra một chiều. Cụ thể, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khiến nhiều người “giật mình” khi thông tin, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán tài sản với giá chỉ bằng 50% giá trị thực và bên mua là doanh nghiệp nước ngoài. Trong nền kinh tế thị trường, việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp là hoạt động bình thường, bên mua vẫn đóng thuế, đóng góp cho tăng trưởng. Vấn đề chỉ đáng lo khi không ít doanh nghiệp phải ngậm ngùi “bán mình” dưới giá thành, có khi chỉ bằng 50% giá trị thực.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hoạt động của doanh nghiệp phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Vì vậy, việc nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn phải bán gần hết tài sản để cầm cự và số doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng mạnh so với nhiều năm trở lại đây là rất đáng lo ngại. Nếu một doanh nghiệp tốt đối mặt với khó khăn trong thanh khoản ngắn hạn, buộc phải bán cả cơ ngơi là điều rất xót xa. Doanh nghiệp chỉ gặp trục trặc trong ngắn hạn mà phải “bán mình” là điều đáng tiếc cho nền kinh tế.

Diên Vĩ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khi-doanh-nghiep-bi-thau-tom-157616.html