Khi lửa thử vàng - Vàng Phú Nhuận (PNJ) vẫn duy trì lợi nhuận bất chấp sức mua yếu
Bất chấp việc sức mua yếu trong giai đoạn nửa đầu năm nay, Vàng Phú Nhuận (mã cổ phiếu PNJ) vẫn ghi nhận mức lợi nhuận tương đương năm ngoái, thậm chí còn tăng tốc mở thêm cửa hàng mới.
Bất chấp sức mua yếu, lợi nhuận vẫn được duy trì
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Vàng Phú Nhuận, mã cổ phiếu PNJ - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu 21.100 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, và lãi ròng 1.250 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm 2022; qua đó, hoàn thành 56% mục tiêu doanh thu và 64% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Tính riêng tháng 8/2023, hãng bán lẻ trang sức này ghi nhận doanh thu và lãi ròng lần lượt đạt 2.300 tỷ đồng và 76 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022. Xét về kênh bán hàng, doanh thu bán lẻ chỉ giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn đáng kể so với mức giảm 34% của doanh thu bán buôn.
Xu hướng này đã diễn ra trong vài tháng trở lại đây, cho thấy mặc dù tổng mức tiêu thụ trang sức bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế, Vàng Phú Nhuận đang bảo vệ khá tốt doanh thu bán lẻ. Đáng chú ý, mức độ sụt giảm cả trên kênh bán lẻ và kênh bán buôn trong tháng 8/2023 đã thấp hơn so với quý 2/2023. Trong quý 2/2023, doanh thu bán lẻ và doanh thu bán buôn của Vàng Phú Nhuận đã lần lượt giảm 21% và giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, doanh thu bán vàng miếng trong tháng 8/2023 của Vàng Phú Nhuận đã tăng đột biến 64% so với cùng kỳ năm trước; cao hơn mức tăng 23% của tháng 7/2023, chủ yếu do người tiêu dùng gia tăng mua vàng trước các biến động kinh tế.
Trong giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn phải liên tục bỏ chi phí quảng cáo, giảm giá sản phẩm kích cầu, chấp nhận giảm biên lợi nhuận để giữ thị phần trong bối cảnh sức mua yếu.
Tuy nhiên, Vàng Phú Nhuận với đặc thù sản phẩm và tệp khách hàng phân khúc trung lưu trở lên, nên ít bị ảnh hưởng bởi suy giảm sức mua. Đồng thời, doanh nghiệp này đã nỗ lực tối ưu chi phí như tối ưu hàng tồn kho, logistic, chi phí quảng cáo… Nhờ những nỗ lực này, Vàng Phú Nhuận là một trong số ít doanh nghiệp bán lẻ niêm yết bảo vệ được lợi nhuận trong 8 tháng đầu năm 2023.
Theo đánh giá mới đây của KB Securities Vietnam (KBSV), Vàng Phú Nhuận đang thực hiện chiến lược cải thiện biên lợi nhuận gộp thông qua tối ưu hàng tồn kho và chuỗi cung ứng cùng với đó là tăng bán những sản phẩm có giá trị cao hơn mà không sợ bị đánh mất thị phần. Khách hàng chấp nhận trả giá cao hơn cho sản phẩm của Vàng Phú Nhuận nhờ sự khác biệt lớn về sản phẩm (chất lượng, thẩm mỹ, giá trị thương hiệu) so với các đối thủ cạnh tranh, khác với các doanh nghiệp bán lẻ khác sản phẩm ít có sự khác biệt phải cạnh tranh phần lớn bằng giá trong giai đoạn sức mua yếu.
Biên lợi nhuận gộp của Vàng Phú Nhuận trong tháng 7 - tháng 8/2023 đang ổn định trong khoảng 17% - 18%, bình thường trở lại so với mức cao bất thường của tháng 2 - tháng 3/2023.
Tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị phần
Ngoài việc bảo vệ được lợi nhuận, Vàng Phú Nhuận còn tận dụng bối cảnh thị trường để gia tăng thị phần. Mặc dù không công bố mức thị phần cụ thể nhưng ban lãnh đạo Vàng Phú Nhuận cho biết, đã chiếm thêm thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ nhờ các chiến dịch marketing hiệu quả, điển hình là chiến dịch “Truyền thống Cầu hôn”.
Ban lãnh đạo Vàng Phú Nhuận chia sẻ, doanh số mảng bán sỉ là phong vũ biểu cho công ty để đánh giá thị trường chung từ đó đưa ra chiến lược cho bán lẻ, sự sụt giảm mạnh của mảng bán sỉ cho các khách hàng là tiệm vàng nhỏ lẻ so với mảng bán lẻ của Vàng Phú Nhuận cho thấy thị trường trang sức kim loại quý nói chung đang gặp khó khăn hơn rất nhiều so với Vàng Phú Nhuận.
Động thái gia tăng chiếm lĩnh thị phần còn được thể hiện qua việc Vàng Phú Nhuận hiện đã có 387 cửa hàng (tính đến cuối tháng 8/2023), tăng 24 cửa hàng so với thời điểm đầu năm. So với cả năm 2022, chuỗi bán lẻ này chỉ mở mới 23 cửa hàng. Vàng Phú Nhuận cho biết hiện trên thị trường đang có nhiều mặt bằng cho thuê với giá hợp lý hơn, tạo điều kiện thuận lợi để gia tăng độ phủ, sẵn sàng chuẩn bị khi thị trường phục hồi.
Xem thêm: "Đâu là động lực dẫn dắt cổ phiếu FRT - FPT Retail vượt đỉnh lịch sử?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Nhiều tổ chức tài chính hiện nhận định ngành bán lẻ nói chung và bán lẻ trang sức nói riêng sẽ có những sự hồi phục trong nửa cuối năm khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi cùng với đó là những chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng kích cầu tiêu dùng, tuy nhiên tốc độ hồi phục sẽ chậm do các chính sách cần thời gian tác động đến nền kinh tế. Bên cạnh đó các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng ít nhiều đến trong nước.
Theo KBSV, doanh thu thuần của Vàng Phú Nhận trong cả năm 2023 có thể đạt khoảng 31.939 tỷ đồng, giảm 5,7% so với năm 2022, nhưng biên lợi nhuận gộp cả năm sẽ đạt 18,5%, so với mức 17,5% của năm 2022 nhờ các nỗ lực tối ưu hóa tồn kho và chi phí. Do đó, lợi nhuận sau thuế của Vàng Phú Nhuận trong cả năm nay ước đạt 1.838 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2022, tiệm cân với mục tiêu đề ra của doanh nghiệp này.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 12/10, cổ phiếu PNJ có giá tham chiếu tại mức 80.300 đồng/cổ phiếu. So với mức đáy hồi cuối tháng 5/2023, thị giá cổ phiếu PNJ đã phục hồi hơn 15%.