Khi nào thì người trẻ trưởng thành
Quan niệm hết đi học, có việc làm, lập gia đình, thế là thành người trưởng thành chỉ còn đúng với thế kỉ trước.
Thơ ấu vô tư,
Thiếu thời bồng bột,
Thanh xuân khắc khoải tìm mình là ai.
Sự thật bên trong kêu gọi chúng ta sống với những rung cảm đó.
Sự thật bên ngoài cần ta trả lời những câu hỏi: Thi vào đại học hay học nghề? Làm nghề gì kiếm sống? Lập gia đình vào lúc nào, với những tiền đề gì? Đời sống vật chất ở mức độ nào là đủ hài lòng? Ứng xử thế nào trong gia đình, với các mối quan hệ ngoài xã hội?
Đời sống cần ta cân bằng cả hai sự thật. Thiên lệch về một cán cân bất kì đều là lạc đường. Nếu chỉ tập trung vào những danh tính xã hội bên ngoài, ta sớm muộn cũng trở thành con người mà ngày thơ ngây mình từng chẳng bao giờ muốn trở thành như thế. Nếu chỉ tập trung vào nỗi khắc khoải bên trong, ta xa rời cuộc đời này và trở thành nạn nhân của những trăn trở tự mang.
Quá trình trưởng thành mở cho ta cơ hội để cân bằng hai sự thật đó. Thông qua những trải nghiệm bên ngoài để khám phá tinh thần bên trong. Bằng sức mạnh tinh thần bên trong để khiến trải nghiệm bên ngoài trở nên ý nghĩa hơn. Thiết lập được trạng thái cân bằng cần kinh qua căng thẳng. Ấy vậy nên Kenneth Keniston - người đề xuất lý thuyết về tuổi trẻ tại Mỹ năm 1971 nói rằng, tuổi trẻ là quãng thời gian “căng thẳng giữa cái tôi và xã hội” và “từ chối xã hội hóa”.
Khi nào thì người trẻ trưởng thành? Mốc thời gian nào đánh dấu sự trưởng thành ấy? Mốc được trao quyền công dân 18 tuổi? Mốc thường được kì vọng về ít nhiều chỗ đứng 25? Mốc được coi là có độ điềm tĩnh sâu lắng nhất định 30? Ba mươi có lẽ nghe quá già đối với những tâm hồn đôi mươi chăng!
Quan niệm hết đi học, có việc làm, lập gia đình, thế là thành người trưởng thành chỉ còn đúng với thế kỉ trước. Các nghiên cứu đương đại không bó buộc khái niệm trưởng thành bằng con số tuổi tác, mà chỉ ra rõ ràng hai tiêu chí đánh giá: tính trách nhiệm và tính độc lập.
Một người trưởng thành phải có khả năng nhận trách nhiệm của bản thân mình cho những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Thách thức, thất bại, thành công đều có phần do hành vi của chính mình. Các yếu tố ngoại cảnh, cách nuôi dạy của gia đình xưa nay có ảnh hưởng nhưng không thể lấy làm lý do biện hộ. Tính trách nhiệm nghĩa là ta có lựa chọn việc nhận trách nhiệm hay không, chứ không chỉ là hoàn thành một nghĩa vụ nào đó được quy định. Ngoài ra, một người có trách nhiệm cũng có khả năng chủ động quan tâm đến những người khác.
Một người trưởng thành phải có khả năng chủ động ra quyết định, lựa chọn không phụ thuộc vào người khác. Quyết định ấy đã cân nhắc cả lợi ích cá nhân và lợi ích của những người xung quanh. Chấp nhận không làm hài lòng những người thân yêu để được sống cho chính mình cũng là độc lập. Chấp nhận từ bỏ lợi ích của bản thân để yêu thương người khác cũng là độc lập. Khái niệm độc lập ở người trưởng thành dựa vào tiếng nói lương tâm.
Năm 2001, tại Mỹ, một lý thuyết mới về tâm lý học phát triển đã làm thay đổi cách các nhà khoa học nhìn nhận về thời điểm con người bắt đầu tuổi trưởng thành.
Nhà nghiên cứu tâm lý Jeffrey Jensen Arnett nhận định con người bước qua giai đoạn thiếu niên, chưa thể trở thành người lớn được. Những thay đổi của xã hội hiện đại như giáo dục đại chúng, y tế phát triển nhằm nâng cao tuổi thọ… giúp người trẻ tuổi kéo dài giai đoạn tìm kiếm sự độc lập vai trò.
Theo đó, giai đoạn từ 20 đến 29 tuổi không nên được nhìn nhận như giai đoạn đầu tuổi trưởng thành, mà là giai đoạn chuyển tiếp tuổi trưởng thành. Người trong độ tuổi 20 đến 29 không còn phụ thuộc như thanh thiếu niên, nhưng cũng chưa cam kết với các trách nhiệm của người trưởng thành. Nếu nói về người đầu tuổi trưởng thành, xin hãy dành cho lứa tuổi 30.
Nghiên cứu của Arnett cụ thể thêm các đặc điểm của người trưởng thành gồm:
- Chấp nhận trách nhiệm cho kết quả hành vi của mình;
- Ra quyết định dựa trên niềm tin, giá trị bản thân;
- Thiết lập mối quan hệ bình đẳng với cha mẹ;
- Độc lập tài chính.
Đặc biệt, sự thay đổi vai trò như kết hôn, sinh con, mua nhà,… không nói lên một người đã trưởng thành hay chưa.
Những nền văn hóa cho phép người trẻ tuổi kéo dài giai đoạn tìm kiếm vai trò độc lập thường là các quốc gia công nghiệp hoặc hậu công nghiệp. Ở những nền văn hóa mà độ tuổi kết hôn sớm, người trẻ bắt đầu gánh trách nhiệm gia đình sớm, sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp này.
Hình thái văn hóa của Việt Nam nằm giữa hai xu hướng trên. Chúng ta chuyển tiếp từ kinh tế thuần nông sang định hướng công nghiệp hóa. Chúng ta tiếp biến văn hóa từ các quốc gia gây ảnh hưởng toàn cầu, thông qua truyền thông đa phương tiện. Vì thế, người trẻ có thể gặp những chuyển biến tâm lý mạnh mẽ trong những năm tuổi 20 mà thế hệ trước không phải đối diện. Các bậc phụ huynh có thể khó hiểu những quyết định của con cái độ tuổi này và tự hỏi sao chúng chẳng giống bố mẹ ngày xưa. Chẳng thể giống được, vì những giá trị cũ về sự ổn định đang từng giờ va chạm với những giá trị mới về sự khám phá.
Giai đoạn chuyển tiếp tuổi trưởng thành này khiến người trẻ tuổi mang trong mình 5 đặc điểm tâm lý đặc trưng, theo nhà nghiên cứu tâm lý Jeffrey Jensen Arnett:
- Khám phá bản sắc: người trẻ trả lời câu hỏi bên trong “Tôi là ai” thông qua trải nghiệm tình yêu, công việc, quan sát sự thay đổi thế giới quan của bản thân.
- Sự bất ổn: trong quá trình nỗ lực tìm ra bản thân mình là ai, người trẻ có thể thay đổi nhiều công việc, kết thêm bạn mới, giã từ những mối quan hệ không còn phù hợp với cảm nhận của bản thân.
- Tập trung vào bản ngã: do chưa có nhiều mối bận tâm xã hội và nhu cầu khám phá bản sắc rất lớn, người trẻ thường tập trung vào bản thân mình. Sự tập trung này mạnh hơn bất kì giai đoạn nào khác. Đây là điều bình thường của lứa tuổi, không phải sự ích kỷ bất thường, mặc dù người ngoài có thể phán xét rằng đó là ích kỷ.
- Cảm giác mắc kẹt: cảm thấy như bị kẹt giữa hai thế giới thiếu niên và trưởng thành. Người trẻ nhiều khi cảm thấy lạc lối khi nhận ra nhiều điều của thời niên thiếu đã qua đi chẳng còn quay trở lại, còn tương lai phía trước thì mông lung.
- Những khả năng vô tận: Họ nhận thấy xung quanh mình có nhiều cơ hội mở ra, đi kèm với áp lực phải hành động để hiện thực hóa điều phù hợp với mình.
Những người trẻ tuổi bước vào giai đoạn chuyển tiếp tuổi trưởng thành, tin rằng mình đang thực hiện các nhiệm vụ theo định danh xã hội như học tập, tìm kiếm việc làm, xây dựng hạnh phúc hôn nhân,… nhưng đừng quên rằng cần hiểu biết sâu sắc về bản thân trước khi cam kết với bất kì điều gì, như vậy mới bền vững được. Hiểu biết sâu sắc phải đánh đổi bằng nhiều hoang mang và lầm lỡ.
Thế nên, nếu ai đó đã ở những năm cuối tuổi 20 rồi, vẫn có phần bồng bột, vẫn mắc sai lầm, vẫn chưa ổn định thì cũng là một thực tế tự nhiên của giai đoạn chuyển tiếp tuổi trưởng thành mà thôi.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-nao-thi-nguoi-tre-truong-thanh-post1421539.html