Khi nào loại trừ xử lý hình sự hành vi xâm hại tình dục?

Những trường hợp loại trừ xử lý hình sự được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn rõ tại nghị quyết mới công bố

Theo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ Luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn cụ thể về căn cứ xác định hành vi quan hệ tình dục khác. Cụ thể, hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 thuộc Điều 141, Điều 142, Điều 143, Điều 144 và Điều 145 (Bộ luật Hình sự) là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ; miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

- Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

- Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

Bị cáo Nguyễn Hữu Linh trong vụ án Dâm ô đối với người 16 tuổi

Bị cáo Nguyễn Hữu Linh trong vụ án Dâm ô đối với người 16 tuổi

Đáng chú ý, nghị quyết nêu rõ những trường hợp loại trừ xử lý hình sự liên quan đến Điều 146 và 147, Bộ Luật Hình sự. Theo đó, pháp luật không xử lý hình sự đối với người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh hay người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục. Ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...

Tương tự, người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục cũng không thuộc trường hợp loại trừ xử lý hình sự. Ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước...

Đối với Điều 147, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền không xử lý hình sự trường hợp người làm công tác giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người vì mục đích giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế.

Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ Luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi chính thức có hiệu lực từ tháng 10-2019.

Điều 146: Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Đối với 2 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Đối với 2 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Có mục đích thương mại;

e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát;

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/khi-nao-loai-tru-xu-ly-hinh-su-hanh-vi-xam-hai-tinh-duc-20191015154241053.htm