Khi nào công ty phải chi trả trợ cấp mất việc?

Công ty bà Nguyễn Thị Thương (TPHCM) có một chi nhánh được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử từ cuối tháng 5/2021. Sau thời gian bị ảnh hưởng dịch COVID-19, chi nhánh này hoạt động không hiệu quả nên công ty muốn cắt giảm lao động và thực hiện thông báo đến người lao động trước 45 ngày.

Bà Thương hỏi, vậy công ty có phải chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động không? Nếu có, thì mức chi trả được tính như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Điều 47 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về trợ cấp mất việc làm:

- Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

- Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

Điều này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/khi-nao-cong-ty-phai-chi-tra-tro-cap-mat-viec-102230302091503715.htm