Khi kinh tế vỉa hè chật vật sinh tồn thời Covid-19

Cuối tuần rồi, tôi ghé quán thịt dê gần nhà tiếp đãi bạn bè. Ông chủ quán quen gặp tôi hồ hởi khoe: 'Dạo này khách đã đông dần trở lại, quán sống được rồi anh ạ'.

Chỉ vài tháng trước, ông chủ quán thịt dê Cao Nguyên này từng sầu não tính chuyện đóng cửa vì quán ế ẩm do dịch Covid-19, trong khi hàng tháng vẫn phải chạy vạy lo trả tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên.

Mạnh nằm trong số ít chủ nhà hàng may mắn sống sót được qua cơn khủng hoảng Covid-19 hoành hành suốt từ đầu năm 2020 đến nay. Nhưng hàng chục ngàn hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ khác thì không có được may mắn như vậy.

Mạnh nằm trong số ít chủ nhà hàng may mắn sống sót được qua cơn khủng hoảng Covid-19. Ảnh: GVT.

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, nửa đầu năm 2020, có 18.627 hộ kinh doanh xin ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại Hà Nội, con số này là 3.400 hộ.

Còn số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho hay 9 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp phá sản lên tới gần 40 ngàn, tăng hơn 80% so với cùng kỳ.

Những hậu quả tàn khốc của cơn bão Covid-19 có thể cảm nhận rõ rệt ở những con phố trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Những con phố sầm uất một thời nay thưa thớt người qua lại, nhiều cửa hàng đóng cửa im lìm, căng băng-rôn ngừng kinh doanh, trả mặt bằng.

Nếu như nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp còn cầm cự được khi làn sóng Covid-19 đợt một quét qua Việt Nam hồi đầu năm thì đến khi cơn bão Covid-19 ập vào lần hai từ đầu tháng 7, họ đã không thể gượng dậy được nữa.

“Tại sao không làm đơn xin Nhà nước hỗ trợ vì kinh doanh khó khăn?”. Tôi từng hỏi một người bạn, có công ty gia đình với khoảng 10 nhân viên. Bạn cười méo xệch, than thở rằng để tiếp cận được gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ của nhà nước là muôn nỗi trần ai.

Bạn được yêu cầu phải có phương án kinh doanh, chứng minh được dòng tiền và tài sản thế chấp, điều mà các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ở thời điểm mấp mé phá sản, không thể làm được.

Mạnh, ông chủ nhà hàng kể trên thì bỏ cuộc sau vài nỗ lực xin hỗ trợ bởi được yêu cầu phải chứng minh số tiền thiệt hại.

Khi phải tiến hành giãn cách xã hội, các cửa hàng ăn uống ở TP.HCM chỉ có thể bán đồ mang về. Ảnh: GVT.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng đây là ví dụ điển hình của câu chuyện “nói hay làm dở”, chính sách tuy hay nhưng vô số rào cản trong thực tế đã vô hiệu hóa chính sách – một hiện tượng thường thấy ở Việt Nam.

“Vừa qua, các chính sách đã được ban hành rất kịp thời, đúng hướng, nhưng vấn đề là phải triển khai nhanh, nhất quán, minh bạch, thủ tục đơn giản để cơ quan chức năng dễ phê duyệt, doanh nghiệp dễ tiếp cận”, ông Vũ Thành Tự Anh nhận xét.

Ở đây, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng, làm cầu nối giữa bộ máy hoạch định chính sách trung ương với các cơ quan thực thi chính sách địa phương (bao gồm cả các ngân hàng thương mại) để ban hành một bộ tiêu chí hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu mà hàng trăm ngàn doanh nghiệp, chỉ bằng một cú nhấp chuột, nhìn vào là biết được mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không, cần chuẩn bị những giấy tờ gì, gửi cho ai, đi đâu...

Nhưng đến thời điểm này, để có bộ tiêu chí trên vẫn còn rất xa vời.

Thực tế triển khai đầy vướng mắc của các gói hỗ trợ được minh chứng rõ ràng bằng các số liệu. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành chỉ ra, sau 5 tháng triển khai, đến nay, gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ mới chỉ giải ngân được 17,5 ngàn tỉ cho 15,8 triệu người theo danh dách phê duyệt, chiếm chưa đầy 30%.

TP.HCM đã phải thành lập nhiều chốt kiểm tra liên ngành đo thân nhiệt trong thời gian phải giãn cách xã hội khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 1. Trong ảnh là điểm chốt 24/24 tại điểm cuối cao tốc Long Thành - Dầu Giây trước khi vào TP.HCM. Ảnh: GVT.

“Một con số gây sốc”, theo ông Nguyễn Xuân Thành, bởi mức hỗ trợ vốn rất nhỏ bé, không có tác động đáng kể về mặt vật chất để tháo gỡ khó khăn cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ.

Thế nhưng, ngay cả khi mức hỗ trợ khiêm tốn đến vậy vẫn không thể đến được với những đối tượng cần được cấp cứu kịp thời.

Chuyên gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng kiến nghị, nên sử dụng 44.500 tỉ còn lai chưa giải ngân cho Gói hỗ trợ thứ hai (dự kiến 18.600 tỉ cho các doanh nghiệp dưới 10 lao động và người lao động) nhằm tăng mức hỗ trợ hàng tháng cho cả sáu nhóm đối tượng và hộ kinh doanh.

Thay vì những quy trình, thủ tục giấy tờ phức tạp, chỉ cần đưa ra các tiêu chí đơn giản. Chẳng hạn, đừng bắt từng nhà hàng, khách sạn chứng minh doanh nghiệp họ bị thiệt hại nữa, mà hãy dựa vào mức độ thiệt hại của ngành, được thể hiện qua số liệu của Tổng cục Thống kê hay các khảo sát theo ngành, các chuyên gia kinh tế nêu ý kiến.

Đây là một công viên ở TP.HCM phải văng dây bảo vệ trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: GVT.

Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng ta nói đến khát vọng kinh doanh, đến tinh thần khởi nghiệp và doanh nhân lớn lao, có lẽ cũng không nên bỏ quên những người làm kinh doanh nhỏ như bạn tôi, như ông chủ quán tên Mạnh.

Họ là một phần trong 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nơi duy trì nguồn sống cho gần 20 triệu người dân Việt Nam.

Bởi vậy, nói như Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, đảm bảo để họ sống được, không còn thuần túy là một vấn đề kinh tế, mà là vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam./.

Trường Minh

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/khi-kinh-te-via-he-chat-vat-sinh-ton-thoi-covid19-495241.html