Khi lãi suất gần chạm đáy, các quan chức ECB bất đồng về lộ trình chính sách tiền tệ

NHTW châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất 7 lần liên tiếp kể từ khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 7 năm 2024. Tuy nhiên hiện các quan chức ECB bắt đầu tranh luận về việc có nên cắt giảm tiếp lãi suất cũng như nên kết thúc chu kỳ nới lỏng ở đâu, nhất là khi rủi ro thuế quan vẫn còn bất định.

Phát biểu với CNBC hôm thứ Sáu (16/5), Thống đốc NHTW Latvia Martins Kazaks cho biết, lãi suất của ECB có thể sắp chạm đáy nhưng sự bất ổn vẫn ở mức cao và môi trường dễ thay đổi đột ngột, điều này cũng có thể làm thay đổi triển vọng chính sách. “Nhìn chung, chúng tôi đang trong kịch bản cơ sở”, Kazaks nói.

Theo “dự báo cơ sở” của ECB, lạm phát sẽ ổn định quanh mức mục tiêu 2% một cách bền vững.

“Và nếu kịch bản cơ sở vẫn giữ nguyên, thì tôi nghĩ chúng tôi đã tương đối gần với lãi suất cuối cùng rồi”, Kazaks nói. Tuy nhiên theo ông, “có thể (sẽ) cắt giảm thêm một vài lần nữa, nhưng điều quan trọng là phải xem cuộc đàm phán thương mại và câu chuyện thương mại đưa chúng ta đến đâu, và sau đó tất nhiên chúng ta sẽ hành động”.

Phát biểu trước đó trong bài phỏng vấn với tờ EBRA của Pháp, Thống đốc NHTW Pháp Francois Villeroy de Galhau cho rằng, ECB có thể cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào mùa hè.

Theo ông, mặc dù Mỹ có thể sẽ chứng kiến lạm phát tăng do thuế quan của Tổng thống Donald Trump, nhưng châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng. “Chúng tôi cũng không thấy lạm phát tăng. Chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Trump sẽ dẫn đến việc lạm phát tái diễn ở Mỹ, nhưng không phải ở châu Âu, điều này có thể sẽ cho phép cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào mùa hè”, ông nói.

Tuy nhiên Thành viên hội đồng quản trị ECB Isabel Schnabel lại cho rằng, ECB nên cắt giảm chi phí vay vì tình hình bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy áp lực giá cả và lạm phát có nguy cơ vượt quá mục tiêu 2% của ECB trong trung hạn.

ECB đã cắt giảm lãi suất 7 lần liên tiếp kể từ khi bắt đầu khởi động chu kỳ nới lỏng vào tháng 7 năm 2024 và phát đi tín hiệu có thể cắt giảm tiếp lãi suất tại cuộc họp chính sách kết thúc ngày 5/6, đưa lãi suất tiền gửi xuống 2%.

Thế nhưng Schnabel - một nhà hoạch định chính sách có quan điểm “diều hâu” của ECB đã đưa ra lập luận rõ ràng về việc giữ nguyên lãi suất vì chúng đã đủ thấp để không kìm hãm nền kinh tế. “Bây giờ là lúc phải giữ vững lập trường”, Schnabel phát biểu tại một hội nghị tại Đại học Stanford. “Hành động phù hợp là giữ lãi suất gần với mức hiện tại - tức là ở mức trung lập”.

Theo bà áp lực lạm phát ngắn hạn và trung hạn khá khác nhau. Trong ngắn hạn, lạm phát thậm chí có thể giảm xuống dưới mục tiêu 2% của ECB do chi phí năng lượng thấp hơn, đồng euro mạnh, tăng trưởng kinh tế yếu và sự bất ổn cao do chiến tranh thương mại mà chính quyền Mỹ phát động. Nhưng chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến nền kinh tế với độ trễ dài và khi chính sách nới lỏng hơn nữa thực sự tác động đến nền kinh tế, lực cản đối với lạm phát có thể đã giảm dần, thay vào đó là các động lực khác có thể đẩy chi phí lên.

Theo đó, lạm phát có thể được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi tiêu của chính phủ dự kiến, được thúc đẩy bởi cam kết của Đức về việc tăng cường đầu tư vào quốc phòng và cơ sở hạ tầng. Nhưng quan trọng hơn, sự phân mảnh thương mại, một sản phẩm phụ của thuế quan do Mỹ áp đặt, cũng có thể đẩy chi phí lên và đẩy giá lên.

“Trong trung hạn, rủi ro đối với lạm phát khu vực đồng euro có khả năng nghiêng về phía tăng, phản ánh cả sự gia tăng chi tiêu tài chính và rủi ro của các cú sốc đẩy chi phí mới từ thuế quan lan truyền qua các chuỗi giá trị toàn cầu”, Schnabel cho biết.

Schnabel thậm chí còn phản bác lập luận rằng thuế quan của Mỹ mà không có sự trả đũa của châu Âu sẽ gây ra giảm phát ròng cho khu vực đồng euro. “Ngay cả khi EU không trả đũa, chi phí sản xuất cao hơn được truyền qua các chuỗi giá trị toàn cầu có thể bù đắp hơn nữa cho áp lực giảm phát xuất phát từ nhu cầu nước ngoài thấp hơn, khiến thuế quan gây ra lạm phát nói chung”, bà cho biết.

Từ những lập luận nay, bà cho rằng, bằng cách giữ nguyên lãi suất, ECB có thể tạo dư địa chính sách để giải quyết các kịch bản khác nhau.

Thị trường hiện thấy khoảng 90% khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 5/6 nhưng sau đó chỉ định giá một lần nới lỏng nữa trong phần còn lại của năm, cho thấy lãi suất tiền gửi của ECB có thể chạm đáy ở mức 1,75%.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khi-lai-suat-gan-cham-day-cac-quan-chuc-ecb-bat-dong-ve-lo-trinh-chinh-sach-tien-te-164387.html