Khi luật bảo vệ danh tính thủ phạm quay lén phụ nữ tắm rửa, thay đồ…

Liên tiếp hai vụ lắp camera quay lén phụ nữ thay đồ, tắm rửa… bị phát hiện trong thời gian gần đây khiến dư luận phẫn nộ; nạn nhân bức xúc, bất an, sợ hãi… nhưng danh tính thủ phạm lại không được công bố rộng rãi.

Vụ việc ông N - chủ nhà trọ (ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) lắp đặt camera trong ba nhà vệ sinh, quay lén phụ nữ tắm khiến dư luận phẫn nộ. Sau khi nạn nhân tố cáo, chính quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông N số tiền 12,5 triệu đồng vì đã có hành vi “thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác” và buộc ông N khắc phục hậu quả bằng cách hủy bỏ thông tin cá nhân là các video, hình ảnh (của nạn nhân) mà ông N lưu trong điện thoại di động.

Trước đó ít ngày, qua mạng xã hội, người mẫu Châu Bùi, cũng đã chia sẻ câu chuyện bản thân bị quay lén và bài viết nhận được sự quan tâm của đông đảo. Sự việc Châu Bùi bị quay lén diễn ra lúc 14h ngày 23.6 khi cô cùng ê-kíp có buổi thử đồ ở một studio tại quận 3 (TP.HCM). Điều đáng nói là hành vi quay lén đã được thực hiện hết sức tinh vi, khi chiếc camera được ngụy trang dưới dạng một chiếc đồng hồ cơ, giấu sau chiếc khăn ngay trong phòng mà nữ người mẫu thay đồ.

Rất may nhờ sự cảnh giác của cô người mẫu, vụ việc đã được phát hiện kịp thời. Trích xuất nội dung từ chiếc camera ngụy trang, Châu Bùi nhận được rất nhiều hình ảnh, video nhạy cảm về bản thân. "Khi thấy những hình ảnh nhạy cảm của cơ thể mình trong lúc thay đồ được ghi lại rõ nét, tôi thật sự bàng hoàng không nói nên lời... Mình không thể tưởng tượng được nếu hôm nay không thấy camera đó, mình sẽ sống như thế nào. Nó thực sự có thể hủy hoại một người khác luôn đó", Châu Bùi nói sau sự cố.

Ngay sau đó, N.T.H. (24 tuổi), nhân sự ekip sản xuất (ngày hôm đó chịu trách nhiệm có mặt trước để mở cửa studio và set up buổi thử đồ) đã thừa nhận mình chính là người lắp đặt camera quay lén trong trong nhà vệ sinh nữ. Đại diện studio và ê kíp Châu Bùi đã trình báo công an...

Châu Bùi đăng tải hình ảnh nơi đặt chiếc đồng hồ là camera ngụy trang trong vụ việc. Người mẫu sốc và bàng hoàng khi biết bản thân bị quay lén. Ảnh: FBNV

Châu Bùi đăng tải hình ảnh nơi đặt chiếc đồng hồ là camera ngụy trang trong vụ việc. Người mẫu sốc và bàng hoàng khi biết bản thân bị quay lén. Ảnh: FBNV

Hình thức chế tài hành chính hiện hành liệu đã đủ sức răn đe? Vậy N và H là ai? Hiện cư trú ở đâu? Địa chỉ nhà trọ thế nào? Công luận không tìm được thông tin định vị những thủ phạm có hành động biến thái trên phương tiện truyền thông chính thống. Việc danh tính thành phần có hành vi bệnh hoạn, vi phạm pháp luật không bị công khai vô hình trung xói mòn hiệu quả răn đe của chế tài, thậm chí có thể tạo ra hiệu ứng “khuyến khích ngược”. Đừng để túi tiền trở thành chỗ dựa cho những cá nhân bệnh hoạn tùy tiện chà đạp quyền con người đã được Hiến định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20 khoản 1 Hiến pháp 2013).

Dư luận chưa lắng sóng, người trong cuộc bức xúc xen lẫn bất an, sợ hãi thì danh tính của những thủ phạm đặt camera quay lén phụ nữ lại đang được pháp luật bảo vệ. Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hành vi vi phạm của ông N không thuộc trường hợp phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của luật, trích: “Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt” (Điều 72 khoản 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012). Nhận định điều luật mới chỉ điều chỉnh những hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền tài sản…, luật sư khuyến nghị các nhà lập pháp nên mở rộng danh mục công khai đối với cá nhân, tổ chức có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người nhằm cải thiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời phát tín hiệu cảnh báo rủi ro đối với cộng đồng.

Sau một năm kể từ khi chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, tiền sự được xóa theo quy định của luật (Điều 7 khoản 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012). “Khi ấy, nếu lặp lại hành vi trên và bị phát hiện, ông N. cũng chỉ bị phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như đã từng”, luật sư Phát cảnh báo ông N là chủ nhà trọ và không ai dám chắc rằng sẽ không có nạn nhân tiếp theo khi vụ việc rơi vào quên lãng. Xa lánh nhà trọ của ông N, đặc biệt là nữ giới, vừa để bảo vệ mình, vừa tạo điều kiện cho thị trường trừng phạt.

Trong khi chờ đợi hành động từ cơ quan lập pháp, nên chăng, những tổ chức chính trị - xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên hoặc nhà trường nơi nạn nhân (thông tin từ báo chí đang là sinh viên) đang học tập chủ động trợ giúp pháp lý, nhận ủy quyền (nhằm bảo mật thông tin cho nạn nhân) để yêu cầu tòa án buộc ông N phải bồi thường thiệt hại, đồng thời đăng lời xin lỗi trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Giải pháp tình thế này, đương nhiên, làm tăng chi phí giao dịch công lý.

Điều 7 khoản 2 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính”

Thượng Tùng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khi-luat-bao-ve-danh-tinh-thu-pham-quay-len-phu-nu-tam-rua-thay-do-44287.html