Khi lòng tin được gửi qua một cú quét mã QR

Không cần phải đến tận đồn biên phòng để trình báo, không còn e ngại bị lộ danh tính hay bị trả thù, giờ đây, người dân các bản vùng cao xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) đã có thể gửi gắm thông tin tố giác tội phạm chỉ bằng một cú quét mã QR trên điện thoại. Mô hình 'Hòm thư điện tử ẩn danh tố giác tội phạm và xuất nhập cảnh trái phép' của Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã và đang trở thành cầu nối số đầy hiệu quả giữa người dân và lực lượng chức năng nơi biên cương.

Giữa những thung lũng sâu heo hút, nơi con suối Huổi Thủng vẫn róc rách ngày đêm, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Giao thông cách trở, đồng bào sống thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều khiến việc phát hiện và tố giác hành vi vi phạm pháp luật gặp nhiều trở ngại. Nhiều vụ việc xảy ra nhưng người dân không dám lên tiếng, phần vì sợ bị liên lụy, phần vì ngại va chạm hoặc không biết trình báo thế nào.

“Trước đây tôi có thấy người lạ mặt đi qua rừng bản mình, nghe nói là người từ bên kia biên giới sang. Nhưng tôi không báo cho ai cả. Mình đâu biết người đó là ai, lỡ họ biết mình nói thì sao?” - anh Thào A Chinh, người dân bản Na Cô Sa 3 chia sẻ.

Người dân sử dụng điện thoại thông minh gửi tin báo tới đồn biên phòng một bảo mật, nhanh chóng, hiệu quả.

Người dân sử dụng điện thoại thông minh gửi tin báo tới đồn biên phòng một bảo mật, nhanh chóng, hiệu quả.

Đó cũng là thực trạng phổ biến tại nhiều bản vùng sâu. Đồn Biên phòng Na Cô Sa hiểu rõ điều đó. Và để phá vỡ rào cản ngần ngại giữa dân và cán bộ, họ quyết định đưa công nghệ vào cuộc.

Đại úy Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Cô Sa cho biết: “Trên địa bàn có nhiều đường mòn qua biên giới, dân cư lại sống phân tán, nên việc nắm tình hình, phòng chống tội phạm cần phải sáng tạo. Việc đưa công nghệ số vào mô hình dân vận giúp chúng tôi tiếp cận nhanh hơn với người dân".

Từ đầu năm 2024, Đồn Biên phòng Na Cô Sa triển khai mô hình “Hòm thư điện tử ẩn danh”. Poster có gắn mã QR được dán tại nhà văn hóa bản, điểm trường, Trạm Y tế xã, những nơi đồng bào thường xuyên lui tới. Với điện thoại thông minh, người dân chỉ cần mở camera, quét mã, điền thông tin vào biểu mẫu điện tử và bấm gửi.

Poster kèm mã QR hòm thư điện tử tố giác tội phạm của Đồn Biên phòng Na Cô Sa.

Poster kèm mã QR hòm thư điện tử tố giác tội phạm của Đồn Biên phòng Na Cô Sa.

“Chúng tôi muốn người dân không còn cảm giác mình là người báo tin, mà là người đang góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên của chính bản làng mình” - Đại úy Điềm chia sẻ thêm.

Hòm thư điện tử ẩn danh chính là cầu nối công nghệ giữa đồng bào vùng cao và lực lượng biên phòng.

Hòm thư điện tử ẩn danh chính là cầu nối công nghệ giữa đồng bào vùng cao và lực lượng biên phòng.

Toàn bộ nội dung sẽ lập tức được chuyển về hòm thư điện tử chuyên dụng của đơn vị không qua trung gian, không lưu dấu tên, không cần chứng thực. "Tôi không nghĩ là dễ dùng như vậy. Đợt trước, tôi dùng điện thoại quét thử mã QR mà mấy đứa cháu chỉ cho. Gõ vào mấy dòng, bấm gửi cái là xong. Không cần viết đơn, không cần gặp ai hết” - ông Hạng A Vàng, bản Huổi Thủng 1 kể lại. Điều quan trọng hơn, theo ông Vàng là “mình thấy yên tâm, vì không ai biết người báo là ai cả. Như thế bà con mới dám nói”.

Từ khi đưa vào vận hành đến nay, mô hình đã tiếp nhận gần 50 tin báo. Nhờ sự hỗ trợ thầm lặng của người dân, lực lượng biên phòng đã thu giữ 2 khẩu súng tự chế, xử lý 2 vụ trộm cắp vặt và phát hiện, trục xuất 6 đối tượng cư trú trái phép ra khỏi địa bàn.

“Tin báo được gửi về nhanh hơn rất nhiều so với việc phải chờ kiểm tra hòm thư góp ý truyền thống, nhất là những lúc thời tiết xấu hoặc khi các bản xa không thể di chuyển” - Đại úy Đỗ Xuân Điềm cho biết.

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa xuống bản tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ để tố giác tội phạm.

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa xuống bản tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ để tố giác tội phạm.

Việc chuyển đổi số trong công tác tiếp nhận thông tin không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở tuyến biên giới. Sau mỗi cú quét mã QR là cả một câu chuyện về sự tin tưởng. Đồn Biên phòng không chỉ nhận được thông tin, mà còn nhận được sự đồng hành.

“Không có người dân giúp sức, chúng tôi không thể biết hết những gì đang xảy ra giữa rừng núi mênh mông này. Khi đã tạo được niềm tin, bà con sẽ chủ động thông tin, chung tay bảo vệ an ninh như bảo vệ chính mái nhà mình. Chúng tôi không chỉ tiếp nhận thông tin, mà còn tiếp nhận cả sự tin tưởng. Niềm tin ấy chính là điều giúp mô hình sống được, mạnh được, và lan xa hơn” - Đại úy Điềm nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Đồn sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền, Đoàn thanh niên xã để tuyên truyền, hướng dẫn người dân đặc biệt là người lớn tuổi về cách sử dụng hòm thư điện tử. Đồng thời, poster mã QR sẽ được bố trí tại những khu vực có sóng điện thoại, kèm phiên bản hướng dẫn bằng song ngữ để tăng mức độ tiếp cận.

Hoàng Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/quoc-phong/khi-long-tin-duoc-gui-qua-mot-cu-quet-ma-qr