Khi gạo Việt không còn vô danh…
Hạt gạo Việt đã không còn vô danh, nếu không muốn nói là đang 'rất có tiếng và có giá' trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là phải giữ thế nào cho bền lâu danh tiếng, vị thế và giá trị cho gạo Việt.
Tới thời điểm này, có thể khẳng định, xuất khẩu gạo đã là một trong những điểm sáng ấn tượng nhất trong bức tranh kinh tế 2023 đặc biệt nhiều khó khăn: Giá lúa gạo Việt Nam cao nhất thế giới, 11 tháng, sản lượng lúa của Việt Nam đạt 41,17 triệu tấn, kế hoạch đạt trên 43 triệu tấn có tính khả thi rất cao, được tôn vinh gạo ngon nhất thế giới… Hạt gạo Việt đã không còn vô danh, nếu không muốn nói là đang “rất có tiếng và có giá” trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là phải giữ thế nào cho bền lâu danh tiếng, vị thế và giá trị cho gạo Việt.
1. Những ngày cuối năm 2023, thông tin gạo Việt Nam giành giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế năm 2023 diễn ra tại Cebu, Philippines đã làm nức lòng các doanh nhân lúa gạo, nông dân, toàn ngành lúa gạo cũng như hết thảy người dân Việt.
Cuộc thi Gạo ngon thế giới lần này quy tụ trên 30 giống lúa từ 10 quốc gia Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Ấn độ, Philippines… Việt Nam có 3 doanh nghiệp tham dự hội nghị và gửi 6 mẫu gạo tham gia giải thưởng: Doanh nghiệp Hồ Quang - Hồ Quang Trí gửi 2 mẫu gạo ST 24, ST 25; Tập đoàn Lộc Trời gửi 2 mẫu gạo Lộc trời 28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn ThaiBinh Seed gửi 2 mẫu gạo TBR39-1 và nếp A Sào.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), theo điều lệ của Cuộc thi, từ năm 2022 đến nay, Ban Tổ chức không trao giải cụ thể cho một giống nào cụ thể, mà trao giải cho gạo quốc gia và vì thế kết quả chung cuộc hạt gạo Việt Nam vượt qua Campuchia quán quân 2022, vượt trên Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - để trở thành Gạo ngon nhất thế giới 2023 là sự vinh danh dành cho hạt gạo Việt Nam chứ không phải trao cho riêng sản phẩm gạo của doanh nghiệp nào.
“Điều này có nghĩa là Ban tổ chức trao giải thưởng cho gạo Việt Nam, chứ không trao giải thưởng cho một giống gạo cụ thể nào của một doanh nghiệp nào đó. Đây là niềm tự hào, trân trọng, đáng được tôn vinh” - ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Nhưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” không phải là tin vui duy nhất mà hạt gạo Việt Nam đã mang lại trong năm 2023. Chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: với xuất khẩu gạo, chúng ta sẽ đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Hiện xuất khẩu gạo của nước ta 11 tháng đã đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 7,75 triệu tấn.
Điều đặc biệt đáng nói, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chưa có năm nào giá lúa gạo cao như năm nay và thời gian gần đây giá lúa gạo vẫn tăng. “Giá lúa gạo Việt Nam cao nhất thế giới. Đến nay, sản lượng lúa của Việt Nam đạt 41,17 triệu tấn, kế hoạch đạt trên 43 triệu tấn có tính khả thi rất cao. Như vậy vừa phục vụ cho 100 triệu dân, vừa đảm bảo đủ chế biến, dự trữ, chăn nuôi và làm giống” - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định.
Số liệu từ Bộ NN-PTNT cũng cho biết, trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,65 triệu tấn gạo, thu về 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
2.Nếu nhìn lại một thời không xa, khi điệp khúc “Lượng nhiều, không thương hiệu, giá trị ít” liên tục được nhắc đến khi nhắc tới gạo Việt thì việc giờ đây gạo Việt giá cao, chiếm lĩnh giải thưởng gạo ngon nhất thế giới… có thể nói là cú lột xác ngoạn mục. Gạo Việt giờ đây đã không còn vô danh, nếu không muốn nói đã có vị thế hàng đầu trên thị trường. Hạt gạo Việt đã chễm chệ trên hàng trăm hệ thống siêu thị lớn tại nhiều nước: Pháp, Anh…
Đơn cử như sản phẩm gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của Tập đoàn Lộc Trời trở thành lô gạo đầu tiên lên kệ của hệ thống đại siêu thị hàng đầu Pháp và châu Âu. Từ tháng 9/2020, Lộc Trời đã là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo vào châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nhưng tháng 9/2022 lại là dấu mốc hoàn toàn khác khi Lộc Trời trở thành doanh nghiệp đầu tiên, chủ động và tự tin bước vào sân chơi quốc tế bằng việc bán gạo mang thương hiệu riêng của mình - Cơm Việt Nam Rice, vào Carrefour và Leclerc, hai hệ thống phân phối hàng đầu với tổng cộng gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích trên toàn nước Pháp.
Châu Âu nói chung, đơn cử như Pháp vốn là những thị trường khó tính, với những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được người tiêu dùng nơi đây thực sự là điều không hề dễ dàng và thực sự là thành công lớn của gạo Việt. Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời từng chia sẻ với báo chí rằng khi nhìn thấy gói gạo có hình chữ S đỏ thắm mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” xuất hiện trên các kệ hàng ở 2 hệ thống siêu thị lớn nhất châu Âu là Carrefour và Leclerc, nhiều người Việt đã rất xúc động và bản thân ông không ngăn được những giọt nước mắt hạnh phúc. “Cơm Việt Nam sẽ có mặt trong bữa ăn của bà con kiều bào Việt Nam, cũng như biết bao người ở châu Âu. Gạo Việt không còn vô danh nữa. Tôi đã mơ về ngày này từ lâu” - ông Thòn chia sẻ.
3. Gạo Việt đã không còn vô danh, thậm chí đã vượt qua nhiều thương hiệu gạo có tiếng lâu đời để được vinh danh tại những giải thưởng danh giá nhất. Trước giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2023, Gạo Thơm RVT của Việt Nam giành Huy chương vàng chất lượng gạo quốc tế Trung Quốc – ASEAN hồi tháng 10. Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines, gạo ST25 của Việt Nam đã được vinh danh là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.
Để có được sự ghi nhận như ngày hôm nay, gạo Việt đã phải trải qua hành trình không hề ngắn với không ít gian truân, nỗ lực. Như trở lại câu chuyện “tiến vào siêu thị Pháp” của gạo Lộc Trời. Theo chia sẻ từ Tập đoàn Lộc Trời, để thực hiện được việc này, gạo Lộc Trời không chỉ đáp ứng những yêu cầu cao nhất mà thị trường châu Âu yêu cầu về quy trình canh tác, bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng đạt chuẩn, mà còn là tính bền vững và ưu tiên bảo vệ con người, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Các lô gạo xuất sang châu Âu thường được đặt hàng trước 4 - 12 tháng để Tập đoàn có đủ thời gian tổ chức sản xuất tại vùng nguyên liệu riêng theo quy trình canh tác khoa học với bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng chủ yếu do Lộc Trời tự sản xuất, hài hòa giữa sinh học - hóa học - hữu cơ, sự hỗ trợ kỹ thuật liên tục của đội ngũ ba cùng và nguồn tài chính để bà con yên tâm sản xuất, tuân thủ tuyệt đối các quy trình đề ra. Việc thu hoạch tại ruộng, vận chuyển, sấy lúa và lưu kho cũng được thực hiện trong thời gian phù hợp để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của Lộc Trời trực tiếp “xuống đồng” hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các quy trình canh tác, quản lý mùa vụ. Quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt đã vô cùng nan giải. Giữ cho được thương hiệu còn nan giải gấp nhiều lần. Thế nên, điều quan trọng nhất lúc này, với hết thảy những doanh nghiệp gạo Việt, là việc làm thế nào để duy trì và củng cố phong độ cho hạt gạo Việt. Trong đó, tăng trưởng bền vững là bài toán buộc phải được đặt ra cho gạo Việt bởi các thị trường mà gạo Việt tiếp cận càng có giá trị cao thì như đã nói đều là những thị trường vô cùng khó tính và khắt khe. “Gạo Xanh - Sống Lành” - thông điệp mà Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - mới đây đưa ra cũng chính là cam kết mà gạo Việt phải làm được nếu muốn duy trì được vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có mục tiêu gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất ngành hàng lúa gạo theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đó thực sự là tin vui, cũng là hướng buộc sẽ phải đi của gạo Việt, nhất là khi gạo Việt đã không còn vô danh…
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-gao-viet-khong-con-vo-danh-post276463.html