Khí dung, 'cỗ xe' đưa virus vào cơ thể
Mới đây, hai chuyên viên hàng đầu về bệnh nhiễm của nước Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci và Tiến sĩ Deborah Birx thuộc đội đặc nhiệm Covid-19 của Nhà Trắng đã đề nghị sử dụng thêm kính Goggles để bảo vệ mắt trước nguy cơ Coronavirus có trong khí dung (aerosol) đi vào mắt.
Tấm che mặt là đồ bảo hộ quen thuộc của bác sĩ và nhân viên y tế vì họ thường xuyên tương tác mặt đối mặt với bệnh nhân, cho dù đã mang khẩu trang 3M.
Cảnh báo mới về “khí dung”
Được hỏi về việc lây virus qua khí dung (những giọt nước cực nhỏ mang virus lơ lửng trong phòng kín), Sapphire nói: “Trong khi cuộc chiến với virus tại Mỹ vẫn căng thẳng, tỉ lệ dân số được tầm soát tăng nhanh, các chuyên viên y tế lại nói nhiều về khả năng truyền virus qua khí dung và qua cả mắt nếu không mang kính goggles hay tấm chắn bảo vệ. Khái niệm về nguy cơ Coronavirus lây qua khí dung là không mới. 6 tháng qua, từ khi xảy ra vụ lây lan virus trong một dàn hợp xướng tại bang Washington và công bố một nghiên cứu nhỏ về khả năng máy điều hòa không khí có thể chuyển virus từ người mang mầm bệnh qua các thực khách khác trong khu ăn uống của một khách sạn, người Mỹ đã nghe nhiều lần về nguy cơ này. Sau đó có một nghiên cứu qui mô hơn của Trung tâm Y tế Đại học Nebraska đã tìm ra dấu vết của virus trong các mẫu không khí thu thập tại những căn phòng có bệnh nhân covid-19 mà thủ phạm phát tán là hệ thống thông gió - HVAC.
Một nghiên cứu tương tự chưa được kiểm chứng của Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon ở thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ) cũng cho thấy, trong các mẫu xét nghiệm khác nhau lấy từ ba HVAC của bệnh viện có đến 25% mẫu dương tính với Coronavirus.
Bằng chứng ngày càng được chứng thực về nguy cơ nhiễm virus từ khí dung đã dẫn đến việc 239 nhà khoa học khắp thế giới cùng đứng tên trong một khuyến nghị gửi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 7, trong đó cảnh báo về khả năng truyền Coronavirus qua không khí. Trong khi các “con đường truyền bệnh” vẫn không thay đổi (thông qua bề mặt màng nhầy trong mũi và miệng) thì việc Coronavirus có thể “treo” trong các giọt bắn cực nhỏ lơ lửng trong không khí (từ ho hắt hơi, nói chuyện, thở) và vẫn tiếp tục lan truyền một thời gian là “con đường truyền bệnh” mới, khó đoán hơn.
Virus trong khí dung cũng dễ lây hơn và tiếp tục lây sau khi người mang mầm bệnh đã rời khỏi phòng. Vì vậy, hãy nghĩ nghiêm túc nghĩ về điều gì sẽ xảy ra khi bạn không mang khẩu trang (hay mang không đúng) và một người mang mầm bệnh (có hoặc chưa có triệu chứng) cũng không mang khẩu trang cùng đứng trong thang máy, quán cà phê máy lạnh, phòng hát karaoke?
Khẩu trang và giãn cách lúc đó rất quan trọng. Dù không phải khẩu trang nào cũng như nhau (không có khẩu trang nào ngăn hoàn toàn được virus) nhưng chúng sẽ giảm việc lan truyền. Nếu hai người mang khẩu trang đúng cách, nguy cơ lây nhiễm còn giảm hơn nữa. Một câu hỏi nữa được đặt ra: coronavirus có thể sống bao lâu trong không khí? Chúng ta không thể trả lời chính xác, đặc biệt là với chủng Coronavirus mới.
Mắt là cửa ngõ để virus đi vào
Những giọt bắn nặng chứa đầy virus sẽ rơi nhanh xuống các bề mặt; vì thế, nếu chạm vào nó rồi đưa tay lên mũi, miệng (cố ý hay vô thức) thì đây cũng là cách thông thường để nhiễm virus. May mắn, chúng ta có thể ngăn chặn được nguy cơ này bằng cách rửa tay đúng cách và cố tập thói quen đừng chạm tay lên mặt.
Trong khi ai cũng biết virus xâm nhập qua các màng nhầy ở mũi và miệng nên cần mang khẩu trang thì mắt cũng là một nơi có màng nhày. Mắt là môi trường khá tốt để virus “nhân lên” và là “cửa ngõ” gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông qua hệ mũi họng, chiếc cầu nối các mô mắt và các mô hô hấp.
Một nghiên cứu qui mô nhỏ công bố tháng 3/2020 trên tập san nhãn khoa JAMA Ophthalmology khẳng định “Coronavirus có thể truyền qua mắt”. Phát hiện này không gây ngạc nhiên vì đã có bằng chứng cho thấy thiếu bảo vệ mắt đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm SARS (do một loại Coronavirus khác gây ra).
Saphier nói: “Đề nghị mang thêm kính che mặt cho thấy, đối với một virus mới chưa biết nhiều về kiểu lan truyền của nó, thì việc phòng vệ không bao giờ thừa. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức tự phòng vệ của người bệnh, vì nhiều người được hỏi cho biết họ rất khó chịu khi mang Goggles tại nơi công cộng.
Ý thức tự bảo vệ cá nhân và cộng đồng
Được hỏi về việc mở cửa trường học tại Mỹ vào mùa thu tới, Sapphire nói: “Các thống đốc không chỉ tuyên bố, họ muốn mở cửa lại trường học dựa vào một số nghiên cứu cho thấy mở cửa “được nhiều hơn mất” mà còn cần lên kế hoạch cụ thể nên mở thế nào cho an toàn nhất.
Dĩ nhiên, không thể kỳ vọng vào sự an toàn 100% đối với dịch bệnh. Thống kê của Đại học John Hopkins cho thấy bước sang tháng 8 đã có hơn 150.000 người chết vì Coronavirus tại Mỹ. Số tử vong hàng ngày (gần 1.500) đã quay lại mức cao trước 15/5, trong đó hơn 50% xảy ra tại ba bang đông dân California, Florida và Texas.
Tỉ lệ tử vong/nhiễm thấp hơn trước là nhờ chúng ta đã biết cách bảo vệ người già tại các nhà dưỡng lão, bệnh viện và trong gia đình. Người già có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, phổi, thận cũng biết tự bảo vệ mình hơn. Phác đồ điều trị đã được cải thiện như thuốc chống virus Remdesivir dùng cho những ca nặng phải nhập viện. Can thiệp cũng đúng lúc hơn dựa vào diễn tiến bệnh và phân loại mức nặng nhẹ của các triệu chứng”.
Theo Sapphire, mệnh lệnh hành chính và hình phạt sẽ không tác dụng nếu người dân không tự ý thức và biết cách bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng trong đại dịch. Không có gì là chuẩn bị quá đáng khi phải đối mặt với một thảm họa y tế công chưa biết nhiều về nó mà chỉ lo thiếu chuẩn bị hay chuẩn bị không đủ.
Bảo vệ những người dễ bị tổn thương là ưu tiên hàng đầu đi kèm giãn cách xã hội, mang khẩu trang và nếu có thể, nên mang kính bảo vệ mắt trong đám đông. Ngoài ra, hãy hạn chế tối đa tụ tập hơn 6 người trong nhà khi không cần thiết.
Các buổi tiệc tùng, trại hè, tụ tập, nghi lễ tôn giáo là cơ hội tốt để virus “siêu lây”. Nếu muốn giữ cho hoạt động kinh doanh không bị cắt đứt và HS được đến trường, mọi người phải cùng làm việc như một cộng đồng gắn kết để đạt được mục tiêu này.
“Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận thực tế là không có giải pháp nào được mọi người chấp nhận 100% và việc kiểm soát một ổ dịch là rất khó khăn. Loại bỏ một đại dịch như Covid-19 gần như không thể khi dự báo cho biết nó có thể kéo dài vài chục năm.
Trong khi công chúng đã bắt đầu có ý thức nhiều hơn về phòng bệnh, sự hợp tác giữa chính phủ và các công ty xét nghiệm để rút ngắn thời gian chờ kết quả chính thức cũng là điều cần thiết. Nước Mỹ đã làm được nhiều xét nghiệm Coronavirus hơn trước nhưng chỉ chừng đó thôi thì chưa đủ nếu kết quả đến quá trễ” - Sapphire kết luận.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/khi-dung-co-xe-dua-virus-vao-co-the-NJNNCcHMR.html