Khi nào đau mắt đỏ cần bóc giả mạc?
Bạn đọc HOÀNG MINH, Hà Nội hỏi: Con tôi bị đau mắt đỏ lại bị cận thị khá nặng. Bác sĩ nói con tôi phải bóc giả mạc để điều trị nhưng tôi lo cháu có thể bị biến chứng giảm thị lực? Vậy có cần thiết phải bóc giả mạc khi điều trị đau mắt đỏ không?
TS-BS ĐẶNG XUÂN NGUYÊN, thành viên Hội Nhãn khoa Việt Nam, trả lời: Bệnh đau mắt đỏ hiện vẫn phức tạp ở nhiều địa phương, trong đó rất nhiều trẻ nhỏ, học sinh đang mắc bệnh này mà nguyên nhân chủ yếu do virus Adeno. Tuy là bệnh lành tính nhưng cũng có không ít trường hợp bị biến chứng nặng, ảnh hưởng đến thị lực.
Đặc biệt, dịch năm nay ghi nhận nhiều trường hợp đau mắt đỏ có tình trạng giả mạc (là một màng trắng bám vào kết mạc) bao bọc mặt trong mi mắt làm mi sưng nề nhiều, đau nhức, khó mở mắt…
Giả mạc sẽ làm phản ứng viêm nặng hơn và như một tấm chắn không cho thuốc tiếp xúc với kết mạc, đồng thời cũng là nơi để vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến nhiễm trùng. Việc bóc giả mạc giúp cho tổn thương mau hồi phục bởi giả mạc cũng gây ra cọ sát, gây xước giác mạc, tăng nguy cơ viêm loét giác mạc.
Vì vậy, khi xuất hiện giả mạc cần phải bóc đi. Có những bệnh nhân chỉ cần bóc giả mạc 1 lần nhưng cũng có người phải bóc tới 2-3 lần mới ổn định.
Hiện nay chưa có thuốc kháng virus Adeno đặc hiệu. Vì vậy, ngoài việc bóc giả mạc, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm.
Đau mắt đỏ thường không ảnh hưởng đến thị lực song nếu không điều trị đúng có thể gây biến chứng sẹo giác mạc dẫn tới giảm thị lực. Nếu bệnh nhân đã xử lý bóc giác mạc cần tiếp tục dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Người bệnh không nên tự mua thuốc tra vì có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/khi-nao-dau-mat-do-can-boc-gia-mac-20230925210118763.htm