Khi nào bão Yagi qua Hà Nội?

Bão Yagi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội vào đêm nay, sau đó di chuyển theo hướng Tây và suy yếu dần thành áp thấp vào rạng sáng 8/9.

Ông Mai Văn Khiêm chia sẻ về tình hình bão số 3.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dù bão Yagi còn cách Hà Nội hơn 100km nhưng Thủ đô đã chịu nhiều tác động của gió mạnh và gió giật. Số liệu quan trắc tại Hà Nội chỉ ghi nhận gió mạnh cấp 4 - 5 nhưng gió giật lên tới cấp 9 - 10.

Đặc biệt, gió giật rất nguy hiểm khi tác động đến cây và các vật thể cao; nhiều hiện tượng cây bật gốc, lật mái tôn được ghi nhận tại Hà Nội.

Giải thích về hiện tượng gió giật mạnh ở Hà Nội, ông Khiêm cho hay, hoàn lưu bão số 3 rộng; trước khi bão vào, Hà Nội đã xuất hiện nắng nóng, độ ẩm cao. Khi bão vào kết hợp với yếu tố mặt đệm ở các khu đô thị tạo ra dòng gió thứ cấp hút gió, dẫn tới gió giật rất mạnh.

"Khoảng đêm nay đến rạng sáng 8/9, bão sẽ di chuyển qua Hà Nội vào sâu đất liền, cường độ gió sẽ suy giảm thành áp thấp và thậm chí là vùng thấp rồi tan ra", Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói.

Đến 17h ngày 7/9, bão Yagi đi vào khu vực đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây qua các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, tốc độ 20km/h.

“Hiện nay bão đang nằm ở giữa 3 tỉnh là phía Bắc của Hải Dương, phía Tây của Hải Phòng và phía Nam của Quảng Ninh”, ông Khiêm nói và cảnh báo, từ thời điểm hiện tại đến hết đêm nay, khu vực đồng bằng và các tỉnh Đông Bắc Bộ vẫn chịu tác động của gió mạnh, gió giật mạnh.

Dù đã đổ bộ đất liền từ 13h, bão Yagi vẫn duy trì gió mạnh ở mức cao. Theo ảnh quan sát từ hệ thống vệ tinh, mây của bão số 3 rất đối xứng, có hệ thống, bao trùm rộng nên rất khó suy yếu nhanh, nó tạo ra năng lực để duy trì cơn bão. Phải mất nhiều thời gian tiếp xúc, ma sát với đất liền, bão mới có thể suy yếu.

Hình ảnh cây đổ tại khu đô thị Định Công, Hà Nội.

Hình ảnh cây đổ tại khu đô thị Định Công, Hà Nội.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Phủ Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Văn Lý (Nam Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Hải Dương gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11…

Khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 0h đến 16h ngày 7/9 có nơi trên 100mm như: Cát Bà (Hải Phòng) 215mm, Đầm Hà (Quảng Ninh) 189mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 188mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 171mm, Phủ Dực (Thái Bình) 153mm, Xuân Thủy (Nam Định) 127mm…

Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.

Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ trưa đến chiều tối ngày 7/9).

Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3-5m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh - Hải Phòng sóng cao 3-4m, từ Thái Bình-Ninh Bình 2-3m. Khu vực ven biển từ Ninh Bình đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m đến 1,5m.

Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối 7/9 đến sáng 8/9 có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 80-200mm, cục bộ có nơi trên 400mm. Chiều và đêm 8/9 có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

Phía Tây Bắc Bộ từ chiều tối 7/9 đến sáng 9/9 có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh.

Nguyễn Ngoan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/khi-nao-bao-yagi-qua-ha-noi-ar894433.html