Khi Không quân Việt Nam còn chưa biết MiG-21 là gì thì BQP Liên Xô đã ra chỉ đạo đặc biệt

Vào cuối năm 1963, khi KQVN mới chỉ có MiG-17, thậm chí còn chưa biết đến MiG-21 thì ở Liên Xô, các nhà nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu đã nhận được chỉ đạo đặc biệt của BQP.

Chỉ thị đặc biệt từ lãnh đạo cấp cao Liên Xô

Theo đó, các nhà nghiên cứu và chế tạo máy bay phản lực quân sự đã nhận được chỉ đạo của Bộ Chính trị, Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Quốc phòng Liên Xô khai thác dự án máy bay chiến đấu tiềm năng MiG-23 với động cơ bổ trợ gắn trong thân để có thể “ Cất - Hạ cánh ở đường băng ngắn hoặc thẳng đứng” với hệ vũ khí mới nhất thời điểm đó là C-23.

Sang năm 1964 khi đã có những ý tưởng cơ bản cho yêu cầu kỹ thuật, vận hành và có những điều chỉnh về kết cấu. Các Tổng công trình sư Liên Xô đã đảm bảo rút ngắn đường chạy đà cho MiG-23 xuống chỉ còn 180-200 mét.

Tác giả Hùng Nguyễn - nguyên là phi công quân sự Không quân Nhân dân Việt Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại Moscow, Liên bang Nga.

Tác giả Hùng Nguyễn - nguyên là phi công quân sự Không quân Nhân dân Việt Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại Moscow, Liên bang Nga.

Ban đầu các kỹ sư quyết định đặt vào ngay phía sau buồng lái 2 động cơ phản lực bổ trợ (đặt đứng) RD 36-35 với lực đẩy tối đa của mỗi chiếc là 2.350 kg và chỉ khởi động làm việc ở chế độ cất cánh. Phiên bản thử nghiệm đầu tiên được đặt tên là E-7PD và sau đó chính là MiG-23PD (23-01).

Năm 1966-1967, các kỹ sư hàng không Liên Xô tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm MiG-23PD. Sản phẩm được xây dựng trên cơ sở MiG-21C đã được sản xuất hàng loạt vào thời điểm đó vì có cấu hình khí động khá tương đồng với hệ chịu lực ngang.

Còn về thân vỏ đã được cải tiến. Một cải tiến đáng chú ý nhất là cửa hút khí có mặt cắt hình bán nguyệt bên thân, khá giống của máy bay Mirage-2000 (Pháp) sau này và phần chóp mũi có thể đặt được hệ thống anten định vị công suất lớn.

Trên sản thí nghiệm MiG-23PD được lắp động cơ chính đời mới là động cơ TRDF kiểu P27F với lực đẩy là 7.800kg.

Sản phẩm MiG-23 xủa nhà máy OKB-300 MAP thí nghiệm với 2 động cơ bổ trợ thăng đứng được bắt đầu xây dựng vào đầu 1966 và trong vòng 8 tháng thì hoàn thành. Ngày 30/11/1966 sản phẩm MiG-23PD được đưa về sân bay Zhukovsky (ngoại ô Moscow) để tiếp tục thử nghiệm trên mặt đất.

Tiêm kích MiG-23PD thử nghiệm.

Tiêm kích MiG-23PD thử nghiệm.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên diễn ra thành công vào ngày 3/4/1967 bởi phi công thử nghiệm Ostapenko. Vào tháng 7 năm đó chính phi công Ostapenko đã biểu diễn cất hạ cánh ngắn với MiG-23 tại Triển lãm Hàng không Moscow ở sân bay Domodedovo.

Những khiếm khuyết dẫn tới dự án bị đình chỉ

Tuy nhiên, ngay từ đầu các tổng công trình sư đã nhận ra các “khiếm khuyết” của sản phẩm. Đó là 2 động cơ bổ trợ “thẳng đứng” chiếm quá nhiều chỗ trên thân máy bay làm giảm mất không gian cho thùng dầu, giảm đi khả năng mang tải (vũ khí) và hiệu quả của chúng chỉ là một ít phút làm việc trong thời gian cất hay hạ cánh.

Còn thời gian bay thì hai động cơ “đứng im” lại trở thành gánh nặng và vô dụng. Một điểm yếu nữa là ở sản phẩm MiG-23PD thử nghiệm khi bay không thu được càng.

Do 2 động cơ “Đứng” đã chiếm mất chỗ của “buồng càng”, đường dẫn khí của 2 động cơ bổ trợ có thể điều chỉnh với góc 10• về phía sau và 5• về phía trước để giúp máy bay chạy đà ngắn đi và khi hạ cánh thì thổi khí về phía trước giúp máy bay dừng lại nhanh hơn.

Sau Triển lãm Hàng không tại Domodedovo dự án MiG-23 PD đã bị đình chỉ vì tính "Không Hiệu Quả".

Hùng Nguyễn (từ Moscow, LB Nga)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/khi-khong-quan-viet-nam-con-chua-biet-mig-21-la-gi-thi-bqp-lien-xo-da-ra-chi-dao-dac-biet-82020412161821692.htm