Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê: Trách nhiệm ngân hàng ở đâu khi tiền người gửi 'bay trong một nốt nhạc'?
Theo bà Đinh Lê Hạnh, Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê, rất nhiều vụ việc khách hàng liên tục bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng không thấy đề cập đến trách nhiệm của các ngân hàng.
Khách mất tiền, trách nhiệm ngân hàng ở đâu?
Ngân hàng điện tử mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, tuy nhiên, rủi ro về an ninh thông tin cũng tăng lên nhanh chóng. Tình trạng người dân mất tiền do bị lừa đảo nói chung và mất tiền trong tài khoản ngân hàng trở thành vấn đề nhức nhối.
Theo thông tin từ Bộ Công an, trong năm 2023 có khoảng 13.900 vụ tấn công mạng và gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến. Tổng số tiền mà người dân bị lừa qua mạng là khoảng 8.000 đến 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong đó, 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính) cho rằng việc mất tiền trong tài khoản trong khi tiền đang gửi giữ tại ngân hàng là sự việc xảy ra khá nhiều thời gian gần đây.
“Điều này cho thấy đã có vấn đề trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng đối với các ngân hàng”, bà Khuyên nói.
Theo luật sư Khuyên, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Theo đó, khi gặp rủi ro mất tiền gửi tại ngân hàng, khách hàng cần tập hợp đầy đủ hồ sơ bằng chứng, tài liệu giao dịch với ngân hàng. Sau đó, liên hệ với ngân hàng để thông báo về sự cố.
“Nếu 2 bên không thỏa thuận được, khách hàng có thể khởi kiện ngân hàng đến tòa án nhân dân có thẩm quyền”, bà Khuyên nói.
Cũng quan tâm đến vấn đề an ninh ngân hàng điện tử trong bối cảnh hiện nay, theo bà Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê, rất nhiều vụ việc khách hàng liên tục bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng không thấy đề cập đến trách nhiệm của các ngân hàng nơi nhận trông giữ tiền và kinh doanh trên tiền của khách hàng gửi vào.
Bà Hạnh cho hay, mặc nhiên ngân hàng chỉ cần đơn phương thông báo “Số dư không còn tiền hoặc còn vài chục ngàn đồng” là khách hàng phải chấp nhận toàn bộ tài sản tiền gửi, sổ tiết kiệm... (có khi lên đến vài chục, vài trăm tỉ đồng) bỗng nhiên bị mất và ngân hàng hoàn toàn phủi tay. Điều này đẩy khách hàng gửi tiền vào khủng hoảng, bế tắc, thậm chí vì mất hết tiền mà tan vỡ gia đình, sự nghiệp hoặc phải tìm đến cái chết vì không còn gì để sống, không thể trả được nợ nần...
“Khi người dân tin tưởng tuyệt đối vào ngân hàng (tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép) mà lại phải chịu cảnh tiền gửi “bay mất chỉ trong một nốt nhạc”, trong khi người bị mất tài sản hợp pháp bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, trắng tay, còn các ngân hàng nhận tiền của dân thì vô can và ung dung tiếp tục làm giàu”, bà Hạnh nói.
Ngân hàng cần hành xử xứng đáng với niềm tin của người gửi tiền
Theo bà Đinh Lê Hạnh, việc mất tiền đột nhiên trong tài khoản ngân hàng cho thấy có lỗ hổng trong quản lý tiền gửi của khách hàng.
“Thực tế ở nhiều ngân hàng quốc tế trên thế giới, dù có hệ thống bảo mật hiện đại, vẫn có thể gặp sự cố. Trong trường hợp này, ngân hàng cần đền bù và hỗ trợ khách hàng kịp thời, không đổ lỗi cho khách hàng”, bà Hạnh nói.
Trước những vụ việc trên, câu hỏi lớn đặt ra là: Trách nhiệm của ngân hàng như thế nào? Khách hàng gửi tiền, tài sản và giao dịch tại các ngân hàng được bảo vệ như thế nào? Cần có biện pháp gì để bảo đảm một nền tài chính lành mạnh, một nền kinh tế số an toàn, văn minh?
Các chuyên gia cho rằng những vụ việc khách hàng mất tiền ở nhiều ngân hàng ở Việt Nam gần đây cho thấy cần cải thiện quy trình làm việc và quản lý tiền gửi của khách hàng. Ngân hàng cần chịu trách nhiệm nếu có rủi ro xảy ra với khách hàng, không được đẩy trách nhiệm cho họ.
“Nếu ngân hàng không giữ uy tín và lòng tin của khách hàng, họ sẽ mất khách hàng và gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng và kinh tế. Các cơ quan chức năng cần can thiệp để khắc phục tình trạng này”, bà Hạnh nói.
Theo bà Đinh Lê Hạnh, trong mọi trường hợp khi khách hàng bị đánh cắp tiền ngay trong tài khoản của mình thì ngân hàng là một bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải tham gia giải quyết vụ việc. Ngoài ra, phải chịu trách nhiệm ổn định đời sống cho người bị hại (người gửi tiền bị mất) và phối hợp với các cơ quan pháp luật để nhanh chóng đưa vụ việc ra ánh sáng.
Trong trường hợp lỗi thuộc về ngân hàng như hệ thống không được bảo mật, máy tính bị hacker tấn công hoặc ngân hàng chưa hoàn thành đúng trách nhiệm của mình theo Luật Dân sự và quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, thì ngân hàng hoàn toàn phải bồi thường tiền, tài sản hợp pháp cho người dân gửi tiền.
“Những sự việc mất tiền nếu không được giải quyết hợp lý, kịp thời sẽ gây hậu quả rất nặng nề đối với đời sống cá nhân người bị mất tiền. Đây một lỗ hổng pháp lý lớn để các đối tượng xấu như tội phạm mạng, hacker, thậm chí là cán bộ, nhân viên tại ngân hàng dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân”, bà Hạnh chia.
Theo bà, việc ngân hàng không kịp thời nhận trách nhiệm đối với tiền gửi của khách hàng có thể gây ra rủi ro lớn trong hoạt động ngân hàng. Điều này không công bằng và không xứng đáng với niềm tin mà khách hàng đặt vào ngân hàng.