Khi nào Việt Nam cần tái chế pin xe điện?
Hiện chưa có nhiều các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực tái chế pin. Tuy nhiên đến một thời điểm nào đó, đây sẽ là yêu cầu cấp thiết và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia và lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.
Việc tái chế pin xe điện được xem là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hiện nay do lượng pin thải loại chưa nhiều nên doanh nghiệp thực hiện tái chế gần như chưa có, chủ yếu do các hãng xe tự thực hiện.
Câu chuyện của tương lai?
Xe hybrid (xe sử dụng song song hai nguồn động cơ là động cơ đốt trong và động cơ điện), plug-in hybrid (loại xe kết hợp giữa xe chạy bằng xăng truyền thống và xe chạy bằng điện hoàn toàn) và xe thuần điện sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon.

Hiện việc tái chế pin xe điện do các hãng xe tự thực hiện.
Tuy nhiên, các loại xe sử dụng pin cũng đặt ra thách thức về việc quản lý pin sau vòng đời của phương tiện nhằm bảo vệ tài nguyên, giảm chi phí sản xuất pin mới và đặc biệt là bảo vệ môi trường.
Là doanh nghiệp sản xuất xe điện và có doanh số lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, đại diện VinFast cho biết, hãng đã ký kết với Li-Cycle - một công ty tái chế pin hàng đầu thế giới của Canada để sẵn sàng tái chế pin.
Tuy nhiên, vòng đời của một bộ pin ô tô điện kéo dài hàng chục năm. Sau khi pin xuống cấp, các nhà sản xuất sẽ tái sử dụng cho các loại pin lưu trữ năng lượng (BESS) thêm hàng chục năm nữa mới đến giai đoạn phải tái chế. Do đó, câu chuyện tái chế pin đối với xe điện VinFast là tương lai, của sau nhiều năm nữa.
"Theo thỏa thuận, Li-Cycle sẽ cung cấp những giải pháp tái chế trên quy mô toàn cầu cho VinFast. Các công nghệ tái chế pin lithium-ion bền vững và được cấp bằng sáng chế của Li-Cycle, bao gồm công nghệ Spoke & Hub, là nhóm giải pháp phù hợp về cả quy mô lẫn mục tiêu đối với khả năng sản xuất và kế hoạch của VinFast", đại diện VinFast cho biết.
Chưa nhiều doanh nghiệp tham gia
Là thương hiệu ô tô đang bán nhiều xe hybrid nhất tại Việt Nam, đại diện Toyota Việt Nam cũng cho biết, ngay từ khi đưa các mẫu xe hybrid về Việt Nam, hãng đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu hồi và tái chế pin.
Các đại lý và dịch vụ của hãng được hướng dẫn theo một quy trình ngặt nghèo để bảo đảm không tác động đến môi trường. Toyota toàn cầu đã ban hành một quy trình sử dụng, thu hồi và tái chế pin xe hybrid để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp địa phương.
"Do xe hybrid tại Việt Nam còn là sản phẩm mới nên lượng pin cần tái chế hiện nay chưa nhiều. Vì thế, các loại pin được thải loại, cần phải tái chế sẽ được hãng thu hồi theo quy trình và đưa sang Thái Lan để xử lý", đại diện Toyota cho biết.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện nay đa số các hãng xe điện thường mặc định việc sẽ thải loại pin khi dung lượng nạp còn khoảng 70% trở xuống. Ngưỡng quy định này nhằm đảm bảo cho pin hoạt động một cách tốt nhất và không gây bất tiện cho người dùng.
Cũng theo ông Phúc, đa số các loại pin lithium trên xe điện hiện nay có tuổi thọ rất cao, từ 15 - 20 năm, các hãng cũng thường có chế độ bảo hành pin lên tới 10 năm. Các mẫu pin xuống cấp ở mức độ nào đó đều được các nhà sản xuất phục hồi để kéo dài tuổi thọ pin.
Do đó, hiện chưa có nhiều các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực tái chế pin. Tuy nhiên đến một thời điểm nào đó, việc tái chế pin sẽ trở thành yêu cầu cấp thiết và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tham gia.
Sẽ có quy định tỷ lệ tái chế pin xe điện
Theo ông Đinh Trọng Khang, Giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học công nghệ GTVT, dù việc tái chế pin xe điện chưa đến mức cấp thiết nhưng cần thực hiện các bước chuẩn bị về mặt pháp lý, ban hành các quy chuẩn. Bởi ngay khi các hãng đưa xe điện ra thị trường, chắc chắn sẽ có những chiếc xe bị hỏng pin, gặp sự cố và cần thải bỏ.

Pin xe điện BYD - mẫu xe điện Trung Quốc đang bán tại Việt Nam.
Vì vậy, Nhà nước cần sớm có khung pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm quản lý, thu hồi và tái chế pin. Vấn đề hiện nay là cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện tái chế pin khi nhu cầu chưa nhiều, quy mô chưa lớn.
"Việt Nam hiện chưa có nhiều nhà máy hoặc công nghệ tái chế pin xe điện ở quy mô lớn, đặc biệt là các công nghệ tái chế hiệu quả và thân thiện môi trường. Hầu hết pin cũ có thể đang được lưu trữ hoặc xử lý không đúng cách", ông Khang cho biết.
Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR) mới đây, ông Nguyễn Thành Yên, đại diện Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, dự thảo mới nhất đã tách pin sạc nhiều lần thành hai phần: pin không sử dụng cho ô tô điện và pin sử dụng cho ô tô điện.
Nội dung này khác với dự thảo đưa ra lấy ý kiến vào tháng 5/2025. Khi đó, dự thảo yêu cầu tỷ lệ tái chế bắt buộc chung với pin sạc nhiều lần là 8% thì dự thảo mới đã đưa tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với pin sạc nhiều lần sử dụng cho ô tô điện về mức 0%. Trong khi pin không sử dụng cho xe ô tô điện vẫn giữ tỷ lệ 8%.
Theo đó, tạm thời chu kỳ 3 năm đầu tiên tính từ năm 2026 sẽ không bắt buộc tỷ lệ tái chế với pin ô tô sạc nhiều cho đến khi cơ quan môi trường xác định có pin thải ra môi trường. Lúc đó sẽ đưa ra tỷ lệ yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm tái chế pin.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, để đạt được mục tiêu về tỷ lệ thâm nhập của xe điện, Việt Nam sẽ cần tới 0,8 triệu thiết bị sạc và 2 triệu pin vào năm 2030. Dự kiến, đến năm 2040 nhu cầu đạt gần 5 triệu pin.