Khí đốt khiến Nga-EU lâm thế tiến thoái lưỡng nan, nút thắt sẽ được gỡ trong một sớm một chiều?

Mặc dù EU đã dùng nhiều cách nhằm giảm nhu cầu đối với khí đốt của Nga, nhưng Moscow vẫn là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai cho liên minh 27 quốc gia thành viên.

Bên trong cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, Nga. (Nguồn: AFP)

Bên trong cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, Nga. (Nguồn: AFP)

Theo tác giả Kieran Thompson trong bài viết mới đây trên hinrichfoundation.com, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), các nước phương Tây và đồng minh đã áp đặt lên Moscow hàng loạt biện pháp trừng phạt năng lượng chưa từng có. Mặc dù vậy, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên ra thế giới, mang lại cho Điện Kremlin một nguồn doanh thu đáng kể.

Nga chủ động chặn dòng khí đốt

Khác với dầu mỏ, đến nay, xuất khẩu khí đốt của Nga chưa bị các nước phương Tây trừng phạt nặng nề. Ngoài những hạn chế đối với công nghệ sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), vốn có thể tác động lâu dài đến năng lực sản xuất trong tương lai của Nga, khí đốt của nước này hầu như được tự do bán cho bất kỳ khách hàng nào.

Thay vì dùng biện pháp trừng phạt chính thức, các nước Liên minh châu Âu (EU) lại tìm cách loại bỏ khí đốt của Nga, trong đó, Đức thường được coi là ví dụ điển hình thành công của việc xa lánh nhiên liệu của Moscow.

Tuy nhiên, có thể nói, thành công của Đức được thúc đẩy nhiều bởi các quyết định của Điện Kremlin, chẳng hạn như việc ngừng xuất khẩu qua đường ống Nord Stream 1 (đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga đến Đức), hơn là do các hành động của EU.

Chính Moscow đã áp đặt các hạn chế về xuất khẩu khí đốt của mình, không phải EU hay phương Tây. Nga rõ ràng muốn sử dụng việc từ chối xuất khẩu khí đốt như một biện pháp làm suy yếu EU. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Moscow không tìm được nhiều khách hàng có thể thay thế cho thị trường châu Âu - khu vực vốn nhập khẩu lượng lớn khí đốt từ Nga.

Phụ thuộc lẫn nhau

Khí đốt giá rẻ của Nga là một trong những nền tảng chính của ngành công nghiệp nặng ở châu Âu và các quốc gia tại lục địa này đã phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của Moscow cho gần một nửa tổng nguồn cung.

Khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, 10 quốc gia EU phụ thuộc vào khí đốt của Nga, chiếm hơn 75% lượng nhập khẩu của họ. Trong khi đó, có rất ít nguồn cung cấp khí đốt thay thế cho liên minh này.

Ở chiều ngược lại, Nga tất nhiên cũng phụ thuộc vào EU với tư cách một thị trường xuất khẩu. Ngoài các đường ống dẫn khí đốt tới EU, giải pháp thay thế của Moscow là cố gắng bán càng nhiều hàng càng tốt cho các thị trường mới.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, khí đốt tự nhiên phải được xuất khẩu dưới dạng chất lỏng (LNG). Điều này liên quan đến việc làm lạnh nó xuống âm 162 độ C, đưa LNG lên các tàu chở chuyên dụng và bán cho người dùng có thiết bị nhập khẩu đầu cuối được trang bị để dỡ hàng.

Thách thức của Nga là có rất ít kho cảng nhập khẩu LNG trên toàn cầu để nước này vận chuyển khí đốt. Đội tàu chở LNG toàn cầu hiện tại cũng không đủ để vận chuyển khối lượng tương đương với doanh số bán hàng trước xung đột của Nga tới châu Âu.

Trong bối cảnh đó, để thay thế khí đốt của Nga, EU, đứng đầu là Đức, nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất trong khối, đã tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế. Khối đã nhập khẩu thêm khí đốt bằng đường ống từ Azerbaijan và Na Uy, đưa ra các chính sách giảm tiêu thụ và tăng hơn 60% lượng nhập khẩu LNG từ tất cả các nguồn vào năm 2022 so với năm 2021. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng tăng cường nguồn khí đốt từ năng lượng tái tạo.

Mặc dù mục đích rõ ràng của các biện pháp trên là nhằm giảm nhu cầu đối với khí đốt của Nga, nhưng Moscow vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho liên minh 27 quốc gia thành viên. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với cả Nga và EU.

 Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự lễ khai trương cơ sở tiếp nhận LNG đầu tiên của nước này tại cảng Wilhelmshaven, bang miền Bắc Niedersachsen, gày 17/12/2022. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự lễ khai trương cơ sở tiếp nhận LNG đầu tiên của nước này tại cảng Wilhelmshaven, bang miền Bắc Niedersachsen, gày 17/12/2022. (Nguồn: AP)

Điện Kremlin muốn tận dụng nhu cầu của châu Âu đối với khí đốt của Nga để trừng phạt khối này. Trong khi đó, EU muốn ngừng mua khí đốt để cắt giảm nguồn thu của Nga.

Mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này lớn đến mức không thể một sớm một chiều có thể phá vỡ được. Điều đó hạn chế khả năng của EU trong việc tác động đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Hiện các đường ống dẫn khí không phải của Nga không có đủ công suất và châu Âu cũng không đủ cảng nhập khẩu LNG để tiếp cận các nguồn cung cấp thay thế với khối lượng cần thiết. Mặc dù EU đang xây dựng các cảng nhập khẩu LNG mới, nhưng quá trình này thường mất vài năm.

Trong khi đó, Nga cũng mắc kẹt với EU. Không giống như dầu mỏ, Moscow gặp những hạn chế không nhỏ trong việc chuyển hướng xuất khẩu khí đốt với khối lượng tương đương khối lượng đã cung cấp cho EU trước đây.

Trung Quốc được cho là một thị trường tiềm năng, nhưng đường ống Power of Siberia hiện tại tương đối nhỏ và không thể mở rộng nếu không có một cuộc đại tu. Tổng thống Nga Putin từ lâu đã ủng hộ một đường ống dẫn mới nối hai nước.

Theo tính toán, doanh số bán khí đốt của Nga sẽ giảm xuống 136 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2023 từ 241 bcm vào năm 2021. Nguyên nhân là các hạn chế của nước này đối với việc xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang EU. Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm đáng kể này, hoạt động xuất khẩu khí đốt vẫn mang lại hàng tỷ USD doanh thu cho Điện Kremlin.

Giới phân tích nhận định rằng, các biện pháp trừng phạt năng lượng nói chung và khí đốt nói riêng sẽ không có tác dụng đáng kể trong việc làm suy giảm nguồn thu của Nga.

(theo hinrichfoundation.com)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-dot-khien-nga-eu-lam-the-tien-thoai-luong-nan-nut-that-se-duoc-go-trong-mot-som-mot-chieu-229441.html