Khi nào có kết quả về nguyên nhân cá chết trên sông Nghèn?
Mẫu nước tại khu vực cá chẽm bị chết ở xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) gửi tới Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc dự kiến 3 - 4 ngày sẽ có kết quả.
Chiều 6/10, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà) tiến hành lấy mẫu nước ở sông Nghèn đoạn dưới cống bara Đò Điệm để truy tìm nguyên nhân dẫn tới việc 50 tấn cá chẽm nuôi lồng bè của người dân thôn Sông Tiến, xã Thạch Sơn bị chết trắng xảy ra vào sáng cùng ngày.
Đoàn công tác đã lấy mẫu nước tại 3 khu vực trên sông Nghèn, gồm đoạn gần cống bara Đò Điệm, vị trí giữa sông và nước ở trong lồng bè nuôi cá.
3 mẫu nước được đựng cẩn thận trong 3 can nhựa loại 2 lít. Quá trình lấy mẫu, đoàn công tác của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cũng tiến hành kiểm tra độ mặn, độ pH và độ kiềm của các mẫu nước ở 3 khu vực lấy mẫu nước.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, chỉ số 3 mẫu nước mà đoàn công tác lấy phân tích chưa phát hiện dấu hiệu bất thường.
Tuy nhiên, theo ông Lương Sỹ Công - Phó trưởng phòng nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) để có kết quả chính xác nhất, đơn vị đã liên hệ và gửi mẫu nước Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) để phân tích làm rõ nguyên nhân. Dự kiến 3 - 4 ngày sẽ có kết quả phân tích mẫu nước.
Video: Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh lấy mẫu nước tìm nguyên nhân cá chết ở xã Thạch Sơn.
Trước đó, vào sáng 6/10, nhiều hộ nuôi cá lồng bè tại thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà thất thần khi chứng kiến cá nuôi tại lồng bất ngờ chết trắng.
Thống kê của UBND xã Thạch Sơn, có 53 hộ dân nuôi cá chẽm trong hơn 200 ô lồng trên sông Nghèn bị chết trắng với số lượng 50 tấn. Số cá bị chết đã được thả nuôi từ 1 - 3 năm với trọng lượng mỗi con từ 0,7 - 2,5kg.
Người dân nuôi cá lồng bè ở xã Thạch Sơn thông tin, trước thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, bara Đò Điệm mở cống điều tiết nước. Tuy nhiên, vào sáng 6/10, lưu lượng xả lớn và nước có màu đục hơn so với bình thường.
Theo nhận định của người dân, do lượng nước ngọt từ bara Đò Điệm đổ về lớn khiến môi trường nuôi trong các lồng bè thay đổi đột ngột, kết hợp với việc nguồn nước có thể bị ô nhiễm nên cá bị sốc nước.
Ngay khi nhận thông tin sự việc, xã đã huy động nhân lực hỗ trợ người dân thu vớt cá từ các lồng bè lên bờ và kêu gọi người dân chung tay “giải cứu” số cá bị chết nhằm giúp người dân giảm bớt thiệt hại.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bè ở dưới cống bara Đò Điệm ở thôn Sông Hải (xã Thạch Sơn) bị chết. Trước thời điểm xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã thông báo, thậm chí khuyến cáo, vận động người dân thu hoạch với số cá đã đạt trọng lượng. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn chần chừ chưa xuất bán và cố gắng nuôi thêm thời gian nữa.