Tài xế bị tước giấy phép lái xe trong trường hợp nào?

Giấy phép lái xe - một trong những loại giấy tờ quan trọng và bắt buộc phải có khi tham gia giao thông, thế nhưng có những trường hợp người lái xe bị tước giấy phép.

Giấy phép lái xe máy bị tước khi nào? Thời hạn bao lâu?

Trao đổi với phóng viên VOV2, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Căn cứ vào khoản 10, điều 6, Nghị định 100/2019 sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021 quy định các trường hợp sau đây bị tước giấy phép lái xe máy, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị tước giấy phép lái xe trong các trường hợp sau:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng khi: Chở theo từ 3 người trở lên trên xe; Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng khi: Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h; Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông.

Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng nếu: Tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần một trong các hành vi sau đây: Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; Điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;

Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; Gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ.

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng khi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng trong trường hợp: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng nếu:Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;

- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.

Trong trường hợp nào bị tước giấy phép lái xe ô tô?

Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông Nguyễn Hữu Toại cho biết: Điều 5, Nghị định 100/2019 sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021 quy định các trường hợp sau đây bị tước giấy phép xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô bị tước giấy phép lái xe trong các trường hợp sau:

Tước giấy phép cũng như chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng khi: Không tuân theo hiệu lệnh của đèn giao thông, bị tước bằng từ 2 - 4 tháng nếu gây ra tai nạn do không chấp hành tín hiệu đèn; không chấp hành tín hiệu của người kiểm sát giao thông; cản trở, có hành vi không nhường đường cho các xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ và phát tín hiệu xin nhường đường; Điều khiển xe có liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, phá hỏng hiện trường, không cứu giúp người bị nạn; Dùng ô tô kéo các xe và vật khác không đúng quy định, trừ trường hợp các xe không tự di chuyển như xe sơ mi rơ moóc, ô tô, xe máy chuyên dụng khác được quy định tại luật; lái xe ô tô để đẩy các vật, phương tiện khác; kéo các xe sơ mi rơ moóc nhưng không dùng mối nối chắc chắn, gây ra sự cố, rủi ro tai nạn trên đường;

Trường hợp chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển; Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe; Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo cấm phương tiện; Điều khiển phương tiện không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng ở các trạm thu phí; Dừng xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái đường đôi theo hướng lưu thông; trên đoạn đường cong, gần đầu dốc có tầm nhìn che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với phương tiện khác đang dừng; Dừng xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông;

Xe không có quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên; Không thực hiện biện pháp an toàn theo quy định khi xe hư hỏng tại nơi đường bộ giao đường sắt; Không nhường đường cho xe xin vượt khi đủ điều kiện an toàn; Lùi xe, quay đầu xe trong hầm; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm không đúng quy định; Lắp đặt thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe; Sử dụng xe có hệ thống chuyển hướng không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;

Lái xe không có Giấy đăng ký xe hoặc Giấy đăng ký xe hết hạn sử dụng; Xe không gắn biển số, gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; Lái xe có Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn dưới 01 tháng; Điều khiển xe có âm lượng còi vượt quá quy định; Lái xe không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ hệ thống hãm nhưng không có tác dụng, không đạt tiêu chuẩn;

Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên; Sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giấy bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe; Điều khiển xe đăng ký tạm sử dụng quá thời gian và phạm vi niên hạn cho phép; dùng xe tự chế, lắp đặt trái quy định khi lưu thông trên đường.

Tước Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng khi:

- Chạy xe vượt quá tốc độ cho phép từ 20km/h đến 35km/h trở lên; Dừng xe trên đường cao tốc không đúng quy định; không báo hiệu để người khác biết khi buộc phải dừng xe trên đường cao tốc không đúng quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc; Không chú ý, lái xe quá tốc độ gây tai nạn giao thông; Dừng xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn; Không đi đúng phần đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn. Điều khiển xe chạy vào các đường có biển báo cấm, đi ngược chiều đường một chiều gây tai nạn

Bị tước giấy phép lái xe ô tô từ 3 - 5 tháng trong trường hợp:

Lạng lách, đánh võng trên đường giao thông; đua xe, dùng xe đuổi nhau trên đường; điều khiển xe bằng chân không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn.

Tước giấy phép lái xe cũng như chứng chỉ hành nghề từ 5 - 7 tháng nếu: Đi xe ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, ngoại trừ trường hợp là các xe có quyền ưu tiên đang phát tín hiệu làm nhiệm vụ cấp bách được quy định tại luật; Điều khiển xe gây ra tai nạn giao thông không dừng lại, phá hỏng hiện trường, không trình báo cơ quan chức năng, không tham gia cứu giúp người bị tai nạn.

Tước giấy phép lái xe ô tô cũng như chứng chỉ hành nghề từ 10 - 12 tháng khi nồng độ cồn trong máu và khí thở khi đang điều khiển xe lưu thông trên đường nhỏ hơn 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Tước giấy phép lái xe ô tô từ 16 - 18 tháng trong trường hợp: Nồng độ cồn trong máu và khí thở khi đang điều khiển xe lưu thông trên đường vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Tước giấy phép từ 22 - 24 tháng khi: Nồng độ cồn trong máu và khí thở khi đang điều khiển xe lưu thông trên đường vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Sử dụng chất ma túy khi đang điều khiển xe. Không thực hiện yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền đang thi hành công vụ.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 và luật sư Nguyễn Hữu Toại về các tình huống tước giấy phép lái xe tại đây:

Thu Hà/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/tai-xe-bi-tuoc-giay-phep-lai-xe-trong-truong-hop-nao-post1101752.vov