Xe điện có 'oan' trong các vụ cháy nổ?
Để phòng ngừa rủi ro, theo chuyên gia, chủ xe cần kiểm tra định kỳ các linh kiện sạc như phích cắm, đầu nối, ổ điện để biết trước các dấu hiệu hư hỏng, và thay thế nếu cần thiết.
Không thể quy chụp nguy cơ cháy nổ cho xe điện

Vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến hệ thống điện.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Đại học Bách khoa Hà Nội, rủi ro cháy nổ có thể xảy ra với bất kỳ phương tiện nào, không riêng xe điện. Điều quan trọng là phải xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt và yêu cầu người dùng tuân thủ đúng quy định trong quá trình sử dụng.
Ông nhấn mạnh: “Thực tế, xăng là vật liệu dễ cháy nhất. Chỉ một tàn thuốc cũng có thể gây cháy. Trong khi đó, xe điện được thiết kế với nhiều lớp bảo vệ an toàn, việc phát sinh sự cố cháy nổ là rất khó nếu phương tiện đạt chuẩn”.
Tại Việt Nam, từ năm 2015 đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 91:15/BGTVT áp dụng cho ắc quy xe mô tô, xe gắn máy điện. Quy chuẩn này yêu cầu các nhà sản xuất phải vượt qua nhiều bài kiểm tra nghiêm ngặt như: nạp và phóng điện quá mức, chịu ngắn mạch, chịu rung động...
“Các bài test này thậm chí còn khốc liệt hơn điều kiện vận hành thực tế. Một số hãng còn bổ sung tính năng an toàn như tự ngắt điện khi quá nhiệt. Nếu sản phẩm đạt đúng các tiêu chuẩn này thì nguy cơ cháy nổ gần như không thể xảy ra”, ông Phúc nói.
Với ô tô điện, mức độ kiểm định còn cao hơn. Ông Phúc cho biết các phương tiện phải đáp ứng đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu an toàn, như thử nghiệm chống cháy với bình nhiên liệu (đốt trong 2 phút), chịu nhiệt 95°C trong 1 giờ, va chạm với vật nặng...
Đặc biệt, hệ thống pin của ô tô điện được kiểm định theo tiêu chuẩn ECE R100 của châu Âu – một trong những bộ tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt nhất hiện nay. Các bài kiểm tra bao gồm: thử nghiệm sốc nhiệt ở -60°C đến +60°C trong nhiều chu kỳ; kiểm tra chống cháy qua 4 giai đoạn; rung động, sốc cơ học, bảo vệ quá nhiệt, kiểm soát quá trình nạp/xả...
“Tôi được biết nhiều hãng xe tại Việt Nam hiện cũng đang áp dụng những tiêu chuẩn này. Một số còn kiểm soát chất lượng đến từng bu-lông, ốc vít trong hệ thống pin bằng cờ lê siết lực kỹ thuật số, lưu toàn bộ thông tin về lực siết, thời gian, người thực hiện lên hệ thống lưu trữ đám mây. Đây là những minh chứng rõ ràng cho độ an toàn cao của xe điện nếu được sản xuất và sử dụng đúng quy chuẩn”, ông nói.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc khuyến nghị người dân nên chọn mua xe điện từ các thương hiệu uy tín, có sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong quá trình sử dụng, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, không tự ý thay đổi kết cấu, đặc biệt là với pin và bộ sạc.
Việc dùng adapter không đúng chuẩn, sử dụng linh kiện kém chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố về điện. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khác khiến gây mất an toàn và tăng nguy cơ cháy nổ khi sạc xe điện tại nhà, ví dụ như sử dụng dây điện nối dài thông thường để tăng chiều dài dây sạc, hoặc sạc xe ở khu vực kín, nhiều vật dụng bắt lửa.
Nếu chủ xe sử dụng loại dây điện tiết diện nhỏ, không phù hợp công suất của dòng điện sẽ gây ra hiện tượng quá tải, nóng và chảy lõi bên trong lẫn phần bọc bên ngoài. Việc sử dụng dây nối dài có thể được thực hiện khi sạc cho xe máy điện, nhưng không nên dùng cho ôtô điện cần sạc với công suất lớn.
Vào tháng 11/2024, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam (VFRA) đã công bố kết quả thử nghiệm thực tế khả năng dập tắt các đám cháy do pin Lithium-Ion, loại pin phổ biến trên xe máy điện, xe đạp điện và nhiều thiết bị điện tử. Kết quả cho thấy, phần lớn các loại bình chữa cháy xách tay hiện có trên thị trường không thể xử lý hiệu quả khi xảy ra cháy pin xe điện.
Pin Lithium-Ion hiện diện trong hầu hết thiết bị điện tử tiêu dùng và đang ngày càng phổ biến trên các phương tiện giao thông chạy điện. Tuy nhiên, các vụ cháy liên quan đến loại pin này thường có đặc điểm cháy dữ dội, phát nổ mạnh và rất khó kiểm soát bằng các phương tiện chữa cháy thông thường.
Cách phòng ngừa cháy nổ khi sạc xe điện
Để phòng ngừa rủi ro, theo chuyên gia, chủ xe cần kiểm tra định kỳ các linh kiện sạc như phích cắm, đầu nối, ổ điện để biết trước các dấu hiệu hư hỏng, và thay thế nếu cần thiết. Cần trang bị thêm bộ aptomat chống giật hoặc cầu dao tự động (CB) trong tủ điện tổng để có thể tự động ngắt điện ngay nếu có dòng rò từ thiết bị.
Xe điện sạc tại nhà nên đỗ nơi thoáng, có luồng khí lưu thông, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc nơi ẩm thấp. Không để xe gần các vật liệu dễ cháy như rèm, giấy, hoặc các xe chạy xăng khác. Sạc xe trong không gian kín hoàn toàn gây ra nhiều nguy hiểm, vì đa số các xe đều sinh nhiệt trong quá trình sạc.
Nếu đỗ trong không gian kín khi sạc, khi có cháy nổ xảy ra sức công phá sẽ mạnh hơn, vì trong không gian kín áp suất bị tích tụ mà không có nơi thoát. Khi nổ, pin thải ra nhiều chất độc hóa học cùng nhiệt lượng lớn, đồng thời pin cháy rất khó dập theo những cách thông thường, và các chất cháy trong pin bám vào các vật dụng khác trong nhà có thể khiến vụ cháy diễn biến nhanh hơn.
Ngoài ra khi muốn lắp đặt bộ sạc tại nhà, chủ xe nên tham khảo ý kiến từ nhân viên kỹ thuật của hãng xe, nhằm đưa ra lựa chọn an toàn nhất cho hệ thống lưới điện tại nhà.
Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cũng đưa ra những khuyến cáo tương tự và đặc biệt nhấn mạnh việc ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà. Nếu phát hiện pin có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như phồng, nứt, hãy ngưng sử dụng và mang xe đến cơ sở uy tín để kiểm tra, bảo trì định kỳ.
Xe điện cần được bảo dưỡng pin/ắc-quy cũng như hệ thống dẫn điện thường xuyên. Chủ sở hữu nên đưa xe đi kiểm tra định kỳ khoảng 3 tháng/lần nhằm theo dõi các bộ phận như pin/ắc-quy, hệ thống sạc cũng như tất cả bộ phận khác.
Đồng thời, người dùng tuyệt đối không tự ý thay đổi kết cấu của xe, lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm pin/ắc-quy phát nổ).
Riêng đối với xe ô tô điện, cần sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô tô đã được cấp phép theo quy định (tại trạm xăng, điểm dừng nghỉ, trong nhà và công trình...) hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn PCCC theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Các trạm sạc điện phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy cháy lan đối với các khu vực xung quanh (cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khu vực gara để xe...) và trang bị phương tiện về PCCC theo quy định; có phương án xử lý tình huống cháy nổ tại khu vực sạc điện.
Xu hướng chuyển đổi sang phương tiện chạy bằng điện đang định hình lại thói quen di chuyển của chúng ta, và cùng với đó là những trách nhiệm mới về an toàn. Sự an toàn của xe điện không chỉ nằm ở thiết kế của nhà sản xuất hay các quy định của cơ quan chức năng, mà phần lớn phụ thuộc vào ý thức và thói quen sử dụng của mỗi cá nhân. Thay vì bị động lo sợ, việc chủ động trang bị kiến thức và xây dựng thói quen sử dụng an toàn chính là cách tốt nhất để chúng ta tự tin làm chủ phương tiện, góp phần xây dựng một kỷ nguyên giao thông sạch và an toàn hơn.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xe-dien-co-oan-trong-cac-vu-chay-no-169250709135714068.htm