Khí đốt là 'điểm đau', nỗ lực thoát năng lượng Nga, thập niên bùng nổ cuối cùng của ngành dầu khí đã tới

Việc tìm kiếm các giải pháp thay thế nguồn cung khí đốt trong một khoảng thời gian ngắn là rất khó. Nếu không xử lý nguồn cung mới, trong khi nhu cầu vẫn đang tăng lên, thì cuộc khủng hoảng này sẽ chỉ nhân lên và trở nên tồi tệ hơn.

Công ty Andrew Forrest’s Australian Industrial Energy có kế hoạch nhập khẩu khí đốt vào cảng Kembla, Australia vào cuối năm 2023. (Nguồn: NSW GOVERNMENT)

Công ty Andrew Forrest’s Australian Industrial Energy có kế hoạch nhập khẩu khí đốt vào cảng Kembla, Australia vào cuối năm 2023. (Nguồn: NSW GOVERNMENT)

Thập niên tuyệt vời với dầu khí

Trong bài viết xuất bản ngày 7/6 trên SMH, tác giả Peter Milne cho biết, ông Gavin Thompson, Phó Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương, công ty nghiên cứu Wood Mackenzie từng nhận định, thế giới đang bước vào một thập niên bùng nổ các nhà sản xuất dầu và khí đốt, bao gồm cả ở Australia, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn của châu Âu tìm kiếm các lựa chọn thay thế nguồn cung của Nga.

Ngay từ trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ông Gavin Thompson, vốn là một trong những nhà nghiên cứu năng lượng có ảnh hưởng nhất thế giới, đã nói với các nhà đầu tư Australia rằng, ông cảm thấy những năm 2020 sẽ là một thập niên tuyệt vời đối với các công ty dầu khí.

“Chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một thập niên bùng nổ, có thể là thập niên bùng nổ cuối cùng, nhưng là một thời kỳ rất mạnh mẽ”, ông nói.

Theo nghiên cứu của Wood Mackenzie, nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), được vận chuyển bằng tàu thay vì thông qua đường ống, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040 nếu châu Âu tự loại bỏ khí đốt từ Nga.

Ngày 7/6, phát biểu tại Diễn đàn năng lượng Credit Suisse Australia, chuyên gia Thompson nhận định, châu Âu sẽ không đảo ngược nỗ lực ngừng mua hàng hóa của Nga.

Ông cho biết: “Chúng ta sẽ thấy những động thái tích cực hơn trong việc tung ra năng lượng tái tạo, xem xét các giải pháp thay thế nguồn cung và cố gắng giảm nhu cầu sử dụng. Châu Âu có thể ngừng mua than của Nga và hầu hết các hoạt động mua dầu vào cuối năm nay”.

Chuyên gia của Wood Mackenzie nhấn mạnh: “Khí đốt là ‘điểm đau’… việc tìm kiếm các giải pháp thay thế trong một khoảng thời gian rất ngắn là rất khó, nhưng nó đang diễn ra. Bạn sẽ phải mua xăng với giá cao, rất cao”.

LNG thay thế sẽ được bơm vào các thiết bị đầu cuối, được gọi là tàu chuyên dụng (các đơn vị lưu trữ nổi và tái cấp hóa, hay còn gọi là FSRU).

Chính phủ Đức đã gấp rút thuê một số FSRU, với dự kiến cơ sở đầu tiên sẽ hoạt động trước cuối năm 2022.

Mark Abbotsford, Phó Chủ tịch tiếp thị của công ty năng lượng Woodside của Australia, cho biết, nhập khẩu LNG là một trong những giải pháp cho nguồn cung cấp khí đốt ở bờ biển phía Đông Australia trong ngắn hạn.

Được biết, “gã khổng lồ” Woodside đang đàm phán với công ty Viva Energy để đảm bảo công suất hoạt động tại nhà ga nhập khẩu LNG của họ ở Geelong, thành phố phía Tây Nam của Melbourne,

Cơ hội kinh doanh đối với nhà ga nhập khẩu này hiện đã rõ ràng hơn so với thời điểm Woodside ký thỏa thuận sơ bộ với Viva vào tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, dự án “khủng” nhất trong những đề xuất nhập khẩu LNG vào Australia là dự án Andrew Forrest’s Port Kembla.

Một chặng đường dài đầy khó khăn

Bất kỳ nhà ga LNG nào cũng đều phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nơi những khách hàng lớn ở châu Á khá tự tin về nhu cầu dài hạn đang theo đuổi các hợp đồng cung cấp kéo dài 20 năm.

Tuy nhiên, châu Âu và Australia, với nhu cầu năng lượng dự kiến ít tăng trưởng hơn và có các động thái tích cực hơn trong việc khử cacbon không có khả năng cam kết các hợp đồng dài hạn. Việc đầu tư vào một nhà ga nhập khẩu LNG cũng sẽ khó chứng minh hơn nếu không có sự chắc chắn rằng nó sẽ được sử dụng hiệu quả trong một thời gian dài.

Nói về thị trường khí đốt ở phía Đông Australia, chuyên gia Thompson nói: “Bạn sẽ phải mua giá khí đốt rất cao”.

Dự báo của Wood Mackenzie về giá LNG cao được thúc đẩy bởi nhận định về nhu cầu lớn đối với mặt hàng này nhưng lại không chắc chắn về nguồn cung.

Ông Thompson nói: “Nếu chúng ta không xử lý nguồn cung mới, trong khi nhu cầu vẫn đang tăng lên, thì cuộc khủng hoảng này sẽ chỉ nhân lên và trở nên tồi tệ hơn”.

Tại phiên giao dịch ngày 6/6, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 7 ở Trung tâm phân phối khí đốt tự nhiên Henry Hub, thị trấn Erath, bang Louisiana (Mỹ) đạt 9,368 USD/1 triệu Btu, tăng 9,91% so với chốt phiên cuối tuần trước. Khí đốt kỳ hạn giao tháng 8 cũng tăng 9,87%, lên mức 9,368 USD/1 triệu Btu.

Theo các chuyên gia, mùa Hè nóng, việc các gia đình cần nhiều khí đốt hơn để sử dụng điều hòa trong vài tuần tới có thể sẽ kích hoạt một làn sóng tăng giá đối với mặt hàng này. Ngoài ra, nguồn cung cũng là một nhân tố khiến giá khí đốt kỳ hạn giao sau tăng.

Trong khi nhận định về một thập niên bùng nổ đối với doanh thu từ dầu khí, chuyên gia hàng đầu của Wood Mackenzie cho rằng, việc phát triển các dự án để tận dụng lợi thế giá cao vẫn có thể gặp khó khăn.

Lạm phát toàn cầu, số lượng các dự án mới ngày càng tăng và thiếu các nhà thầu xây dựng sẵn sàng chào giá thi công cố định sẽ làm tăng thêm rủi ro cho bất kỳ khoản đầu tư nào để đáp ứng nhu cầu LNG.

Trong khi đó, ông Martin Houston, người sáng lập Tellurian, đơn vị đang phát triển một dự án LNG lớn ở Louisiana, Mỹ lạc quan về nhu cầu LNG, nhưng dự đoán dầu và khí đốt vẫn là một lĩnh vực đầy hỗn loạn.

Ông Houston nói: “Đây là một hoạt động kinh doanh phi lý về mặt thương mại và chưa bao giờ thực sự được xem xét về lâu dài.

Cuối cùng, tại một số điểm, chúng ta sẽ có một số kiểu kết hợp cung và cầu, nhưng theo quan điểm của tôi, đó là một chặng đường dài”.

LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất.

Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn, LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới.

Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí, sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ.

(theo SMH)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-dot-la-diem-dau-no-luc-thoat-nang-luong-nga-thap-nien-bung-no-cuoi-cung-cua-nganh-dau-khi-da-toi-186377.html