Khi doanh nghiệp đưa hội họa nâng tầm không gian nghỉ dưỡng
Hiện nay, một số khu nghỉ dưỡng đã trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những người đam mê hội họa thông qua các hoạt động triển lãm tranh, tổ chức các trại sáng tác.
Le Lyceé Artspace, không gian triển lãm nghệ thuật nằm trong lòng Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa, là một bối cảnh đặc biệt. Phòng trưng bày nằm tại tầng trệt của một trong 17 căn biệt thự Pháp cổ của khu nghỉ dưỡng nằm giữa trung tâm TP Đà Lạt mang đến cảm giác về sự hòa hợp tuyệt đối giữa nghệ thuật và không khí lãng mạn của TP ngàn hoa.
Trong 2 năm trở lại đây, khu nghỉ dưỡng với sự vận hành của Công ty CP Bất động sản Ninh Vân Bay đã trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những người đam mê hội họa thông qua các hoạt động triển lãm tranh, tổ chức các trại sáng tác. Đây là một trong những định hướng phát triển bền vững của Ninh Vân Bay, xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến của di sản và nghệ thuật giữa lòng Đà Lạt, góp phần lan tỏa tinh hoa nghệ thuật, kết nối những người yêu cái đẹp và thúc đẩy cho hội họa Việt Nam phát triển.
Triển lãm cá nhân “Nhìn lại” của nghệ sĩ Bùi Văn Tuất diễn ra tại Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa từ 28/10/2023 đến 28/12/2023 là một hoạt động như thế.Họa sĩ Bùi Văn Tuất là người đã định danh mình trong nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam qua các sáng tác về đề tài miền núi phía Bắc. “Tôi chọn tên “Nhìn lại” như là một cách để nhớ lại những chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của mình - những khoảnh khắc, những cuộc trò chuyện, những gương mặt trẻ con mà tôi gặp gỡ tại Hà Giang - vùng đất mà tôi có những ấn tượng đặc biệt nhất. Và khi đưa những tác phẩm này tới Le Lyceé Artspace tại Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa, tôi không có ý định so sánh gương mặt trẻ em giữa những vùng miền khác nhau bởi chúng luôn có những điểm chung, mà hơn hết, tôi kỳ vọng vào một sự lan tỏa”- họa sĩ Bùi Văn Tuất chia sẻ.
Hơn 30 bức sơn dầu với đa dạng kích thước, bức lớn nhất có kích thước 170x400cm, bức nhỏ nhất 35x30cm, còn lại các bức trung bình có kích cỡ 55x73cm, 40x50cm với chủ đề chính trong các sáng tác là chân dung của các em bé vùng cao.
Bằng bút pháp tả thực điêu luyện, các đối tượng trong tranh Bùi Văn Tuất hiện lên vô cùng sinh động và gần gũi, đặc biệt là hình ảnh về những đứa trẻ nơi vùng cao Đông Bắc. Trẻ con thì nhiều họa sĩ đã vẽ, nhưng để vẽ ra được đúng cái chất trẻ con thì hiếm. Họa sĩ đến gần chúng bằng cách tự thu nhỏ mình lại bằng chúng để chơi đùa, để hòa vào tâm hồn chúng và khắc họa chúng bằng một cách cách rất riêng của mình.
Ngắm nhìn loạt tranh chân dung về trẻ con, người ta sẽ thấy ở mỗi dáng vẻ, mỗi khuôn mặt đều toát lên nét hoang dại ngơ ngác đặc trưng, lại vừa thấy thấp thoáng trong đó cái tinh nghịch, bướng bỉnh, ngây thơ trong trẻo của tuổi thơ mà cũng muốn mình được như bé lại.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khi-doanh-nghiep-dua-hoi-hoa-nang-tam-khong-gian-nghi-duong.html