Khí hậu Trái Đất đang vượt ngưỡng nguy cấp, bé Greta đã đúng

Các điểm tới hạn về khí hậu với tác động phức tạp và tương tác qua lại lẫn nhau gây ra những tổn thất dây chuyền là 'mối đe dọa lớn tới sự sống còn của nền văn minh nhân loại'.

Các nhà khoa học cảnh báo Trái Đất có thể đã vượt qua một loạt các điểm tới hạn (hay còn gọi là điểm bùng phát) về biến đổi khí hậu quan trọng. Đây là một “mối đe dọa lớn tới sự sống còn của nền văn minh nhân loại” và hành tinh của chúng ta “đang ở trong tình trạng khẩn cấp”.

Khí hậu chạm tới điểm bùng phát khi các tác động nhất định của việc Trái Đất nóng lên xảy ra mà không thể ngăn chặn được, ví dụ như hiện tượng băng tan ở các cực hay những cánh rừng nhanh chóng bị xóa sổ. Trước đây, nhiệt độ tăng tới mức 5 độ C được cho là mốc đánh dấu điểm bùng phát, nhưng những bằng chứng mới đây nhất cho thấy điểm này có thể đã xảy ra ở giữa mức 1 độ C và 2 độ C.

Một phần của dải băng phía tây Nam Cực đang dần biến mất không thể phục hồi được. Ảnh: AFP/Getty Images.

Một phần của dải băng phía tây Nam Cực đang dần biến mất không thể phục hồi được. Ảnh: AFP/Getty Images.

Bé Greta Thunberg đã đúng

Hành tinh của chúng ta đã nóng lên tới mức 1 độ C và nhiệt độ chắc chắn sẽ còn tăng cao nữa, do khí thải trong và mức khí nhà kính vẫn đang tiếp tục tăng. Các nhà khoa học cảnh báo khi một điểm bùng phát nổ ra, chẳng hạn như việc băng tan giải phóng khí mêtan, có thể dẫn tới một loạt những điểm khác, dẫn đến hiệu ứng dây chuyền.

Các nhà nghiên cứu, trong một bài viết trên tạp chí Nature, thừa nhận rằng sự phức tạp trong khoa học về các điểm tới hạn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Tổn hại tiềm tàng từ các điểm tới hạn là rất lớn trong khi thời gian để đối phó lại quá ngắn, bởi vậy họ kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng quốc tế trong những nỗ lực đối phó với nguy cơ này. Việc làm giảm tốc độ tích lũy những thiệt hại gây ra khi khí hậu chạm tới điểm bùng phát hiện vẫn có thể nằm trong tầm kiểm soát của con người.

Giáo sư Tim Lenton tại Đại học Exeter, tác giả chính của bài báo trên, cho biết: “Có thể chúng ta đã vượt qua ngưỡng giới hạn của một loạt các điểm bùng phát có liên quan lẫn nhau. Nói một cách đơn giản hơn, là giới trẻ biểu tình vì môi trường đã đúng: Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi có lẽ không thể đảo ngược đang diễn ra, hoặc sắp diễn ra, với khí hậu Trái Đất”.

“Đây không phải một nỗ lực để báo động, mà là để nhìn nhận toàn bộ vấn đề biến đổi khí hậu trên khía cạnh quản lý rủi ro”.

Đi đầu cho phong trào lên tiếng để cứu Trái Đất là nhà hoạt động khí hậu 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg. Thunberg nổi tiếng từ tháng 8/2018 ở tuổi 15 với việc biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội Thụy Điển để kêu gọi giới lãnh đạo hành động mạnh mẽ hơn trước sự nóng lên toàn cầu. Sau bài phát biểu của cô bé tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu LHQ năm 2018, học sinh sinh viên đã tiến hành các cuộc biểu tình hàng tuần ở vài nơi trên thế giới.

Hồi tháng 9, cô bé này tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận với bài phát biểu tại Hội nghị Hành động vì Khí hậu LHQ tại New York. Dư luận hiện vẫn chia làm hai phe: một bên ủng hộ thiếu nữ, một bên phản đối và tập trung vào khuôn mặt và giọng nói giận dữ của cô bé khi phát biểu.

9 điểm bùng phát có thể đã được kích hoạt

Bài báo mới được công bố trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đã cảnh báo những nỗ lực hiện tại chưa thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, với nhiệt độ Trái đất đang dần đến gần mức 3-4 độ C. Những bình luận cũng đã liệt kê 9 điểm bùng phát có thể đã được kích hoạt.

Lũ lụt thường xuyên xảy ra ở các bãi bồi phía bắc Manila ở Philippines, nơi thành phố mở rộng thêm do dân số tăng nhanh. Mực nước biển dâng cao đe dọa nhiều khu vực trũng thấp như vậy trên khắp thế giới. Ảnh: Nat Geo Image Collection.

Lũ lụt thường xuyên xảy ra ở các bãi bồi phía bắc Manila ở Philippines, nơi thành phố mở rộng thêm do dân số tăng nhanh. Mực nước biển dâng cao đe dọa nhiều khu vực trũng thấp như vậy trên khắp thế giới. Ảnh: Nat Geo Image Collection.

“Chúng tôi đã có bằng chứng đáng kinh ngạc về việc một phần của dải băng phía tây Nam Cực đang dần biến mất không thể phục hồi được”, Lenton nói. “Tất cả các tín hiệu đều dự báo một kết quả như vậy. Điều tương tự dường như đang xảy ra tại lưu vực sông Wilkes ở phía đông Nam Cực. Sự tan chảy của những tảng băng này cuối cùng sẽ làm tăng cao mực nước biển”.

Tảng băng khổng lồ ở Greenland đang tan chảy với tốc độ “chóng mặt”, các nhà khoa học cho biết, trong khi băng biển Bắc Cực thì đang thu hẹp lại rất nhanh. “Băng vĩnh cửu trên khắp Bắc Cực đang bắt đầu tan chảy, giải phóng khí carbon dioxide và mêtan”.

Dòng hải lưu Gulf Stream ở Đại Tây Dương, lâu nay đóng vai trò quan trọng trong việc làm ấm khí hậu châu Âu, cũng đã chảy chậm lại 15% kể từ giữa thế kỷ 20. “Mức này nằm trong phạm vi biến thiên tự nhiên, nhưng cũng khó có thể loại trừ khả năng nó là một phần của quá trình suy thoái khí hậu”, Lenton phát biểu.

Một báo cáo khoa học cho biết 17% rừng nhiệt đới Amazon đã bị mất từ năm 1970. Điểm bùng phát, tại đó việc mất rừng dẫn tới khô hạn, có thể nằm trong khoảng 20% - 40%. Trong các khu rừng ôn đới, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, khí hậu nóng lên đã gây ra nhiều vụ cháy rừng và dịch bệnh bùng phát, có khả năng biến một số khu vực từ “bồn khử carbon” trở thành “nguồn sinh carbon”. Ở vùng nhiệt đới, dự đoán san hộ sẽ bị xóa sổ khi nhiệt độ chạm tới mức tăng 2 độ C.

17% rừng nhiệt đới Amazon đã bị mất từ năm 1970. Ảnh: AP.

17% rừng nhiệt đới Amazon đã bị mất từ năm 1970. Ảnh: AP.

Một loạt các điểm bùng phát có thể xảy ra đồng loạt, ví dụ như biển băng Bắc Cực tan chảy góp phần khuếch đại nhiệt độ Trái Đất do sự tiếp xúc bề mặt đại dương tối hấp thụ nhiều nhiệt lượng từ ánh sáng Mặt Trời. Điều này tiếp tục đẩy nhanh tốc độ băng tan tại Greenland và các khu vực có băng vĩnh cửu. “Nhiều rủi ro có thể tương tác lẫn nhau, với một thay đổi này kéo theo một thay đổi khác, và rồi nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng thêm 1-2 độ C cũng đã đủ để dẫn đến một loạt hiệu ứng dây chuyền”, ông Phil Williamson từ Đại học East Anglia phát biểu.

Cần kích hoạt những "điểm bùng phát" tích cực

Giáo sư Martin Siegert tại Đại học Hoàng gia London cho rằng những nỗ lực mới để đối phó với vấn đề này đều rất quý giá. Ông chỉ ra rằng việc xả thải CO2 vào khí quyển diễn ra với tốc độ nhanh chóng dường như chưa từng xảy ra trên Trái Đất trước đây. “Điều này phần nào có nghĩa là các điểm bùng phát có thể xảy ra bất chợt vì tốc độ tăng nồng độ CO2 trong không khí như thế này trước nay không phân biệt theo khu vực địa lý”.

Bài báo cho biết kết quả sơ bộ từ các mô hình khí hậu mới nhất cho thấy sự nóng lên toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn chúng ta đã dự báo, làm tăng nguy cơ phá vỡ điểm tới hạn. Giáo sư Piers Forster tại Đại học Leeds không đồng ý với quan điểm đó nhưng “hoàn toàn tán thành lời kêu gọi hành động của họ. Mặc dù có thể xác suất thấp, nhưng những nguy cơ họ xác định là có thật”.

Lenton cho biết việc chung tay hành động vẫn sẽ có những lợi ích lớn bằng cách làm chậm lại các tác động của biến đổi khí hậu để có nhiều thời gian hơn cho con người thích nghi. Ông nói về bài báo của mình “không phải là một lời khuyên tuyệt vọng”. “Nếu muốn tránh những điểm bùng phát khí hậu tồi tệ này, chúng ta cần kích hoạt những ‘điểm bùng phát’ tích cực về kinh tế và xã hội, như việc sử dụng năng lượng tái tạo, để hướng tới một tương lai hạnh phúc, hưng thịnh, bền vững hơn cho các thế hệ sau”.

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/khi-hau-trai-dat-dang-vuot-nguong-nguy-cap-be-greta-da-dung-post1018950.html