Khi nào phải thay lọc gió động cơ ô tô?

Lọc gió trên ô tô có tác dụng để lọc và ngăn bụi bẩn trong không khí vào hệ thống nhiên liệu, buồng đốt động cơ, hệ thống làm mát.

Đây là bộ phận quan trọng, nên việc vệ sinh và thay thế lọc gió vô cùng cần thiết đảm bảo xe được vận hành ổn định.

Tác dụng của lọc gió trên xe ô tô

Lọc gió động cơ, buồng đốt

Lọc gió động cơ với nhiệm vụ chính là lọc không khí và ngăn bụi bẩn vào động cơ. Sau một thời gian sử dụng, lọc gió sẽ bị các hạt bụi lấp đầy lỗ thông khí của lọc khiến bộ phận này bị bẩn, dẫn đến lưu lượng không khí vào động cơ giảm, gây sai lệch tỷ lệ nhiên liệu và không khí.

Đồng thời làm giảm công suất, gây nóng máy và tạo muội than trong buồng đốt, khiến hệ thống đánh lửa bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, lọc gió bị rách hoặc kém chất lượng sẽ khiến bụi bẩn đi qua bám vào đầu cảm biến lưu lượng khí nạp. Từ đó làm giảm độ nhạy, gây sai số khiến lượng nhiên liệu cung cấp không chính xác, động cơ hoạt động không ổn định.

Các chuyên gia cho rằng, đối với xe mới, lọc gió động cơ ô tô cần thay vệ sinh sau mỗi 5.000 km và thay mới sau mỗi 20.000 km. (Ảnh minh họa).

Các chuyên gia cho rằng, đối với xe mới, lọc gió động cơ ô tô cần thay vệ sinh sau mỗi 5.000 km và thay mới sau mỗi 20.000 km. (Ảnh minh họa).

Lọc gió máy lạnh, điều hòa cabin

Lọc gió máy lạnh ô tô còn gọi là lọc gió cabin để lọc bụi bẩn trong không khí, lọc một số khí ô nhiễm. Một số loại cao cấp hơn còn có tác dụng khử mùi hoặc lọc tạp chất. Bộ phận này mang đến cho người sử dụng sự tiện nghi.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, lượng cặn bẩn bám vào lâu ngày sẽ khiến việc lọc giảm đi nhiều và gây nên mùi ẩm mốc khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của chủ xe.

Bao lâu nên thay lọc gió?

Các chuyên gia cho rằng, đối với xe mới, lọc gió động cơ ô tô cần vệ sinh sau mỗi 5.000 km và thay mới sau mỗi 20.000 km.

Với trường hợp xe đã qua sử dụng, thời điểm cần thay lọc gió có thể sớm hơn và tùy theo điều kiện hoạt động của xe, có thể vệ sinh 3.000 km hoặc mỗi tháng một lần và thay mới sau mỗi 15.000 km.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng xe ô tô, nếu phát hiện những dấu hiệu sau đây, tài xế hãy nhanh chóng kiểm tra bộ phận lọc gió xe ô tô để xem có cần thay mới hay không.

- Động cơ nhanh nóng hơn: Nếu phát hiện động cơ của các bác nóng quá nhanh so với bình thường, nguyên nhân có thể là do lọc gió của động cơ bị hư tổn nên bụi bẩn dễ dàng lọt vào động cơ và buồng đốt. Từ đó dẫn đến việc xe bị nóng máy và giảm hiệu suất một cách nhanh chóng.

- Xe hao xăng: Trong quá trình sử dụng xe, liên tục kiểm tra xem ô tô của mình tiêu thụ xăng như thế nào. Cùng trong một khoảng thời gian, lịch di chuyển vẫn như vậy mà xe lại ngốn xăng nhiều hơn. Đây chính là dấu hiệu thông báo bộ phận lọc gió động cơ bị bám nhiều bụi bẩn, dẫn đến việc lọc khí khó khăn, động cơ phải làm việc mạnh hơn gây tốn nhiên liệu.

- Xe hay bị tắt máy: Bộ lọc gió của động cơ bị hỏng hoặc bị rách dễ khiến bụi bẩn bám kín các lỗ thông gió của bộ lọc. Từ đó là giảm lượng khí vào máy trong, làm muội than bên trong tăng gây nghẹt bugi và khiến động cơ tắt đột ngột.

Cách thay và vệ sinh lọc gió ô tô tại nhà

Các thao tác thay lọc gió động cơ tuy không quá phức tạp nhưng lời khuyên cho bạn là nên đem xe đến các gara uy tín để được kiểm tra một cách chính xác tình trạng của xe.

Trường hợp lái xe muốn tự thao tác tại nhà, nên lưu ý làm theo các bước sau đây:

Mở nắp capo, đợi cho động cơ nguội hẳn.

Xác định chính xác vị trí hộp chứa lọc gió.

Mở hộp chứa bằng công cụ phù hợp, lấy lọc gió ra khỏi hộp chứa.

Vệ sinh lọc gió bằng cách gõ nhẹ xuống sàn để bụi và cặn bẩn rơi ra. Sau đó dùng máy hút bụi hoặc máy xịt không khí đưa vào từng lớp để vệ sinh toàn bộ phần bụi bẩn.

Tuyệt đối không nhúng lọc gió vào nước sẽ làm hỏng lọc gió.

Trong trường hợp lọc gió quá bẩn không thể làm sạch, thay lọc gió mới, lưu ý lắp đúng chiều vào hộp chứa.

Kiểm tra lần cuối bằng cách khởi động máy, đệm ga lớn và dùng tay để kiểm tra cổ góp gió xem có không khí hút vào hay không, phòng trường hợp bị nghẹt.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/khi-nao-phai-thay-loc-gio-dong-co-o-to-ar887723.html