Khi loa phường, loa xã 'cất tiếng' phòng, chống Covid-19

Mỗi lần dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn xảy ra thì hệ thống loa phát thanh lại càng khẳng định chức năng rất quan trọng. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, loa phường, loa xã càng khẳng định 'sứ mệnh lịch sử', đóng góp hiệu quả vào công tác tuyên truyền.

Hệ thống loa truyền thanh góp phần tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến tận người dân vùng nông thôn

Hệ thống loa truyền thanh góp phần tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến tận người dân vùng nông thôn

Thời đại công nghệ 4.0 hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để người dân tiếp nhận thông tin với những phương tiện khác nhau. Thế nhưng, loa phát thanh vẫn là “người bạn” gần gũi của cán bộ, người dân ở vùng nông thôn, biên giới, nhất là người lớn tuổi.

“Loa phát thanh như “người bạn” tâm tình. Mỗi sáng, mỗi chiều, loa phát thanh giúp tôi nắm bắt được nhiều thông tin quý giá” - ông Nguyễn Văn Chương, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, bộc bạch.

Khi Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp, người dân từ thành thị đến nông thôn, thậm chí vùng biên giới xa xôi cũng nắm rõ cách phòng, chống và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này. Theo người dân, thông tin tiếp nhận được là nhờ phần lớn từ hệ thống loa phát thanh.

Toàn huyện Bến Lức có 14 xã và 1 thị trấn, có 94 ấp, khu phố nhưng được lắp đặt 142 cụm loa truyền thanh để thông tin tuyên truyền mỗi ngày. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, mỗi ngày, truyền thanh cơ sở phải tiếp sóng 6 lần các chương trình từ Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Bến Lức vào các khung giờ trong ngày.

Ngoài khung giờ tiếp sóng, đài truyền thanh cơ sở còn làm các chương trình của địa phương như thông báo về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, hạn chế đi ra ngoài,...

“Ngày nay, mọi người dễ dàng tiếp nhận, cập nhật được thông tin, tin tức ở mọi lúc, mọi nơi qua chiếc điện thoại thông minh, máy tính. Tuy nhiên, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh vẫn có những thế mạnh và cái hay của nó” - anh Nguyễn Lê Duy - cán bộ Đài Truyền thanh xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, bày tỏ.

Các địa phương còn tuyên truyền bằng hình thức lưu động

Các địa phương còn tuyên truyền bằng hình thức lưu động

Tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh thị xã Kiến Tường, ngoài 2 chương trình phát thanh quen thuộc sáng và chiều thì vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, đài còn tăng cường thêm 2 khung giờ truyền thanh vào lúc 11 giờ và 15 giờ. Mỗi chương trình tăng cường có thời lượng từ 15-30 phút, cập nhật nhanh chóng và đầy đủ tất cả những chỉ đạo, khuyến cáo của Trung ương, địa phương về phòng, chống dịch cũng như thực hiện giãn cách xã hội,...

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh thị xã Kiến Tường - Nguyễn Hữu Hòa, trung tâm luôn bảo đảm hệ thống thông tin thông suốt từ thị xã đến cơ sở nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nội dung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh được thực hiện đa dạng thể loại như tin, bài, ghi nhanh, câu chuyện xóm làng, bảo đảm hiệu quả. Nhằm bảo đảm công tác tuyên truyền, tổ truyền thanh của trung tâm thay phiên trực các ngày nghỉ để xử lý nhanh chóng, kịp thời thông tin về diễn biến và công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Thạnh Trị là xã biên giới của thị xã Kiến Tường. Nhờ thông tin về dịch bệnh qua hệ thống loa truyền thanh mà người dân nâng cao ý thức phòng tránh” - anh Phạm Văn Bìa, ngụ xã Thạnh Trị, Thị xã Kiến Tường, chia sẻ.

Ngoài hệ thống loa phát thanh cố định, hình thức tuyên truyền bằng những chiếc loa lưu động cũng trở nên quen thuộc. Trong những thời điểm đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, ngày nào cũng vậy, anh Lê Đình Bảo - cán bộ truyền thanh xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, khá bận rộn với công việc tuyên truyền, thông tin. Thực hiện theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, anh Bảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cứ vào hai khung giờ 6 giờ 30 sáng và 15 giờ, anh điều khiển chiếc xe máy gắn bộ loa phía sau rời trụ sở ủy ban xã để bắt đầu hành trình phát thanh lưu động.

Dùng xe máy gắn loa đi tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19 ở những vùng sâu, xa

Dùng xe máy gắn loa đi tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19 ở những vùng sâu, xa

Mỗi buổi tuyên truyền như thế, anh rong ruổi hơn 10km với thời gian kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ ngoài trời, bất kể cái nắng gay gắt, thậm chí, thứ bảy, chủ nhật, anh vẫn len lỏi vào tận các con hẻm nhỏ để tuyên truyền. Nhờ vậy, những thông tin, chỉ đạo, khuyến cáo của Trung ương và địa phương được chuyển tải kịp thời giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết và phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Anh Bảo cho biết: “Có những nơi ở vùng sâu, loa phát thanh chưa phát đến thì hình thức tuyên truyền lưu động sẽ là giải pháp tiện lợi, phù hợp”.

Nhờ hệ thống loa phát thanh cơ sở, “nhà đài di động” bằng xe máy, ôtô đã giúp thông tin phủ sóng tất cả địa bàn dân cư, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận thông tin chính thống một cách kịp thời, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.

Lê Đức

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/khi-loa-phuong-loa-xa-cat-tieng-phong-chong-covid-19-a97350.html