Khi khán đài vắng khán giả

Trong lúc V-League đang được phát gần như miễn phí trên truyền hình và thiết bị di động, thì đã có sự sụt giảm không nhỏ về lượng người xem. Phải chăng khán giả đang quay lưng với bóng đá nội địa chỉ vì thành tích của đội tuyển quốc gia sa sút và ảnh hưởng đến cả V-League.

Mùa bóng mới bắt đầu từ cuối tuần trước, nhưng số lượng khán giả đến sân bình quân chỉ hơn 5.000 người/trận. Con số này thấp hơn bình quân toàn mùa trước (khoảng 5.800 người/trận) và kém hơn hẳn so với các vòng đấu khai mùa những năm gần đây.

Ở mùa giải 2022, tức là sau mùa giải 2021 bị hủy do ảnh hưởng dịch Covid-19, thì ngay vòng 1 cũng đã có gần 6.000 người đến sân dù thời điểm đó vẫn còn các quy định hạn chế số lượng khán giả. Đến mùa giải 2023, vòng 1 đón hơn 8.000 người/trận và sau đó, mùa giải 2023-2024 cũng có con số tương đương. Như vậy, vòng 1 của V-League mùa này có số lượng khán giả đến sân thấp nhất nhì trong 10 mùa giải gần nhất.

Có một vài nguyên nhân khách quan. Đó là V-League khởi động khi cơn bão số 3 vừa đi qua với quá nhiều mất mát, cũng có thể là lý do khiến người hâm mộ không muốn đến sân. Đây là điều đã xảy ra ở các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại cúp Tam hùng diễn ra tại Hà Nội, ngay thời điểm bão số 3 vào đất liền.

Tuy nhiên, khán đài vắng không chỉ ở mùa giải này. Từ năm 2022 đến nay, bình quân toàn mùa đều chỉ ở mức trên dưới 6.000 người/trận, khá xa so với con số 10.000 người ở giai đoạn 2019-2021 và cứ thấp dần qua mỗi mùa giải. Ngoài một vài sân bóng như Thiên Trường, Lạch Tray luôn có hơn 1 vạn khán giả mỗi trận, thì những sân còn lại đều hiếm khi đón trên 5.000 người đến sân ngoại trừ một vài trận đấu có tính chất đặc biệt.

Thực ra thì khán giả V-League không kém so với những giải vô địch quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Thai-League cũng chỉ khoảng trên dưới 6.000 người/trận, Indonesia Liga mùa trước cũng chỉ trung bình 5.000 người. Như vậy, khán đài V-League chưa đến mức vắng vẻ nhưng do các sân bóng tại Việt Nam đa số đều có sức chứa lớn, nên khi khán giả chỉ lấp đầy 1/3 thì cầu thủ trên sân cũng sẽ mất đi sự hứng khởi.

Không thể lấy thành tích kém của đội tuyển quốc gia làm nguyên nhân. Thực tế thì có nhiều đội bóng địa phương dù không phải là đội mạnh nhưng vẫn có lượng khán giả đông một cách ổn định. Sân Lạch Tray của Hải Phòng hay sân Thiên Trường của Nam Định là ví dụ.

Hoặc như đội Khánh Hòa, trung bình 2 mùa gần nhất có đến 6.000-7.000 khán giả dù đội bóng này luôn bị xem là ứng cử viên xuống hạng... Thế mới thấy để giữ được khán đài luôn nóng, thì yếu tố màu cờ sắc áo, tính chất địa phương là rất quan trọng.

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khi-khan-dai-vang-khan-gia-post760113.html