Khi giả tưởng biến thành hiện thực
Sử dụng nghệ thuật để 'nhũng nhiễu' sự thật không phải điều gì mới. Bất kỳ ai khi thưởng thức nghệ thuật cũng nên giữ trong lòng một ít sự hoài nghi để tránh bị tác giả 'lôi kéo' vào những lời nói dối, tư tưởng sai trái.
Mặt khác có những tác phẩm nghệ thuật vì một số lý do mà chứa thông tin sai sự thật, nhưng do quá nổi tiếng nên đã khiến khán giả ngộ nhận nhiều thứ. Khi tình huống này xảy ra, nó luôn gây ra nhiều đau đớn, hối tiếc đối với tác giả, đồng thời ít nhiều làm tổn hại đến giá trị thật của tác phẩm.
Le Serment des Horaces (1784)
Jacques-Louis David nằm trong số những họa sỹ Tân Cổ điển có tầm ảnh hưởng lớn ở Pháp. Ông đã đem những giá trị của nền mỹ thuật La Mã vào áp dụng trong hội họa Pháp đương thời, đồng thời lồng ghép trong tác phẩm những lý tưởng cao đẹp của mình. Mỗi tác phẩm của ông lại bị thống trị bởi một lý tưởng nhất định về đạo đức, công lý, triết lý, v.v… Jacques-Louis là người dành cả đời tin vào sự tự do, bình đẳng, bác ái mà cuộc Cách mạng Pháp đem lại.
Bức “Le Serment des Horaces” của danh họa nói đến một truyền thuyết cổ về thành Rome: Hai thành bang Ý cổ là Rome và Alba Longa từ lâu đã có hiềm khích. Thay vì gây chiến, họ đồng ý tổ chức một trận quyết đấu, đấu sỹ nào là người sống sót sau cùng thì thành bang của anh ta sẽ chiến thắng. Ba anh em nhà Horatii đồng ý làm đại diện cho Rome.
Bức tranh tái hiện cảnh ba anh em duỗi tay ra, úp lòng bàn tay xuống để chào từ biệt gia đình. Trong khi mẹ và chị của họ khóc lóc, người cha lại bình thản cầm ba thanh kiếm trao cho các con.
Vào thời điểm bức tranh được sáng tác, người Pháp bắt đầu nhận thức rằng mình là công dân của một quốc gia chứ không phải “con tốt” của giới quý tộc và tăng lữ. Tác phẩm “Le Serment des Horaces” đã lưu giữ thành công cái tinh thần yêu nước sơ khai đó, đồng thời nâng nó lên tầm hy sinh cho đất nước. Bức tranh giống như là kết tinh giá trị của nền Cộng hòa Pháp vậy. Đến tận ngày nay “Le Serment des Horaces” vẫn được coi là một báu vật quốc gia và được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng Louvre.
Cả châu Âu tin rằng động tác giơ tay ra chào của ba anh em Horatii có thật trong lịch sử. Họ còn đặt tên cho nó là “chào kiểu La Mã”. Chào kiểu La Mã xuất hiện trong những tác phẩm nghệ thuật khác, ví dụ như bộ phim sử thi “Cabiria” (1914) do thi hào Ý Gabriele D'Annunzio viết kịch bản. D'Annunzio có ảnh hưởng rất lớn đối với lý tưởng và tính thẩm mỹ của hệ tư tưởng phát xít.
Trong Thế chiến thứ II, phát xít ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, v.v… đều chào nhau kiểu La Mã đến mức người bình thường gọi nó là “chào kiểu phát xít”. Phải đến sau chiến tranh người ta mới không chào kiểu La Mã nữa. Các sử gia đã tốn biết bao nhiêu giấy mực để thuyết phục bạn đọc rằng chào kiểu La Mã không có thật trong lịch sử mà chỉ là do người ta hiểu nhầm bức “Le Serment des Horaces”. Thậm chí ở Đức, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia hành động chào kiểu La Mã còn bị coi là vi phạm pháp luật nữa.
Jaws (1974)
Nhắc đến cá mập trắng lớn, trong đầu nhiều người hẳn nghĩ ngay đến hình ảnh một loài vật hung dữ, khát máu và luôn chực chờ tấn công ăn thịt con người. Điều này hoàn toàn trái với thực tế. Trừ khi bị chọc tức, cá mập trắng không bao giờ tấn công người bơi vì người không phải là con mồi của chúng. Hầu hết những vụ người bị cá mập trắng lớn cắn là do con vật tỏ ra tò mò, mà bao giờ khi loài cá mập tò mò chúng cũng sẽ cắn thử.
Trong số 10 vụ người chết do bị cá mập cắn trên toàn thế giới vào năm 2020, không có vụ nào là do cá mập trắng lớn. Vậy tại sao cá mập trắng lớn lại phải chịu tiếng xấu vô lý như vậy? Tất cả xuất phát từ quyển tiểu thuyết “Jaws”. Vào khoảng đầu thập niên 1970, nhà văn – nhà báo người Mỹ Peter Benchley có một series phỏng vấn thợ đánh cá Frank Mundus. Mundus từ lâu đã nổi tiếng là săn được những con cá mập, cá voi siêu lớn chỉ với ngọn lao trong tay.
Dựa vào tư liệu phỏng vấn Mundus, Benchley đã viết nên tiểu thuyết “Jaws” kể về cuộc chiến giữa những người thợ săn và một con cá mập trắng lớn ở vùng biển quanh Long Island, New York. Quyển tiểu thuyết gặt hái được một số thành công nhất định, nhưng phải đến khi bộ phim chuyển thể công chiếu năm 1975 thì “Jaws” mới thực sự trở thành hiện tượng.
Đạo diễn lừng danh Steven Spielberg đã tạo ra một bộ phim chạm tới tất cả các cung bậc cảm xúc của khán giả. Người xem lẫn giới phê bình đều cho rằng Spielberg đã tái hiện lại được cuộc chiến dai dẳng giữa người và thiên nhiên ở một tầm cỡ tương đương với tác phẩm “Ông già và biển cả” của đại văn hào Ernest Hemingway.
Nhưng cũng vì “Jaws” mà cá mập trắng lớn bị mang tiếng xấu. Nhiều bộ phim theo sau “Jaws” như “Deep Blue Sea” (1999) và “The Reef” (2010) đều tái hiện cá mập trắng lớn như loài vật đáng sợ nhất dưới biển.
Mỹ và Australia treo thưởng cho bất kỳ ai săn được cá mập trắng lớn. Cộng với việc ngành công nghiệp khai thác vi cá mập mở rộng, quần thể cá mập trắng lớn toàn cầu đã rơi xuống mức báo động đỏ. Ngay cả nhà văn Benchley đã phải nhiều lần tìm cách công khai rằng tác phẩm của ông không phải là sự thật, và xã hội phải nhanh chóng thay đổi thái độ về cá mập trắng lớn trước khi loài này tuyệt chủng.
Shameless (2004 - 2013)
Hội chứng Tourette là một căn bệnh hiếm gặp nhưng có tác động rất nghiêm trọng đối với cuộc sống của người bệnh. Người phát bệnh từ thời trẻ, cơ thể bắt đầu thường xuyên mất kiểm soát hệ thống cơ, dẫn đến những hiện tượng tạm thời như méo miệng hay tay chân quặt quẹo. Một số trường hợp nặng hơn còn thường xuyên buột miệng nói ra những câu chữ không có liên quan gì. Họ có thể nói ra chỉ vài từ hay là cả một câu, nhưng người bệnh hoàn toàn không có kiểm soát lời mình nói.
Người bị bệnh Tourette gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Họ dễ gặp tai nạn khi lên cầu thang, đi xe máy, làm bếp, v.v… do mất kiểm soát cử động cơ. Có những người không ăn uống được gì vì cơ bụng liên tục co bóp dữ dội, hoặc chịu mỏi cổ mạn tính do cơ cổ vặn vẹo. Những trường hợp buột miệng nói không những khó tìm được công ăn việc làm, mà họ còn rất ngại khi xuất hiện ở chỗ đông người vì sợ nói ra điều gì không phải.
Hội chứng Tourette là tai họa đối với người mắc nhưng với Hollywood nó lại là “mỏ vàng”. Sử dụng các nhân vật mắc Tourette là cách đơn giản nhất để biên kịch phim gây được trò cười trong tác phẩm. Những bộ phim nổi tiếng như “Matchstick Man”, “The Big White”, “Curb Your Enthusiasm”, “Deuce Bigalow: Male Gigolo”, v.v… đều sử dụng nhân vật mắc Tourette để gây cười.
Công chúng Mỹ dần tin rằng hội chứng Tourette là một thứ gì đó buồn cười và người bệnh giống như những tên hề. Sự hiểu nhầm này gây tác hại rất nhiều đối với bệnh nhân Tourette và gia đình họ. Các hiệp hội y khoa Mỹ đã tốn không biết bao nhiêu công sức để tuyên truyền cho người dân biết tác hại thực của hội chứng Tourette và cách đối xử đúng đắn với bệnh nhân Tourette.
Trong khi tầm hiểu biết của người dân Mỹ đối với Tourette trở nên khá hơn thì chuyện lại xấu đi ở Anh. “Shameless” là một bộ phim truyền hình nổi tiếng nói về cuộc sống của các thành viên trong gia đình Gallagher. Tại lúc cao điểm hơn 1 triệu gia đình Anh đồng loạt bật kênh BBC 4 để theo dõi “Shameless”. Một nhân vật phản diện trong series là Marty Fisher, nam bệnh nhân Tourette là hàng xóm của nhà Gallagher. Marty sau bị phát hiện là kẻ chủ mưu phóng hỏa nhiều ngôi nhà trong khu phố do mắc bệnh điên có nguồn gốc từ hội chứng Tourette.
Điều này hoàn toàn sai sự thật. Hội chứng Tourette là căn bệnh ảnh hưởng đến hệ cơ chứ không phải trí tuệ con người. Người mắc Tourette hoàn toàn có trí lực, tính tình giống như người bình thường. Thậm chí còn những nhân vật nổi tiếng mắc bệnh nhưng vẫn làm nên đại sự như nhà văn, nhà thơ, nhà báo Mỹ Samuel Johnson hay ca sỹ Billie Eilish.
Các hiệp hội y khoa ở Anh đã đứng lên nói ra sự thật và chỉ trích “Shameless”, nhưng mà đến lúc đó thì “gạo đã nấu thành cơm” rồi. Bộ phim có ảnh hưởng tiêu cực đối với quan điểm của xã hội Anh đối với người bệnh Tourette. Theo cuộc điều tra của Hiệp hội Tourette Anh, 64% người mắc bệnh từng phải chịu sự phân biệt đối xử trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Những cuộc tranh luận liên quan đến tác động xấu của “Shameless” đến quan điểm xã hội về hội chứng Tourette còn kéo dài đến tận ngày nay trong khi bộ phim đã kết thúc từ năm 2013.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/khi-gia-tuong-bien-thanh-hien-thuc-652579/