Khi lái xe phải đặt tính mạng con người lên trên hết!

Vi phạm quy định về nồng độ cồn luôn trở thành một vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm, đặc biệt vào dịp cuối năm. Cuối năm cũng là dịp diễn ra các buổi liên hoan, tổng kết, do đó số người sử dụng bia rượu có thể sẽ tăng mạnh và giao thông cũng diễn biến phức tạp. Và gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn gây tai nạn giao thông (TNGT), thậm chí nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn còn chống đối CSGT thực thi nhiệm vụ.

Để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm nồng độ cồn dịp cuối năm, Công an TP Hà Nội đã tăng cường nhiều giải pháp. PV Báo CAND đã phỏng vấn Trung tá, TS. Đào Việt Long - Phó Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thời gian vừa qua, lực lượng CSGT cả nước nói chung và CSGT Hà Nội nói riêng đã rất quyết tâm trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn. Ông có thể cho biết cụ thể số vụ vi phạm trên địa bàn Hà Nội mà lực lượng chức năng đã xử lý từ đầu năm đến nay liên quan đến nồng độ cồn? So với năm ngoái, vi phạm nồng độ cồn tăng hay giảm, thưa ông?

Trung tá Đào Việt Long.

Trung tá Đào Việt Long.

Trung tá Đào Việt Long: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công an TP Hà Nội, Phòng CSGT đã triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT, trong đó tập trung xử lý các hành vi vi phạm gồm: Vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; vi phạm về cơi nới thùng xe và chở hàng quá tải trọng, quá khổ trên đường bộ; phương tiện đường thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép... để kiềm chế đến mức thấp nhất xảy ra các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong 11 tháng đầu năm 2023, CSGT Công an TP Hà Nội đã phát hiện, xử lý 68.510 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, so với cùng kỳ tăng 54.321 trường hợp, bằng 382,8%.

PV: Qua ghi nhận thực tế tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn, đã không ít tài xế có "ma men" khi bị CSGT yêu cầu kiểm tra đã chống đối, xin xỏ để bỏ qua lỗi vi phạm hoặc gọi điện thoại xin trợ giúp. Thậm chí có những trường hợp cố tình lao xe vào tổ công tác để bỏ chạy. Đối với các trường hợp như vậy, Phòng CSGT sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

Trung tá Đào Việt Long: Khi gặp các trường hợp nêu trên, chúng tôi quán triệt các cán bộ chiến sĩ giữ đúng tư thế, tác phong theo Điều lệnh CAND; bình tĩnh, mềm dẻo nhưng kiên quyết xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và luôn tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trường hợp các đối tượng có biểu hiện côn đồ, hung hãn, dùng vũ lực chống người thi hành công vụ, lực lượng CSGT sẽ sử dụng vũ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị hoặc các phương tiện cần thiết theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi của đối tượng và khống chế, vô hiệu hóa sự chống đối, đưa đối tượng vào trụ sở Công an nơi gần nhất để xử lý. Đối với những trường hợp cố tình lao xe vào tổ công tác để bỏ chạy, lực lượng CSGT sẽ nhanh chóng ghi lại thông tin, đặc điểm của phương tiện như màu sơn, nhãn hiệu, biển số để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh và mời người điều khiển phương tiện lên trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để làm rõ hành vi vi phạm.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

PV: Thực tế nhiều trường hợp uống rượu bia xong vẫn lái xe và gây tai nạn. Ông đánh giá sao về tình trạng này?

Trung tá Đào Việt Long: Chế tài xử lý vi phạm nồng độ cồn hiện nay của nước ta là rất cụ thể và nghiêm khắc. Theo đó, đối với hành vi điều khiển mà trong cơ thể có nồng độ cồn, người điều khiển mô tô, xe máy có thể bị xử phạt đến 8 triệu đồng; với người điều khiển ô tô, mức phạt cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 24 tháng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó quan trọng nhất là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, bởi sử dụng rượu bia từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người dân Việt Nam, bất kể độ tuổi, ngành nghề, thành phần xã hội nào nên dù lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý quyết liệt vi phạm về nồng độ cồn nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức được việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, tài sản cho bản thân và cho xã hội.

PV: Xin ông cho biết, những khó khăn mà lực lượng chức năng đang phải đối mặt trong xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn? CSGT đang khắc phục những khó khăn này như thế nào?

Trung tá Đào Việt Long: Với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý đối với tất cả trường hợp điều khiển phương tiện, bất kể người vi phạm thuộc đối tượng nào. Bên cạnh đó, thông qua công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng, đa phần người tham gia giao thông (trong đó có cả đảng viên, cán bộ) đều có nhận thức đúng đắn và ủng hộ lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lực lượng CSGT vẫn gặp phải một số khó khăn, thậm chí nguy hiểm trong quá trình kiểm soát các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đó là do nhiều người khi đã sử dụng rượu, bia, vi phạm nồng độ cồn thường có tâm lý không vững vàng, hạn chế khả năng điều chỉnh hành vi của bản thân dẫn đến kích động, mất tự chủ, không hợp tác với lực lượng chức năng. Cá biệt, một số đối tượng có những lời nói lăng mạ, chửi bới, thậm chí xô đẩy, dùng vũ lực tấn công CSGT làm nhiệm vụ khi nhận được yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, gây nguy hiểm tính mạng, sức khỏe của lực lượng thực thi công vụ. Đó là những khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt hằng ngày…

PV: Theo ông có nên cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn không? Vì sao?

Trung tá Đào Việt Long: Dưới góc nhìn của những người thực thi pháp luật, quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn là hợp lý bởi những lý do sau: Thứ nhất, Điều 5, Luật Phòng chống, tác hại của rượu, bia năm 2019 đã quy định việc điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã được nêu tại Điều 8 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tiếp đến, người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Rất nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Với quan điểm “Bảo vệ tính mạng người tham gia giao thông là trên hết”, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm. Một lý do nữa là thực tế qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý quyết liệt vi phạm về nồng độ cồn, các vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, đây là minh chứng rõ nét nhất hiệu quả của quy định cấm tuyệt đối việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn.

PV: Làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân, để họ hiểu rằng khi tham gia giao thông tính mạng con người là trên hết, và một khi đã uống rượu bia thì không lái xe? Ông có khuyến nghị gì với người dân tham gia lưu thông trên các tuyến đường vào dịp cuối năm này?

Trung tá Đào Việt Long: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an tại Điện số 76 ngày 31/8/2023 về tăng cường các biện pháp, giải pháp bảo đảm TTATGT, ngoài công tác tuyên truyền vẫn được chúng tôi xác định là một trong những hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm nhằm hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân, thời gian tới, lực lượng CSGT Thủ đô và CSGT cả nước sẽ tiếp tục thực hiện công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn một cách quyết liệt, bền bỉ, quá trình xử lý vi phạm sẽ diễn ra triệt để, không né tránh theo đúng tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không ngoại lệ”. Đặc biệt, quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục xác minh triệt để xác định người vi phạm có phải là cán bộ, đảng viên hay không, nếu có sẽ thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ và kiến nghị có hình thức xử lý kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật, của Đảng, của từng cơ quan, đơn vị.

Thời điểm cuối năm, theo thông lệ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô sẽ tăng cao, CSGT Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông; đặc biệt nghiêm chỉnh chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông khi đi qua nơi ùn tắc… Riêng đối với công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT rất mong nhân dân, người tham gia giao thông hãy vì sự an toàn của bản thân và những người tham gia giao thông thực hiện nghiêm khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; ủng hộ lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.

Phạm Huyền (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/khi-lai-xe-phai-dat-tinh-mang-con-nguoi-len-tren-het--i717312/