Khi dự án bắt nhịp được thực tiễn

Dự án 'Ươm mầm tương lai tươi sáng cho phát triển kinh tế và trao quyền cho phụ nữ ở Sơn La thông qua cây giống và rau nhà màng chất lượng cao' thuộc Chương trình Great của Chính phủ Úc đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo đầu bờ giới thiệu về mô hình nhà ươm cây giống tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (ảnh chụp ngày 22/1).

Hội thảo đầu bờ giới thiệu về mô hình nhà ươm cây giống tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (ảnh chụp ngày 22/1).

Tháng 9/2020, chị Đinh Thị Hường, dân tộc Mường ở bản Hang Trùng 1, huyện Vân Hồ được Dự án hỗ trợ làm nhà ươm rộng 350 m², cung cấp khay và giá thể để thực hiện ươm rau giống, với trị giá 256 triệu đồng. Sau 5 tháng thực hiện dự án với mô hình chuyên cung ứng rau giống đã thu được trên 100 triệu đồng. Gia đình chị đã thanh toán được 90/128 triệu đồng vốn đối ứng 50% theo yêu cầu Dự án.

Điểm chung của Dự án không chỉ trao cơ hội thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho phụ nữ mà còn hướng cho các hộ trong vùng thực hiện dự án tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Hộ chị Lò Thị Oanh, đồng bào dân tộc Thái, bản Hang Trùng I (Vân Hồ) được hỗ trợ làm nhà màng 615 m² để trồng rau chất lượng cao. Nhà màng được thiết kế đảm bảo độ ẩm, ánh sáng phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, với hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương...

Chị Lò Thị Oanh tâm sự: Sản xuất rau nhà màng chất lượng cao, 100% cây giống được gia đình đặt mua của những hộ tham gia mô hình nhà ươm cây giống của Dự án, đảm bảo chất lượng với tỷ lệ sống của cây giống đạt đến 90%. Với điều kiện nhiệt độ, độ ẩm trong nhà màng ổn định, cây trồng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại. Gia đình chủ yếu tập trung sản xuất các loại rau màu có giá trị kinh tế cao và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP nên các sản phẩm rau đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, một số sản phẩm được thu mua, bày bán trong một số siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đối với các HTX được tiếp nhận hỗ trợ của Dự án cũng đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo việc làm cho lao động địa phương, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. HTX Dũng Tiến, bản Km 83, xã Phiêng Luông (Mộc Châu) khi được Dự án hỗ trợ nhà màng, đã chuyển đổi trồng rau màu sang trồng dâu tây.

Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX, cho biết: Niên vụ 2020-2021 là năm đầu tiên HTX triển khai trồng dâu tây trong nhà màng. Với diện tích trồng hơn 600 m², HTX huy động các thành viên nữ và thuê thêm nhiều lao động nữ ở địa phương thường xuyên chăm sóc vườn dâu tây. Hiện nay, HTX đã thu hoạch được lứa dâu đầu tiên, giá bán tại vườn trung bình 200.000 đồng/kg, hứa hẹn một vụ dâu tây năng suất và doanh thu tốt. Cùng với trồng dâu tây, HTX chủ yếu sản xuất rau màu và trồng cây ăn quả, năm 2020 tổng doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động nữ ở địa phương, với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Triển khai thực hiện từ tháng 8/2019, đến nay, Dự án đã thiết lập được 8 mô hình nhà ươm cây giống và 5 mô hình nhà màng trồng rau chất lượng cao tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu và Mai Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng. Đồng hành cùng các hộ và các HTX, Công ty TNHH Fresh Studio Innovations Asia (đơn vị triển khai và thực hiện Dự án) đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức được 15 buổi hội thảo đầu bờ, 21 hoạt động tập huấn và dịch vụ khuyến nông. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chuyển giao công nghệ và theo dõi sản xuất.

Bà Cao Hồng Luyến, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Công ty TNHH Fresh Studio Innovations Asia, cho biết: Dự án không hỗ trợ hoàn toàn mà yêu cầu thực hiện đối ứng 50% kinh phí thực hiện sẽ trả dần trong vòng 2 năm để phát huy tinh thần trách nhiệm của các hộ và HTX tham gia. Các hộ tham gia được Dự án hỗ trợ kinh phí đầu tư nhà màng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kết nối thị trường thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu, cho biết: Tại huyện Mộc Châu, Dự án đã hỗ trợ 2 nhà ươm, 1 nhà màng, bà con được tiếp cận kỹ thuật mới, cây, con giống mới, thiết lập hệ thống sản xuất cây giống, tạo ra sản phẩm rau chất lượng cao. Dự án còn kết nối người nông dân cùng với các nhà cung cấp vật tư và nhà tiêu thụ sản xuất đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng đối với ngành sản xuất rau. Nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất cho phụ nữ, mạnh dạn, tự tin trong các hoạt động tập thể.

Tại huyện Mai Sơn, việc hỗ trợ của dự án phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của huyện, tỉnh. Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, chia sẻ: Bước đầu triển khai dự án đã có những tín hiệu đáng mừng, tạo cơ hội cho các HTX và Liên hiệp HTX sản xuất ra những sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.

Những thành công thấy rõ nhất khi thực hiện Dự án đã tạo việc làm, giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao kỹ năng quản lý, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo quy trình, đảm bảo vệ sinh ATTP, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm chủ cuộc sống. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững tại địa phương.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khi-du-an-bat-nhip-duoc-thuc-tien-37794