Khi nào người dân phải thông báo lưu trú với công an?

Khi một người không ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú thì phải có trách nhiệm thông báo lưu trú với công an xã, phường, thị trấn.

Gia đình tôi có hộ khẩu ở tổ 1 phường A, ngoài ra cũng trong phường A này, tôi có một căn nhà khác tại tổ 3 cùng phường và có sống ở đó. Vậy tôi có phải đi đăng ký tạm trú tại tổ 3 hay không?

Gia đình tôi có hộ khẩu ở tổ 1 phường A, ngoài ra cũng trong phường A này, tôi có một căn nhà khác tại tổ 3 cùng phường và có sống ở đó. Vậy tôi có phải đi đăng ký tạm trú tại tổ 3 hay không?

Bạn đọc Lệ Hoa (TP.HCM), hỏi.

Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 30, Luật Cư trú 2006 quy định, đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú.

Theo đó, người nào đang sinh sống, làm việc tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Như vậy trong trường hợp này gia đình chị Hoa đã được đăng ký thường trú tại phường A rồi nên khi chuyển sang chỗ ở mới cùng phường không cần phải đăng ký tạm trú. Trường hợp chị chuyển sang chỗ mới khác phường A thì mới cần đi đăng ký tạm trú và sẽ được cơ quan công an cấp sổ tạm trú.

Tuy nhiên, về nguyên tắc khi một người không ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú thì người đó phải có trách nhiệm thông báo lưu trú với công an xã, phường, thị trấn.

Do đó, chị phải làm thủ tục thông báo lưu trú tới công an. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ hằng ngày. Trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/khi-nao-nguoi-dan-phai-thong-bao-luu-tru-voi-cong-an-842941.html