Khi khẩu trang không còn là 'cứu cánh' ngành dệt may

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh và tìm hướng đi mới cho xuất khẩu. Trong đó, khẩu trang trở thành sản phẩm được xem là 'cứu cánh' cho doanh nghiệp dệt may. Thế nhưng, dự báo gần đây cho thấy, dệt may Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khi khẩu trang không còn là cứu cánh để duy trì doanh thu, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn mới…

Thị trường ngoại giảm “sốc”

Theo báo cáo số liệu tháng 7/2020 của Bộ Công Thương,kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; vải kỹ thuật khác giảm 40%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi khẩu trang không còn là cứu cánh trong thời điểm Covid-19 (ảnh Phương Ngân).

Ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi khẩu trang không còn là cứu cánh trong thời điểm Covid-19 (ảnh Phương Ngân).

Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm ở các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp. Trong khi đó, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong 7 tháng qua giảm khoảng 20% so cùng kỳ nhưng theo các chuyên gia, quý I và quý II ngành dệt may Việt Nam chưa phải chịu tác động nhiều do các đơn hàng được ký từ những tháng cuối năm 2019. Với sức mua toàn cầu giảm, văn hóa tiêu dùng thay đổi, những tháng cuối năm mới là thời điểm cam go nhất, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải năng động hơn nữa, nhất là tận dụng những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, hạ tầng của ngành dệt may Việt Nam còn nhỏ bé, nguồn cung nguyên phụ liệu thiếu hụt rất lớn, do đó, nếu không giải quyết được những điều này sẽ không thể tạo sự bứt phá trong xuất khẩu. Cụ thể theo dự báo của Tập đoàn Dệt may, xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, hiện nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn gần như đã trở lại bình thường, các đơn hàng truyền thống dệt may đã được đưa vào sản xuất. Tuy các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cũng gần như được kích hoạt ngay lập tức khi Việt Nam xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ 2, nhưng khi dịch bùng phát trở lại thì hoạt động ít nhiều bị ảnh hưởng.

Trước đó, trong quý I/2020, tình trạng hủy, giãn đơn hàng xảy ra rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến mức doanh thu giảm 20% trong quý I/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quý II/2020. Cùng với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng cũng liên tục xảy ra khiến doanh nghiệp dệt may rơi vào tình trạng ngày càng khó khăn.

Cũng theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tuy thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có các đơn hàng khẩu trang đến hết quý III/2020 và có thể giúp duy trì tạo công ăn việc làm cho công nhân trong thời điểm khó khăn do Covid-19 gây ra, nhưng biên lợi nhuận chưa được cao do có tới 80% các đơn hàng làm khẩu trang theo hình thức gia công, chưa tạo được nhiều giá trị thặng dư. Hơn nữa, nếu trong giai đoạn tới, khi xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động giảm sẽ khiến doanh nghiệp không biết phải xoay sở ra sao vào những tháng cuối năm.

Thị trường nội địa quá nhỏ

Có thể thấy, với thế mạnh sản xuất hàng xuất khẩu cho nên dịch Covid-19 xảy ra đã tác động rất lớn đến ngành dệt may Việt Nam. Không chỉ nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn mà thị trường đầu ra cũng bị “đóng băng” do các quốc gia áp dụng lệnh giãn cách, dừng hoạt động của các cửa hàng, hệ thống phân phối sản phẩm toàn cầu, khiến ngành dệt may Việt Nam gặp khó.

Ðề cập đến vấn đề trên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, dịch Covid-19 đã khiến văn hóa tiêu dùng của người dân thay đổi và chuyển sang chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu chứ không đặt nặng vấn đề mua sắm như trước đây. Chính điều này đã dẫn đến sức mua toàn cầu giảm 30 đến 40%. Ðã qua thời xuất khẩu sản phẩm khẩu trang, trong khi các đơn hàng mới chưa được ký, các doanh nghiệp dệt may cũng chỉ hoạt động cầm chừng từ những đơn hàng cũ, đơn hàng “treo” từ thời gian trước. Ðiều này phản ánh những khó khăn trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn đối với ngành dệt may Việt Nam.

Các năm trước, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6-7% thì hàng may mặc nội địa có thể tăng 9-10%. Tuy nhiên năm nay, dự kiến GDP chỉ tăng 3-4%, kèm theo thu nhập của doanh nghiệp và lao động giảm, hàng nhập khẩu vào Việt Nam phá giá. Dự kiến, kịch bản tốt nhất tiêu thụ nội địa hàng may mặc tăng không quá 5%, tương đương khoảng 200-250 triệu USD, quá nhỏ so với quy mô xuất khẩu hơn 39 tỷ USD năm 2019 của ngành dệt may Việt Nam.

Khắc phục những khó khăn trên, theo kế hoạch của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nửa cuối năm 2020 doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm. Ngoài ra cần bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực phải duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Theo phân tích của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong điều kiện bình thường, quy mô ngành dệt may Việt Nam đã vượt quá xa nhu cầu nội địa với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 90% và chỉ 10% còn lại phục vụ nhu cầu trong nước. Do đó, việc trông đợi vào thị trường nội địa làm cứu cánh cho xuất khẩu ngưng trệ là điều không hề dễ dàng.

Số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt khoảng 78 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 7% nhưng may mặc giảm 1,2%. Mức giảm này lại càng cho thấy ngành dệt may sẽ gặp khó khăn khi doanh thu bán lẻ tại hai thành phố lớn đều tăng khá, cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh tăng 10,1%; Hà Nội tăng 9,9%. Điều này cho thấy, ưu tiên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là nhu cầu về lương thực, thực phẩm chứ không phải quần áo may mặc.

Nếu như các năm trước, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6-7% thì hàng may mặc nội địa có thể tăng 9-10%. Tuy nhiên năm nay, dự kiến GDP chỉ tăng 3-4%, kèm theo thu nhập của doanh nghiệp và lao động giảm, hàng nhập khẩu vào Việt Nam phá giá. Dự kiến, kịch bản tốt nhất tiêu thụ nội địa hàng may mặc tăng không quá 5%, tương đương khoảng 200-250 triệu USD, quá nhỏ so với quy mô xuất khẩu hơn 39 tỷ USD năm 2019 của ngành dệt may Việt Nam./.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khi-khau-trang-khong-con-la-cuu-canh-nganh-det-may-111889.html