Khi động, thực vật biến đổi để thích nghi với tác động của con người

Từ những ngọn núi cao nhất đến tận đáy đại dương, ảnh hưởng của con người đã chạm đến mọi ngóc ngách của hành tinh. Nhiều loài thực vật và động vật đang tiến hóa để thích nghi với thế giới này.

Một ví dụ đáng chú ý xuất hiện trong cuộc Cách mạng Công nghiệp ở thế kỷ 18, khi loài bướm đêm có đốm chuyển từ màu đen trắng sang đen hoàn toàn sau khi bụi than làm tối màu môi trường sống của chúng. Những con bướm chuyển sang màu đen ngụy trang giữa những cái cây phủ đầy bụi than, chúng truyền đặc trưng này cho thế hệ tiếp theo. Khi ảnh hưởng của con người mở rộng, thì những sự thích nghi kỳ lạ cũng xuất hiện trong thế giới tự nhiên.

Cây teo nhỏ

Cây dái ngựa. Ảnh: Alamy

Cây dái ngựa. Ảnh: Alamy

Nổi tiếng vì độ bền, khả năng chống mục nát và màu nổi bật, gỗ dái ngựa đã trở thành biểu tượng của sự xa xỉ. Những cây dái ngựa lớn nhất, trụ cột quan trọng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới, đã bị chặt để lấy gỗ, với số lượng giảm hơn 70% ở một số quốc gia kể từ năm 1970.

Bà Malin Rivers, nhà bảo tồn của Botanic Gardens Conservation International cho biết, trong khi cây cổ thụ phần lớn đã biến mất, thì cây dái ngựa vẫn phổ biến ở nhiều khu vực nhưng phát triển dưới một hình thức khác.

Cây dái ngựa từng có thể cao tới hơn 20 m. Nhưng nay, loài cây này tồn tại dưới dạng nhỏ bé hơn, với ít giá trị thương mại. Khi những cây lớn nhất bị chặt, chúng không thể sinh sản và chia sẻ nguồn gene thúc đẩy chiều cao. Điều này khiến thế hệ cây mới không còn cao lớn, đồ sộ nữa và sẽ không bao giờ phát triển đến độ cao trước đây.

Tổ chim ác từ gai chống chim

Tổ này chim ác làm từ gai chống chim. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Rotterdam

Tổ này chim ác làm từ gai chống chim. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Rotterdam

Tổ chim được làm từ những chiếc gai chống chim nham nhở không phải là cảnh tượng hiếm gặp ở các khu vực thành thị. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chim ác đã nhổ những chiếc gai chống chim để làm tổ. Loài này thường che tổ hình vòm của chúng bằng cành cây gai để ngăn những kẻ săn mồi trộm trứng như quạ.

Thực tế kỳ thú này nằm trong xu hướng ngày càng tăng các loài chim tận dụng vật liệu nhân tạo làm tổ.

Ốc sên vỏ nhạt để đối phó nhiệt độ thành phố

Ốc sên môi nâu vỏ nhạt. Ảnh: Alamy

Ốc sên môi nâu vỏ nhạt. Ảnh: Alamy

Dựa trên hình ảnh ốc sên môi nâu do hàng nghìn công dân Hà Lan thu thập, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ốc sên sống ở trung tâm thành phố đã tiến hóa khiến vỏ có màu nhạt hơn.

Các nhà khoa học nhận định sự thay đổi này là kết quả của nhiệt độ tăng tại các thành phố, có thể cao hơn tới 8 độ C so với môi trường nông thôn.

Giáo sư Menno Schilthuizen người Hà Lan, cho biết: "Những con ốc sên vỏ sẫm màu có nguy cơ tử vong do quá nóng. Có lẽ, màu vỏ nhạt giúp ốc sên đủ mát vào những ngày hè nóng nực ở thành phố".

Chim én có cánh ngắn hơn để tránh ô tô

Chim én vách đá ở Tây Nam Nebraska (Mỹ), thường làm tổ dưới các cây cầu. Do đó, ô tô thường đâm phải loài chim này. Nhưng một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 phát hiện ra rằng chim én vách đá đã thích nghi với nguy cơ bị đâm bằng cách phát triển đôi cánh ngắn hơn.

Đôi cánh ngắn khiến chúng nhanh nhẹn hơn, tránh được phương tiện giao thông đang lao nhanh đến gần.

Voi mất ngà

Trong cuộc nội chiến Mozambique (1977-1992), nạn săn trộm ồ ạt khiến số lượng voi đồng cỏ châu Phi giảm hơn 90% ở công viên quốc gia Gorongosa. Trong quần thể voi hiện đang phục hồi, nhiều con voi cái không có ngà. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc voi không có ngà khiến chúng giảm nguy cơ bị những kẻ săn trộm nhắm đến. Sự thay đổi tương tự cũng đã được ghi nhận ở Tanzania.

Tanya Smith, cố vấn cấp cao tại Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) chi nhánh ở Anh, cho biết: "Tỷ lệ gia tăng voi châu Phi sinh ra với ngà ngắn hơn hoặc thậm chí không có ngà là sự thích nghi đáng buồn để ứng phó với áp lực tàn khốc của nạn săn trộm trong những thập niên trước”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khi-dong-thuc-vat-bien-doi-de-thich-nghi-voi-tac-dong-cua-con-nguoi-20250106165149235.htm