Khi im lặng không phải là 'vàng'

Những ngày gần đây, mạng xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng chia sẻ và có nhiều bình luận về các vụ việc có liên quan đến bạo lực gia đình (BLGĐ). Điển hình như vụ 'Chồng võ sư tung cước hạ gục vợ đang bế con 2 tháng tuổi' ở Hà Nội; 'Anh trai truy sát cả nhà em ruột vì nửa mét vuông đất' cũng ở Hà Nội. sự việc chưa lắng xuống, mạng xã hội lại đình đám chia sẻ vụ 'Anh trai giết vợ chồng em ruột vì cháu vay tiền không chịu trả' ở Thái Nguyên… Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ gia đình được giải quyết bằng bạo lực trên cả nước mỗi năm. Riêng tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2015 đến hết năm 2018, xảy ra 861 vụ BLGĐ, trong đó có 35 trường hợp bị bạo lực là nam giới, chiếm 4%; 826 trường hợp bị bạo lực là phụ nữ, chiếm 96%.

Đồng bào người Dao xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương) tìm hiểu thông tin phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hòa thuận qua báo chí.

Đồng bào người Dao xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương) tìm hiểu thông tin phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hòa thuận qua báo chí.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh: Chủ yếu có các hình thức BLGĐ là bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục. Trong tổng số nạn nhân nêu trên, có 83 trường hợp dưới 16 tuổi, 727 trường hợp từ 16 đến 59 tuổi, cá biệt có 51 trường hợp từ 60 tuổi trở lên bị bạo lực. Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ chủ yếu vì lý do kinh tế, vợ chồng không bình đẳng về thu nhập; cái tôi trong mỗi người quá lớn; cách ứng xử với bên nội, bên ngoại không công bằng, thường xuyên có cử chỉ khiếm nhã, thiếu tôn trọng người lớn tuổi là cha mẹ, ông bà… đã tạo sự căng thẳng không cần thiết cho các thành viên trong gia đình. Ức chế tích tụ, dồn nén, và như giọt nước tràn ly dẫn đến ẩu đả, thậm chí gây án mạng. Điều cần nói là những người trong cuộc đều không nhận ra được sai trái của mình. sự bảo thủ, cố chấp tồn tại không chỉ ở người chồng, mà có cả bên phái yếu. Nhiều phụ nữ bị chồng hành hung đến tím tái mặt mày cũng chỉ tại cái miệng chua ngoa.

Liên quan đến BLGĐ, trong 10 năm (từ năm 2008 đến hết năm 2018), Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 224 vụ, việc vi pháp pháp luật liên quan đến BLGĐ, trong đó xử phạt hành chính 145 đối tượng; đã khởi tố 83 bị can, gồm 48 vụ giết người, 3 vụ hiếp dâm trẻ em, 1 vụ xâm hại trẻ em, 1 vụ giao cấu với người đủ 13 tuổi đến 16 tuổi, 21 vụ cố ý gây thương tích, còn lại là án khác. Qua thực tế giải quyết các vụ việc, vụ án có liên quan đến BLGĐ cho thấy, nguyên nhân dẫn đến những hệ quả, hệ lụy nghiêm trọng của vụ việc chủ yếu thuộc về nhận thức pháp luật của những người có liên quan, bao gồm cả nạn nhân, người thực hiện hành vi vi phạm và những người biết việc đều do hạn chế về nhận thức, nên không nhận diện được các hành vi bạo lực. Còn chính bản thân nạn nhân lại im lặng, chấp nhận các hành vi bạo lực hoặc không dám tố cáo, hoặc không biết các cơ chế hỗ trợ giúp đỡ người bị bạo hành...

Cũng trong 10 năm này, ngành Y tế đã tiếp nhận khám, điều trị bệnh cho 142 nạn nhân BLGĐ, trong đó 105 trường hợp bệnh nhân bị bạo lực thể chất, 27 trường hợp bệnh nhân bị bạo lực tinh thần, 10 trường hợp bệnh nhân bị bạo lực về kinh tế. Còn sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trực tiếp là Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội: Chỉ trong thời gian 5 năm (từ năm 2014 đến hết năm 2018), Trung tâm đã can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp cho gần 100 trường hợp trẻ em, phụ nữ bị bạo hành, xâm hại tình dục. Đặc biệt, thông qua Tổng đài tư vấn 1800 8080, đơn vị tiếp nhận hơn 15.000 cuộc gọi/năm, trong đó có khoảng 800 cuộc gọi liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình. Tại Trung tâm, bình quân 1 năm tiếp nhận 50 trường hợp đến gặp cán bộ, đề nghị được hỗ trợ, tư vấn pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo hành phụ nữ, trẻ em.

Cả người gây bạo lực và người bị bạo lực đều là nạn nhân, thiếu cảm thông, chia sẻ dẫn đến cảnh gia đình lục đục, các thành viên trong nhà có lời nói xúc phạm tới nhau và “hỗn chiến” xảy ra. Nhưng khi đại diện chính quyền địa phương biết chuyện, đến can ngăn thì người trong cuộc trả lời: Không có gì. Hoặc vì quan niệm “xấu chàng hổ ai”; hoặc bị lập biên bản xử phạt hành chính; sợ bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam thì người “bị đòn” lại tự phải mang tiền đi nộp, hoặc phải mang cơm cho người vừa ngược đãi chính mình... Do vậy, hầu hết người bị bạo hành lựa chọn phương án “im lặng”.

Tuy nhiên, im lặng ở trường hợp này lại không phải là “vàng”, mà còn dẫn đến một sự tồi tệ hơn trong cuộc sống gia đình. Bởi sau nhiều lần xảy ra bạo hành đã tạo nên một thói quen xấu, người bị bạo hành chịu nhẫn nhịn, không dám chia sẻ sự bất hòa trong gia đình. Người gây nên bạo hành coi đó là cách “giáo dục” người yếu thế hơn mình. Họ coi đòn roi, nạt nộ là giải pháp “bình gia”, mà không quan tâm tới nỗi đau khổ, ê chề của người bị bạo hành.

Nhân bài viết này, chúng tôi xin kể lại câu chuyện của chị Hoàng Thị Thanh (Phú Bình). Sau gần 30 năm lập gia đình, vợ chồng chị có với nhau 2 mặt con, nhưng chưa bao giờ chị cảm nhận được hạnh phúc, vì mỗi một ngày đến là một ngày chị bị chồng dày vò tinh thần. Thương mẹ hằng ngày cắn răng nhịn nhục, các con chị đã nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Bằng giải pháp tế nhị, chồng chị Thanh đã tỉnh ngộ, nhận thấy mình sống quá gia trưởng và sửa dần tật xấu. Từ hơn 3 năm gần đây, hàng xóm không còn phải nhức tai, đau đầu vì tiếng chửi vợ, mắng con của chồng chị Thanh. Chị Thanh chia sẻ: Vì sợ hàng xóm chê mình không biết đường ăn, nết ở nên bị chồng chửi, chồng chê. Cũng vì thế mà ông xã lấn lướt, không còn biết kiềm chế là gì, bạ mồm là chửi không cần nghĩ. Nhưng khi được tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Hôn nhân gia đình và được tư vấn về cách ứng xử, chồng tôi đã thay đổi. Nhờ các con tôi dám nói lên sự thật, ông xã đã từ bỏ tật xấu.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/khi-im-lang-khong-phai-la-%E2%80%9Cvang%E2%80%9D-266643-85.html