Khí đốt Nga khiến EU 'mất ăn mất ngủ', Ukraine đối mặt rủi ro nếu chặn dòng trung chuyển, hàng dài doanh nghiệp sẵn lòng 'ôm hàng nóng'

Việc dừng hoàn toàn dòng khí đốt Nga từ Ukraine sang châu Âu đặt ra hai mối đe dọa đối với Kiev: mất doanh thu vận chuyển lên tới 1-1,3 tỷ USD mỗi năm và rủi ro đối với chính cơ sở hạ tầng năng lượng.

Việc dừng vận chuyển khí đốt Nga sẽ không chỉ gây tổn thất tài chính cho Ukraine mà còn gây nguy hiểm cho toàn bộ cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt của nước này. (Nguồn: AFP)

Việc dừng vận chuyển khí đốt Nga sẽ không chỉ gây tổn thất tài chính cho Ukraine mà còn gây nguy hiểm cho toàn bộ cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt của nước này. (Nguồn: AFP)

Ukraine cho biết không có kế hoạch gia hạn hợp đồng hiện tại (hết hạn vào cuối năm nay) về vận chuyển khí đốt của Nga. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu đang đàm phán với Kiev để tìm cách tiếp tục quá cảnh khí đốt vào năm 2025. Mục tiêu là giảm tương tác trực tiếp giữa Moscow và Kiev bằng cách làm việc qua một bên trung gian, như Azerbaijan, hoặc bằng cách thành lập một tập đoàn gồm các công ty châu Âu để mua khí đốt tại biên giới Nga-Ukraine trước khi vận chuyển khí đốt qua Ukraine.

Có ý kiến cho rằng đề xuất này có rất ít cơ hội thành công. Tại sao?

Theo nguồn tin của Bloomberg, một lựa chọn tiềm năng để tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ liên quan đến việc các nước châu Âu mua khí đốt của Azerbaijan, sau đó sẽ chuyển qua Nga và Ukraine đến lục địa già. Tuy nhiên, việc sử dụng một bên trung gian để duy trì dòng năng lượng có vẻ giống như một lựa chọn trên giấy tờ, và điều đó lại cực kỳ khó xảy ra trên thực tế.

Các chi tiết chính xác của kế hoạch đề xuất vẫn chưa rõ ràng, nhưng rất có thể nó sẽ liên quan đến việc trao đổi khí đốt của Nga lấy khí đốt của Azerbaijan. Tức là, công ty dầu mỏ nhà nước Azerbaijan SOCAR sẽ cung cấp cho khách hàng của Gazprom và ngược lại. Theo công ty tư vấn ICIS, các công ty châu Âu từ 6 quốc gia gồm Áo, CH Czech, Hungary, Italy, Slovakia và Ukraine, sẵn sàng xem xét kế hoạch.

Sự trao đổi này có thể xảy ra theo hai cách: Về mặt vật lý, với những thay đổi thực tế trong dòng khí hoặc hầu như chỉ được phản ánh trên giấy. Tuy nhiên, cả hai phương án này gần như không thể thực hiện được trên thực tế. Tùy chọn đầu tiên sẽ yêu cầu Gazprom cấp cho SOCAR quyền truy cập vào hệ thống vận chuyển khí đốt của mình, trong khi tùy chọn thứ hai sẽ yêu cầu sửa đổi cả hợp đồng xuất khẩu dài hạn hiện có của Gazprom và SOCAR.

Hiện tại, Azerbaijan cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Hành lang khí đốt phía Nam - một mạng lưới đường ống đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác. Năm 2023, Azerbaijan đã xuất khẩu 12 tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu (tương đương với nguồn cung hiện tại của Gazprom qua Ukraine) và có kế hoạch tăng gấp đôi con số này vào năm 2027. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể tăng cả sản lượng và xuất khẩu do những hạn chế về cơ sở hạ tầng và nhu cầu khí đốt trong nước ngày càng tăng.

Reuters dẫn lời Cố vấn tổng thống Azerbaijan Hikmat Hajiyev cho biết: “Chúng tôi cần thêm tiền để đầu tư vào các mỏ và cần đầu tư thêm vào đường ống”.

Ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (tháng 2/2022), từ năm 2021, Kiev đã đe dọa có hành động pháp lý chống lại Gazprom trong nỗ lực ngăn chặn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Trung Á. Gazprom, công ty độc quyền về khí đốt của Nga, đã không phản hồi đề xuất này vào thời điểm đó và tiếp tục giữ im lặng.

Không phải không có hậu quả

Dừng vận chuyển khí đốt sẽ không chỉ gây tổn thất tài chính cho Ukraine mà còn gây nguy hiểm cho toàn bộ cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt của nước này. Tuy nhiên, giới chức ở Kiev nhiều lần tuyên bố rằng, việc đàm phán với Moscow để gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt là không thể. Hệ thống truyền tải khí đốt tự nhiên của Ukraine có khả năng bơm khoảng 140 tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu hằng năm, nhưng trong hai năm qua, nguồn cung đã giảm đáng kể - chỉ khoảng 15 tỷ mét khối mỗi năm.

Việc dừng hoàn toàn dòng khí đốt từ Ukraine sang châu Âu đặt ra hai mối đe dọa đối với Kiev: mất doanh thu vận chuyển lên tới khoảng 1-1,3 tỷ USD mỗi năm và rủi ro đối với chính cơ sở hạ tầng, có thể rơi vào tình trạng hư hỏng hoặc trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công quân sự.

Kể từ cuối tháng 3/2024, Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng ở miền Tây Ukraine, bao gồm cả các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất được các công ty châu Âu thuê.

Ông Oleksiy Chernyshov, Giám đốc điều hành của công ty nhà nước Naftogaz của Ukraine, nói với Bloomberg: “Tôi đang làm mọi thứ để tìm ra giải pháp nhằm giữ cho hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine hoạt động vì đây là tài sản lớn và cần có khách hàng… Nếu không thì sẽ thua lỗ”.

Một giải pháp khả thi để duy trì ít nhất một phần hệ thống truyền khí đốt của Ukraine hoạt động sau khi Nga ngừng vận chuyển khí đốt là Hành lang khí đốt thẳng đứng (Vertical Gas Corridor). Đây là dự án được lên kế hoạch kết nối hệ thống đường ống của Ukraine với Moldova, Bulgaria và sau đó là Đường ống xuyên Adriatic, nơi cung cấp khí đốt từ Azerbaijan đến châu Âu.

Hành lang khí đốt thẳng đứng cũng sẽ mở ra khả năng tiếp cận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Ukraine từ các nhà ga ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn khí này có thể được các công ty châu Âu bơm vào các cơ sở ngầm của Ukraine để lưu trữ. Về lý thuyết, quốc gia Đông Âu có thể vận chuyển lượng khí đốt này đến Slovakia bằng cách sử dụng một phần tuyến đường hiện đang được sử dụng cho khí đốt của Nga, nhưng điều này đòi hỏi phải đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng.

Một lựa chọn khác để tiếp tục quá cảnh khí đốt từ Nga qua Ukraine có thể là các thỏa thuận trực tiếp giữa các công ty châu Âu với cả Gazprom và phía Kiev. Trong trường hợp này, một tập đoàn gồm các công ty châu Âu sẽ mua khí đốt ở biên giới Nga-Ukraine và đàm phán độc lập với Kiev để tiếp tục vận chuyển khí đốt về phía Tây.

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là tập đoàn sẽ phải gánh chịu mọi rủi ro liên quan đến việc vận chuyển khí đốt qua một quốc gia đang có xung đột và không phải ai cũng thấy ý tưởng này hấp dẫn. Tuần trước, Giám đốc điều hành tập đoàn OMV (Áo) Alfred Stern tuyên bố rằng, công ty năng lượng này nhất quyết duy trì các điều khoản trong hợp đồng hiện tại với Gazprom - cụ thể là giao hàng tại trung tâm Baumgarten ở biên giới Slovakia-Áo.

Hầu hết các nhà phân tích trong ngành đều coi việc dừng hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine từ ngày 1/1/2025 là kịch bản có khả năng xảy ra nhất. Các chuyên gia tại Energy Aspects (nhà cung cấp dữ liệu và thông tin toàn cầu cho các thị trường vĩ mô và hàng hóa năng lượng) chỉ ra rằng, thỏa thuận giữa Gazprom của Nga và nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt Ukrtransgaz của Ukraine, quy định các chi tiết kỹ thuật về cách hai công ty làm việc cùng nhau, cũng sẽ hết hạn vào cuối tháng 12 năm nay. Và nếu thỏa thuận này không được gia hạn, mọi cuộc thảo luận về việc tiếp tục cung cấp khí đốt sẽ không được triển khai.

Gazprom có thể hành động

Việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine có thể giảm ngay cả trước khi các hợp đồng nói trên hết hạn. Cuối tháng 5 vừa qua, OMV cảnh báo, nguồn cung khí đốt từ xứ bạch dương có thể bị ngừng do phán quyết của tòa án nước ngoài.

Từ năm 2021, Kiev đã đe dọa có hành động pháp lý chống lại Gazprom trong nỗ lực ngăn chặn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Trung Á. (Nguồn: Getty)

Từ năm 2021, Kiev đã đe dọa có hành động pháp lý chống lại Gazprom trong nỗ lực ngăn chặn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Trung Á. (Nguồn: Getty)

Theo đó, một công ty năng lượng lớn của châu Âu (OMV không tiết lộ tên) đã thắng kiện Gazprom. Nếu được thi hành ở Áo, quyết định của tòa án sẽ yêu cầu OMV chuyển các khoản thanh toán khí đốt cho nguyên đơn thay vì cho công ty Gazprom Export. Do đó, Gazprom Export sẽ ngừng tất cả nguồn cung cấp cho OMV.

Ba tuần sau, vào ngày 12/6, công ty năng lượng Uniper của Đức thông báo sẽ chấm dứt sớm hợp đồng cung cấp dài hạn với Gazprom và yêu cầu bồi thường hơn 13 tỷ Euro (khoảng 14 tỷ USD) cho lượng khí đốt chưa được giao kể từ giữa năm 2022, theo phán quyết của tòa án tại Stockholm (Thụy Điển). Giám đốc điều hành Uniper Michael Lewis cho biết: “Vẫn chưa rõ liệu số tiền đáng kể này có thể được thu hồi hay không”, đồng thời lưu ý rằng, bất kỳ khoản tiền nào nhận được sẽ được chuyển cho chính phủ Đức.

Có vẻ như OMV đã đề cập quyết định này của tòa án trong tuyên bố hồi tháng 5, mặc dù một số công ty năng lượng châu Âu, bao gồm cả RWE của Đức, hiện đang tham gia vào các thủ tục trọng tài tương tự với Gazprom. Về mặt lý thuyết, quyết định của tòa án thu giữ các khoản thanh toán khí đốt có thể được thi hành ở bất kỳ lãnh thổ nào nơi khí đốt của Gazprom được giao. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến dòng khí chảy qua Ukraine mà còn ảnh hưởng đến những khách hàng nhận nguồn cung cấp qua đường ống như TurkStream.

Hungary đã cố gắng tự bảo vệ mình khỏi tình huống tương tự, với việc ban hành nghị định vào cuối tháng 5, cấm các bên thứ ba thu các khoản thanh toán dành cho Gazprom Export. Mặc dù điều này có khả năng khiến luật pháp quốc gia và châu Âu xung đột nhưng đây không phải là trường hợp đầu tiên Budapest ra quyết định như vậy.

Gazprom có thể có lý do để ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu sớm nhất là trong tuần này, vì các công ty thực hiện khoản thanh toán hằng tháng tiếp theo vào khoảng ngày 20/6. Nếu tất cả các khoản thanh toán được xử lý và Uniper không cố gắng thu giữ chúng, nguồn cung cấp sẽ tiếp tục chảy như bình thường.

Tuy nhiên, nếu các khoản thanh toán khí đốt từ các công ty như OMV của Áo bị thu giữ, Gazprom có thể ngay lập tức giảm khối lượng vận chuyển. Khi điều này xảy ra, các nhà phân tích từ Energy Aspects tin rằng, Uniper có khả năng chỉ thu hồi được khoảng 1 tỷ Euro (khoảng 1,1 tỷ USD).

Mặc dù vậy, chấm dứt một số hợp đồng cung cấp dài hạn của Gazprom không có nghĩa là việc vận chuyển khí đốt bị dừng hoàn toàn. Có rất nhiều công ty thương mại ở thị trường châu Âu sẵn lòng sử dụng năng lực được giải phóng bởi những người mua lớn và mua khí đốt qua đường ống của Nga, vốn không phải chịu lệnh trừng phạt.

(theo Meduza)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-dot-nga-khien-eu-mat-an-mat-ngu-ukraine-doi-mat-rui-ro-neu-chan-dong-trung-chuyen-hang-dai-doanh-nghiep-san-long-om-hang-nong-275596.html