Khi nào CCCD mã vạch chính thức bị khai tử?

Hiện nay, một số công dân vẫn đang dùng CMND và CCCD mã vạch mà chưa đổi sang CCCD gắn chip mới. Vậy khi nào CCCD mã vạch chính thức bị khai tử?

Thời điểm CMND chính thức bị khai tử

Theo tiểu mục 4 Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13):

4. Số và thời hạn sử dụng của CMND.

CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.

Theo đó, CMND có thời hạn sử dụng lên đến 15 năm. Đối với những người vừa được cấp CMND tháng 1/2021 thì 15 năm nữa (tháng 1/2036) những thẻ này mới hết hạn sử dụng. Lúc này, bắt buộc phải đổi sang CCCD gắn chip.

Như vậy, đến năm 2036, CMND sẽ chính thức bị khai tử. Tuy nhiên, dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi đã đề xuất thời điểm CMND chính thức bị khai tử là ngày 1/1/2025.

Thời điểm CCCD mã vạch chính thức bị khai tử

Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA:

Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 23/01/2021 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.

Theo chỉ đạo thì từ ngày 22/01/2021, Công an các tỉnh dừng cấp CCCD mẫu cũ để chuyển sang cấp CCCD gắn chip điện tử. Nghĩa là trước ngày này, nhiều người dân vẫn được cấp CCCD mẫu cũ.

Do đó, đối với người đủ 40 tuổi, vừa cấp CCCD mẫu cũ vào tháng 1/2021 thì đến 60 tuổi (20 năm nữa - năm 2041) thì bắt buộc đổi thẻ tiếp theo.

Như vậy, hết năm 2041 chính là thời điểm thời gian tất cả CCCD mã vạch đã cấp (trừ trường hợp CCCD mẫu cũ được cấp vào tháng 1/2021 khi công dân 60 tuổi) chính thức bị khai tử.

CCCD gắn chip được tích hợp nhiều giấy tờ

Trong con chip điện tử của CCCD gắn chip có chứa các thông tin quan trọng về nhân thân của mỗi công dân như: Mã định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân cũ, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, địa chỉ thường trú, dấu vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng...

Thẻ CCCD gắn chip có thể tích hợp thêm nhiều thông tin về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, y tế...

CCCD gắn chip cũng được tích hợp thông tin về người phụ thuộc đi cùng với người có thẻ căn cước công dân như con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự...

Ngoài những giấy tờ tích hợp trên thì thẻ CCCD gắn chip còn có thể xác thực điện tử với các ứng dụng công nghệ khác như: ví điện tử, chứng khoản, thanh toán không dùng tiền mặt, thậm chí là thẻ ngân hàng...

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khi-nao-cccd-ma-vach-chinh-thuc-bi-khai-tu-20230130151002939.htm