Khi nào không khí lạnh suy yếu?

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 20-23 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ 16-19 độ, vùng núi cao có nơi dưới 14 độ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (21/10), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và hầu hết phía Tây Bắc Bộ (trừ Điện Biên và Lai Châu). Tại trạm Bạch Long Vỹ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong hôm nay, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển mạnh cấp 3-4. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 20-23 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ 16-19 độ, vùng núi cao có nơi dưới 14 độ.

Không khí lạnh sẽ kéo dài đến ngày 23/10, sau đó thời tiết tăng nhiệt trở lại.

Không khí lạnh sẽ kéo dài đến ngày 23/10, sau đó thời tiết tăng nhiệt trở lại.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, nhiệt độ ngày và đêm nay, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ở mức thấp nhất, giảm 1 độ so với dự báo là 19-22 độ, nhưng vùng núi ở mức cao hơn với 18-21, vùng núi cao có nơi dưới 16. Đến ngày và đêm mai (22/10), nhiệt độ khu vực trên lại tăng 1 độ, ở mức dự báo là 20-23 độ, nhưng ở vùng núi lại giảm thấp nhất còn 16-19 độ và vùng núi cao dưới 14 độ.

Theo các chuyên gia khí tượng, khoảng từ 23/10, nhiệt độ sẽ tăng trở lại. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng nhận định, từ khoảng 22-23/10, không khí lạnh suy yếu và di chuyển dần ra phía Đông. Các đợt không khí lạnh đầu mùa tuy không làm nền nhiệt giảm sâu, nhưng thường gây ra mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Trong bản tin dự báo xu thế khí hậu tháng thời kỳ từ 21/10-20/11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, không khí lạnh tiếp tục có xu hướng hoạt động gia tăng dần về tần suất và cường độ.

Đồng thời, các đợt mưa vừa, mưa to tiếp tục có khả năng xảy ra và tập trung tại khu vực Trung Bộ; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn có nhiều ngày mưa rào và dông, trong đó cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Ngoài ra, tổng lượng mưa thời kỳ này trên khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm trung bình nhiều năm (từ 20-30%); Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm (cao hơn từ 5-15%); khu vực từ Hà Tĩnh-Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ ở ngưỡng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, một số nơi ở Trung Trung Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (từ 20-30%).

Cơ quan khí tượng cũng nhận định, thời kỳ này, khả năng xuất hiện khoảng từ 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trên phạm vi cả nước, tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm từ nửa cuối tháng 10 và tháng 11.

Trên biển, do ảnh hưởng của áp cao lục địa tăng cường nên ở trạm Bạch Long Vỹ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ngoài ra, trong đêm 21 và ngày 22/10, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Đêm 22 ngày 23/10, khu vực vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 1,5-3,0m; khu vực phía Bắc của Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-nao-khong-khi-lanh-suy-yeu-169231021163624476.htm