Khi lính xe tăng viết sách
Với lối kể chuyện chân thực của người trong cuộc, những cây bút không chuyên nguyên là lính tăng đã tạo được cuốn sách mang bản sắc riêng 'lính kể chuyện lính'.
“Xích xe” tiếp tục lăn sau 15 năm
Gần đây, đại tá nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt (nguyên chiến sĩ lái xe tăng 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, cùng đơn vị với hai xe tăng (390 và 843) đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975) đã gọi điện mời tôi đến dự lễ ra mắt cuốn sách “Theo vết xích xe tăng” tập 3.
Lời mời trên khiến tôi nhớ cuốn “Theo vết xích xe tăng” tập 1 xuất bản cách đây đã 17 năm. Ngày ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh, cựu binh lính tăng, khi đó là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách này. Nhà thơ cho biết, khi được đọc bản thảo cuốn sách ông đã rất cảm động, bởi đó là văn của các thủ trưởng, những người anh và đồng đội của ông trong Binh chủng Tăng-Thiết giáp. Cuốn sách đã góp phần lý giải vì sao Binh chủng Tăng-Thiết giáp dù được tham chiến khá muộn khi đánh trận đầu vào năm 1968 tại chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, nhưng 7 năm sau đã lập nên chiến công đặc biệt khi là lực lượng đầu tiên chiếm được Dinh Độc Lập, góp phần kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cuốn “Theo vết xích xe tăng” tập 1 khi xuất bản đã thu hút được lượng bạn đọc đáng kể trong và ngoài quân đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng giành thời gian đọc và viết thư khen cuốn sách. Đó là cơ sở để “Theo vết xích xe tăng” tập 2 ra đời vào năm 2004, tiếp tục giúp bạn đọc hiểu hơn những phẩm chất của người lính xe tăng trên mỗi chặng đường chiến đấu.
Sau nhiều năm âm thầm, “xích xe” vẫn lăn và những bài viết cho tập tiếp theo được các cựu binh lính tăng âm thầm chuẩn bị. Ban biên tập cuốn sách đã nhận được hơn 100 bài viết và sáng tác văn học nghệ thuật các loại. Sau đó, họ lại mời nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đứng đầu Ban Biên tập để lựa chọn ra 52 tác phẩm (gồm 38 bài hồi ức chiến đấu và 14 sáng tác văn học nghệ thuật) để in thành cuốn “Theo vết xích xe tăng” tập 3 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019.
Nổi trội chất “lính kể chuyện lính”
Trong “Theo vết xích xe tăng” tập 3, ngoại trừ một vài sáng tác văn học nghệ thuật và bài viết của người viết chuyên nghiệp như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, nhà văn Nguyễn Thế Tường…, còn đại đa số là của những cây viết không chuyên được thể hiện qua những hồi ức chiến đấu. Đó là những câu chuyện rất thật, có “chất”, mang hơi thở của “lính kể chuyện lính”. Là câu chuyện của hạ sĩ Nguyễn Thị Mai Lan, khi đang là học sinh lớp 8 (hệ 10/10 cũ) xuất sắc của trường, đã tình nguyện nhập ngũ trong những tháng năm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Là bài viết của trung sĩ Đào Hồng Thái kể lại chuyện kẻ địch vẫn ngoan cố tập kích quân ta tại Cửa Việt (Quảng Trị) đúng vào thời điểm Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/1/1973), khiến đồng đội của anh trước khi hy sinh đã nói lời cuối cùng: “Hãy giữ lấy Cửa Việt và giữ lấy nước non mình”. Đó là “Chuyến vượt trọng điểm nhớ đời” của hạ sĩ lái xe tăng Vũ Thế Cung, khi anh và đồng đội vì chút quyến luyến với những nữ thanh niên xung phong gặp trên đường hành quân khiến chút nữa đơn vị trúng đợt oanh tạc của địch…
Nội dung căng đầy chất lính, nên hôm ra mắt cuốn “Theo vết xích xe tăng” tập 3 thực sự là ngày hội của những cựu binh lính tăng. Khi đó, hàng trăm cựu binh từ nhiều nơi đã về Hà Nội tụ hội. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên chiến sĩ Trung đoàn xe tăng 202, bày tỏ: “Những người viết cuốn sách đã chắt lọc cả quá trình chiến đấu, cả tuổi trẻ của mình để có được vài trang viết này thôi. Thật đáng quý và xúc động”.