Khi du lịch cộng đồng 'nở rộ' nơi miền Tây xứ Thanh (Bài 2): Đừng để lòng tham lôi cuốn
Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động du lịch cộng đồng tại một số địa phương khu vực miền núi đã, đang dần bộc lộ nhiều hạn chế như: chưa có sự đầu tư bài bản; tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên; sản phẩm, dịch vụ trùng lặp; một bộ phận người dân bản địa không gắn bó với du lịch,... Chính những yếu tố này đã, đang 'đe dọa' đến sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng.
Lao động địa phương làm việc tại Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden (Bá Thước) được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Đồng hành cùng người dân bản Báng, xã Thành Sơn (Bá Thước) nhiều năm nay, ông Đỗ Đức Mạnh, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden cho biết: “Pù Luông Eco Garden là một trong những khu nghỉ dưỡng đầu tiên tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông. Người dân địa phương vô cùng phấn khởi khi có công ăn, việc làm ổn định. Thậm chí không ít người tha thiết muốn vào làm tại khu nghỉ dưỡng. Xác định du lịch cộng đồng cần phải có sự đồng hành của người dân bản địa, do đó 100% nhân viên ở đây đều là người địa phương, được chúng tôi đào tạo bài bản. Thế nhưng, trong vài năm gần đây khi có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng mới, họ lại sẵn sàng “nhảy việc”. Chưa kể, vì lợi nhuận trước mắt, không ít người dân địa phương bán đất, cho thuê đất hoặc bỏ nghề truyền thống - vốn là nét đặc sắc riêng của cộng đồng bản địa, khiến cho sự đa dạng về cơ cấu ngành nghề bị thu hẹp, đơn điệu, mai một, làm giảm tính hấp dẫn của điểm đến”.
Ông Đỗ Đức Mạnh trăn trở: “Không phải doanh nghiệp mà chính người dân bản địa mới có thể gìn giữ, phát huy và quảng bá bản sắc văn hóa, tạo dựng thương hiệu điểm đến. Bởi các nhà đầu tư lớn tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông chủ yếu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, nếu người dân bản địa chạy theo lợi ích trước mắt thì nét văn hóa truyền thống về lâu dài chắc chắn sẽ bị mai một”.
Trước phản ánh của một số doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề như: hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, an ninh trật tự, tình trạng lao động địa phương bỏ việc,... tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông. Mới đây, UBND huyện Bá Thước đã giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan và Công an huyện tổ chức rà soát, điều tra, đánh giá tình hình để có hướng giải quyết, khắc phục kịp thời.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng cho biết: “Sau một thời gian du lịch sinh thái cộng đồng phát triển mạnh trên địa bàn huyện, thu hút nhiều nhà đầu tư, người dân “nhảy việc” sang doanh nghiệp có mức lương cao hơn đã xảy ra thường xuyên trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, do bất hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và một số người dân dẫn đến xảy ra mất an ninh trật tự, ô nhiễm tiếng ồn. Đặc biệt, nhận thấy sự gia tăng lớn về lượng khách, một bộ phận người dân đã lấn chiếm đất nông nghiệp, đất đồi để xây dựng homestay trái phép. Trước thực trạng này, UBND huyện đã giao cho các phòng chức năng, phối hợp với các bên liên quan kiểm tra thực tế. Đối với các hộ lấn chiếm đất trái phép, huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường khoanh vùng, không cho phát triển và xử lý từng bước”.
Thực tế, điều hấp dẫn và khiến du khách lựa chọn hình thức du lịch cộng đồng là việc họ được trải nghiệm một không gian sống mới, được tiếp xúc với người dân bản địa và ở đó mang đậm dấu ấn của văn hóa điểm đến. Không chỉ tham quan, khám phá mà họ còn được trải nghiệm các hoạt động sản xuất, thưởng thức ẩm thực đặc trưng, mua sản vật của địa phương để kỷ niệm, làm quà,... Thế nhưng thay vì khai thác triệt để lợi thế là nét độc đáo, đặc sắc về văn hóa của vùng miền, tại một số nơi lại đang có cách hiểu, cách làm chưa tương xứng.
Chuyên gia du lịch cộng đồng Dương Minh Bình, Giám đốc công ty phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng: “Qua khảo sát tại một số điểm đến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi nhận thấy rằng các mô hình homestay (lưu trú tại nhà dân) của bà con hiện nay còn nặng tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản và chưa đi vào thực chất. Các hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường, đặc biệt là cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địa”.
Ông Dương Minh Bình nhấn mạnh: “Du lịch cộng đồng là sản phẩm đặc biệt thu hút khách quốc tế, song họ không đến các homestay để được phục vụ khách du lịch theo kiểu “Tây”, với các món ăn “Tây”, ở trong những ngôi nhà xây dựng cầu kỳ, uống rượu vang hay ăn bifteck (bít-tết). Thế nhưng thay vì phát triển du lịch đúng với bản sắc văn hóa vốn có, một số hộ dân đua nhau làm theo kiểu “nửa vời”, thậm chí “khước từ” trang phục truyền thống của dân tộc mình, gây phản cảm và ảnh hưởng đến sự phát triển chung”.
Có thể nói, sự thất bại từ những mô hình du lịch cộng đồng cũng như những hạn chế, bất cập trước sự phát triển “bùng nổ” của sản phẩm này có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Song cần phải khẳng định rằng, du lịch cộng đồng trước hết cần phải phát huy vai trò chủ thể. Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, chính người dân địa phương cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên, bản sắc văn hóa, không vì lợi ích trước mắt mà bỏ lỡ “sinh kế” lâu dài.