Khi ngân hàng chọn 'Kim chi'

Thêm một công ty lớn nữa của Hàn Quốc muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của chúng ta đối với nhà đầu tư nước ngoài mà còn thể hiện sự lựa chọn 'Kim chi' của ngân hàng Việt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mới đây, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã có buổi tiếp Đoàn công tác của Công ty BC Card Hàn Quốc. Đây không phải là sự kiện lớn trong tuần qua, song rất đáng chú ý. Bởi trước đó, ngày 4/10 LienVietPostBank và BC Card đã ký Thỏa thuận Hợp tác nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ thẻ, thanh toán và các dự án trong lĩnh vực phát hành thẻ thông minh, giải pháp công nghệ thanh toán số tại Việt Nam…

Không những thế, ông Lim Nam Hun - Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế của Công ty BC Card Hàn Quốc cho biết, BC Card đang làm việc với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) về hợp tác chuyển mạch nhằm gia tăng tiện ích sử dụng thẻ cho người tiêu dùng Việt Nam và Hàn Quốc, dự kiến triển khai với một số đối tác khác tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới...

Vì sao hoạt động của BC Card rất đáng chú ý? Bởi, đây là một công ty thẻ tín dụng tại Hàn Quốc với thị phần lên đến 27% và 26 triệu chủ thẻ, đã và đang phát triển thị trường thanh toán với nhiều đổi mới kể từ khi thành lập vào năm 1982. Các dịch vụ công ty này cung cấp như: phát hành thẻ BPO (Dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh); các loại thẻ tín dụng/ghi nợ/trả trước; điều hành một mạng lưới nhãn hiệu địa phương dưới cái tên “BC”. BC Card cũng cung cấp các dịch vụ tăng cường bảo mật như là bảo mật dựa trên chứng thực sinh trắc học FIDO…

Thêm một công ty lớn nữa của Hàn Quốc muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của chúng ta đối với nhà đầu tư nước ngoài mà còn thể hiện sự lựa chọn “Kim chi” của ngân hàng Việt. Nói đến chọn Kim chi không thể bỏ qua mối lương duyên của BIDV với KEB Hana Bank.

KEB Hana Bank, một phần của Tập đoàn tài chính Hana (HFG) – một trong những công ty nắm giữ ngân hàng lớn nhất tại Hàn Quốc. KEB Hana hiện có hai chi nhánh tại Việt Nam. Sau nhiều cân nhắc thận trọng và những đàm phán không dễ dàng, BIDV đã chọn KEB Hana Bank làm đối tác chiến lược.

Hai bên đã vượt qua không ít khó khăn, kể từ khi tìm hiểu đến lúc chính thức đặt vấn đề kết duyên (tháng 8/2017, BIDV đã ký một thỏa thuận sơ bộ với KEB Hana Bank). Ngày 6/11 ông Lee Jong Soung - đại diện KEB Hana Bank đã ký bản công bố thông tin về việc ngân hàng này sở hữu 603 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn điều lệ của BIDV; lễ công bố chính thức sẽ diễn ra vào ngày 11/11.

Sau BIDV, LienVietPostBank chắc sẽ còn những ngân hàng khác chọn đối tác đến từ xứ sở Kim chi. Tìm đến nhau không dễ dàng, duy trì mối lương duyên còn khó khăn gấp bội. Bởi dù có yêu quý nhau đến mức nào thì mối quan hệ hợp tác chỉ có thể duy trì khi đảm bảo được lợi ích mà hai bên mang lại cho nhau.

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc và là địa điểm đầu tư hấp dẫn trong xu hướng mở rộng đầu tư về phía Nam của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc. Còn theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 8/2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt hơn 44 tỷ USD. Hiện có trên 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tranh thủ được những yếu tố này sẽ góp phần củng cố mối quan hệ đối tác giữa hai bên. Nhưng ngay tại Việt Nam hiện đã có hai ngân hàng 100% vốn Hàn Quốc là Woori Bank (được NHNN cấp phép thành lập tại Việt Nam tháng 8/2016) và Shinhan Bank (đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2008). Cả hai ngân hàng này đều đã và đang nỗ lực mở thêm chi nhánh, mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Tìm kiếm và duy trì khách hàng cả Việt lẫn Hàn sẽ là cuộc cạnh tranh không đơn giản giữa những ngân hàng này.

Thái Thanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khi-ngan-hang-chon-kim-chi-94528.html