Khi lão tướng vẫn chưa thôi chinh chiến

Sau kình ngư Nguyễn Hữu Việt, tay bơi Hoàng Quý Phước là người thứ hai mang về HCV cho tuyển bơi Việt Nam tại đấu trường SEA Games, kể từ ngày chúng ta quay lại với đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. 17 năm trên đường đua xanh, Quý Phước vẫn miệt mài tập luyện và thi đấu, dẫu phong độ của anh không còn như xưa...

Quý Phước với chiếc HCV đầu tiên tại SEA Games 2011. Ảnh | TUẤN THÀNH

Quý Phước với chiếc HCV đầu tiên tại SEA Games 2011. Ảnh | TUẤN THÀNH

KÝ ỨC TẠI SEA GAMES 2011

Nhắc đến Hoàng Quý Phước, tôi lại nhớ đến 10 năm trước ở kỳ SEA Games 2011 diễn ra tại Palembang (Indonesia). Lần giở về những tư liệu ở kỳ đại hội cách đây 10 năm trên xứ Vạn đảo, tất cả như những khúc phim quay chậm, cứ thế ùa về trong nỗi nhớ...

Sau này, khi “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên dễ dàng đoạt cùng lúc đến 8 HCV môn bơi ở một kỳ SEA Games, người ta cứ nghĩ điều ấy đơn giản. Tuy nhiên, mấy ai nhớ quãng thời gian đội tuyển bơi Việt Nam phải chờ đến 44 năm mới giành lại được chiếc HCV SEA Games, và người làm được điều ấy là tay bơi Nguyễn Hữu Việt tại đại hội năm 2005. Sau đó, đến Hoàng Quý Phước là nam tuyển thủ thứ 2 giành HCV cho bơi Việt Nam.

Ngày 13/11 tại SEA Games 2011 cũng là ngày thi thứ hai của môn bơi, Hoàng Quý Phước bước vào tranh tài nội dung 100 m bướm. Trước khi thi đấu, ngay bản thân Hoàng Quý Phước và cả ban huấn luyện của tuyển bơi Việt Nam cũng không tự tin Phước sẽ làm nên điều kỳ diệu, vì trước đó tay bơi trẻ Joseph Schooling (Singapore) và Gleen (Indonesia) đã có sự thể hiện quá tốt ở nội dung 50 m bướm. Sau lệnh xuất phát, Quý Phước đã lao xuống nước với tốc độ của một quả ngư lôi và bứt như tên bắn về phía trước, rồi liên tục dẫn đầu trong sự đeo bám quyết liệt của hai đối thủ. Tại đích đến, Hoàng Quý Phước đã không tin vào mắt mình, vì thành tích 53”07 của anh khi ấy đã phá khá sâu kỷ lục SEA Games 53”82 và kỷ lục quốc gia 53”56, đồng thời giúp anh giành chiếc HCV.

Năm ấy, chàng tuyển thủ 18 tuổi này đã trở thành tâm điểm của đoàn thể thao Việt Nam, bởi thực tế những chiếc HCV giành được ở môn bơi cực kỳ quý và hiếm, chưa kể chiếc HCV đầu tiên Quý Phước giành được còn phá cả kỷ lục SEA Games. Còn nhớ, sau khi mệt nhoài trả lời câu hỏi của các phóng viên, Phước đã quay sang tôi hỏi nhỏ: “Em trả lời thế được không anh. Nói thật, nãy giờ em mệt quá, nên mọi người hỏi gì em cũng không nhớ nữa”.

Sau đó, anh thổ lộ với giọng rưng rưng: “Thật sự bây giờ em nhớ mẹ lắm. Em chỉ còn mỗi mẹ, nên lúc này chỉ muốn bay ngay về nhà khoe với mẹ chiếc HCV và choàng nó vào cổ mẹ. Cả năm nay nay em chẳng mấy khi được ở nhà và ăn cơm mẹ nấu...”.

Ảnh | FBNV

Ảnh | FBNV

KHÔNG MUỐN BỊ SO SÁNH

Tại SEA Games 2011, Hoàng Quý Phước đã giành đến 2 HCV cho đội tuyển bơi Việt Nam, ngoài nội dung 100 m bướm, anh còn giành được chiếc HCV nội dung 100 m tự do và HCĐ 50 m bướm. Tuy nhiên, nhiều người nhắc đến 100 m bướm vì ở nội dung ấy, đối thủ của Quý Phước chính là tay bơi Joseph Schooling.

Cần nói thêm, tại SEA Games 2011, Schooling khi ấy chỉ mới 16 tuổi, còn rất trẻ và ngoài thua Quý Phước ở nội dung 100 m bướm, anh này đã giành cả 2 HCV ở nội dung 50 m và 200 m bướm tại đại hội năm ấy. Tuy nhiên, 5 năm sau tại Olympic Rio 2016, Joseph Schooling đã làm cả làng bơi Đông Nam Á rạng rỡ khi là tuyển thủ duy nhất của khu vực này vượt mặt cả siêu sao Michael Phelps (Mỹ) để giành HCV nội dung 100 m bướm. Đồng thời, thành tích 50”09 của Schooling đã phá kỷ lục Olympic và châu Á.

Kỷ lục hơn 10 năm chưa bị phá

Ðến nay, thành tích 53”07 mà Quý Phước lập được tại SEA Games 2011 cũng là kỷ lục quốc gia của nội dung 100 m bướm và 10 năm trôi qua vẫn chưa bị xô đổ. Ðiều này là niềm tự hào của Quý Phước, nhưng cũng cho thấy thành tích bơi của Việt Nam 10 năm qua ở nội dung này không có sự phát triển.

Nhiều người khi ấy đã đặt câu hỏi, tại sao cùng xuất phát điểm, nhưng Schooling có thể giành HCV Olympic trong khi Quý Phước lại không? Đây là câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng thực tế chẳng dễ trả lời, nhất là với một tuyển thủ như Hoàng Quý Phước, bởi hơn ai hết anh là người trong cuộc và thừa hiểu những gì cả hai đã trải qua.

Trong cuộc trò chuyện cùng người viết mới đây, Hoàng Quý Phước đã bày tỏ: “Để trả lời câu hỏi này, tôi chỉ xin gói gọn trong vài ý. Đầu tiên, Hoàng Quý Phước và Joseph Schooling là hai cá thể với hai nền tảng thể lực khác nhau, đồng thời môi trường sống của chúng tôi cũng khác nhau. Kế đến, nền tảng và chiến lược đầu tư của Singapore cho môn bơi đã được xây dựng từ lâu cũng như đã vươn tầm châu Á và thế giới, trong lúc Việt Nam của chúng ta vẫn đang ở giai đoạn phát triển. Những thành tích có được của môn bơi Việt Nam trong thời gian qua là sự cố gắng của ngành thể thao nói chung và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các VĐV nói riêng. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố quyết định khác. Nói tóm lại, mọi sự so sánh đều khập khiễng nên Phước không muốn phải so sánh với ai, cái gì và điều gì cả. Tôi chỉ luôn nhắc nhở bản thân hãy luôn cố gắng hơn nữa vì màu cờ sắc áo và vì đam mê của chính mình”.

Ảnh | ANH VŨ

Ảnh | ANH VŨ

MONG ĐƯỢC XƯỚNG TÊN NHIỀU LẦN NỮA

Đến với bơi lội từ năm 2004 khi mới 11 tuổi, giờ đây Hoàng Quý Phước đã có hơn 17 năm tung hoành trên đường đua xanh, trong đó có đến 15 năm ăn cơm đội tuyển. Sinh năm 1993, Quý Phước có lẽ được xếp vào hàng “lão tướng” của đội tuyển bơi Việt Nam hiện tại, nhưng người ta vẫn nhìn thấy anh một sự trẻ trung, hớn hở mỗi khi bước vào các buổi tập. Thậm chí, nhiều tuyển thủ trẻ như Nguyễn Huy Hoàng đã từng chia sẻ: “Em thấy anh Phước cứ như người không tuổi, nhìn anh ấy còn nhí nhảnh hơn cả bọn em”.

Dẫu thế, nhưng hơn ai hết Quý Phước biết bản thân mình ra sao. “Thực tế em đã không còn trẻ nữa, bởi tuổi tác này càng đè nặng và phong độ không còn như ngày xưa, nên càng phải cố gắng để theo kịp các em trẻ. Ngày xưa, một ngày bơi hơn chục cây số chẳng ăn thua, nhưng giờ đã khác, nhất là khi những chấn thương vai và lưng theo thời gian càng lúc càng làm những chuyển động của cơ thể không như ý muốn. Thật sự các VĐV bơi như em thường gặp phải chấn thương này, nhưng với em ngày càng nặng và ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ, nên luôn phải nỗ lực”, Quý Phước bày tỏ.

Hôm tôi gọi điện trò chuyện cùng Quý Phước, anh cho biết vừa học online xong, vì “đang dịch bệnh nên bọn em phải học online, việc học online giúp cho bọn em có thêm thời gian để sắp xếp việc tập luyện và học tập sao cho ổn nhất”. Quý Phước đang học năm thứ 3 của Đại học TDTT Đà Nẵng, việc tập luyện và thi đấu thường xuyên đã khiến việc học của anh bị đảo lộn khá nhiều. “Nhưng phải cố gắng thôi anh ạ, vì bọn em nếu ra đời mà không có cái bằng đại học thì thật sự chẳng biết làm gì”, Quý Phước chia sẻ.

Ngày 1/11 vừa qua, Quý Phước đã cùng các thành viên đội tuyển bơi Việt Nam sang Hungary tập huấn khoảng hơn 1 tháng để chuẩn bị cho SEA Games 31 sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5 năm sau. Hơn 17 năm tung hoành trên đường đua xanh, nhưng Quý Phước vẫn mong ước: “Em luôn mong bản thân có đủ sức khỏe và cả nghị lực để có thể nhiều lần hơn nữa được xướng danh trên bục vinh quang của các đấu trường quốc tế”.

Mong “lão tướng” của làng bơi Việt Nam tiếp tục thực hiện được những mơ ước của mình!

Cảm thông với Ánh Viên

Thời gian qua, dư luận đã xôn xao khi tuyển thủ Ánh Viên xin giã từ đội tuyển bơi Việt Nam. Quý Phước chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ Ánh Viên và cũng hiểu sức ép mà em đã phải gánh chịu suốt thời gian qua. Vì thế, tôi mong Ánh Viên luôn may mắn với những lựa chọn của mình”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/the-thao-hangthang/khi-lao-tuong-van-chua-thoi-chinh-chien-675126/