Khi nào người dân được nhận nhà ở tòa 8B Lê Trực?

Sau hơn 5 năm chờ đợi, người dân mua nhà ở 8B Lê Trực đang đến những bước cuối cùng trước khi được vào ở tại tòa chung cư có vị trí đắc địa bậc nhất thủ đô.

Sau khi đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội hoàn thành tháo dỡ các hạng mục xây dựng sai phép tại công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình), Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến thông tin với Zing về hướng xử lý tiếp theo tại công trình này.

Theo ông Chiến, để công trình này được đưa vào sử dụng, cơ quan chức năng cần tiến hành nhiều bước xử lý.

"Sau khi Tổ công tác của thành phố có buổi làm việc với chủ đầu tư, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư cam kết hoàn trả kinh phí, hoàn thiện công trình theo phương án được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận", ông Chiến nói.

Ông cũng nhấn mạnh chủ đầu tư phải có văn bản cam kết thực hiện các nội dung trên, quận Ba Đình mới bàn giao lại mặt bằng.

 Để tòa nhà 8B Lê Trực được đưa vào sử dụng, các cơ quan chức năng cần tiến hành nhiều bước xử lý. Ảnh: Hải Nam.

Để tòa nhà 8B Lê Trực được đưa vào sử dụng, các cơ quan chức năng cần tiến hành nhiều bước xử lý. Ảnh: Hải Nam.

Riêng đối với các hộ dân mua nhà tại dự án này, Chủ tịch quận Ba Đình cho biết khi việc bàn giao mặt bằng xong, chủ đầu tư phải tiếp tục hoàn thiện công trình để cơ quan của thành phố kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu các hạng mục kỹ thuật, an toàn, cũng như đánh giá các nguy cơ.

Sau khi hoàn thiện toàn bộ nội dung này, người dân mới được nhận nhà. Tuy nhiên, ông Chiến cũng không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho những công việc này.

Tại báo cáo giải trình với Thủ tướng kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, UBND Hà Nội nhận định vi phạm tại công trình này diễn ra từ năm 2012 và kéo dài đến tận nay chưa xử lý triệt để. Nguyên nhân được xác định là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, có sai phạm.

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần May Lê Trực đã vi phạm pháp luật, không phối hợp khắc phục hậu quả. So với giấy phép xây dựng, công trình vượt một tầng, chiều cao tăng 15,89 m. Ngoài ra còn sai về khoảng lùi, khoảng giật cấp, dẫn đến tăng diện tích sàn xây dựng gần 7.000 m2.

Sau khi cắt ngọn, công trình còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5 m - vượt 5,5 m so với giấy phép xây dựng; diện tích sàn tăng 2.800 m2. Sau khi tháo dỡ các hạng mục sai phạm, UBND Hà Nội cho phép giữ lại kết cấu cột, dầm, kết cấu lõi thang và dầm treo tầng 18; dầm, cột, vách tường xây lồng ô cầu thang bộ.

Thành phố nhận định nếu phá tiếp có thể bị ảnh hưởng tới kết cấu chung của tòa nhà. Vì vậy, chỉ cho phép các hạng mục sai phạm còn lại được hoàn thiện thành dàn hoa, bồn cây, không sử dụng cho mục đích khác.

Theo giải thích của UBND quận Ba Đình, việc cắt, phá tầng 18 và 19 của tòa nhà nhưng vẫn giữ lại hệ thống chịu lực quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho tòa nhà khi đưa vào sử dụng. Nhưng chỉ đạo là sẽ "vô hiệu hóa công năng sử dụng của 2 tầng nhà này" với mục đích răn đe.

Theo kết luận kiểm tra của Hà Nội từ năm 2015, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm. Công trình được cấp phép xây dựng cao 53 m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19. Tổng chiều cao sau khi cất nóc là 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2.

Theo UBND quận Ba Đình, kinh phí tổ chức triển khai kế hoạch cưỡng chế phá dỡ tầng 18 số tiền là 10 tỷ đồng; tạm ứng kinh phí xử lý phá dỡ, tháo dỡ tầng 18 giai đoạn 2 là 28,2 tỷ đồng. Tổng kinh phí khái toán là 38,2 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này sẽ do chủ đầu tư là Công ty May Lê Trực có trách nhiệm chi trả.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-nao-nguoi-dan-duoc-nhan-nha-o-toa-8b-le-truc-post1151718.html