Khi ngân hàng 'thăm dò' cho vay mạo hiểm
Có không ít nhà khởi nghiệp chấp nhận thế chấp 'sổ đỏ' của gia đình để kinh doanh, nhưng cũng có trường hợp được ngân hàng nhận thế chấp bằng 'niềm tin'.

Trong một giai đoạn nhất định, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nguồn vốn ngân hàng để mở rộng với chi phí thấp hơn nhiều so với vốn cổ phần, nhưng lại hạn chế về khả năng tiếp cận vốn. Ảnh minh họa: DNCC
Thế chấp khoản vay bằng “niềm tin”
Ông Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập kiêm CEO của chuỗi cơ sở lưu trú M-Village, nói đã hoàn tất thỏa thuận với ngân hàng OCB khoản vay trung hạn 5 năm, không cần tài sản đảm bảo với số tiền “tương đối lớn” và được giải ngân một lần. Điều này khác biệt với vài ngân hàng mà ông tiếp cận trước đó, đa phần chỉ chấp nhận cho vay cá nhân, ngắn hạn (6 tháng), ông Ninh nói tại hội nghị “Banking Innovation For Startups” diễn ra giữa tháng 7 vừa qua.
Tương tự, BuyMed, nền tảng thương mại điện tử bán sỉ và lẻ dược phẩm, hay Ecomobi, nền tảng kết nối nhãn hàng và những người nổi tiếng thành lập tại Singapore cũng được tiếp cận khoản vay tín chấp của nhà băng này.
Ông Trương Công Thành, nhà sáng lập kiêm CEO Ecomobi, kể trong thỏa thuận cuối cùng, ngân hàng chấp nhận phương án nhận thế chấp bằng cổ phiếu, thứ “gần như có giá trị bằng 0” khi khởi nghiệp thất bại. “Thực tế nó không có giá trị chuyển đổi, nhưng ngân hàng phải tuân thủ theo quy định”, ông Thành nói về phương án thiết kế khoản vay giữa hai bên.
Cho vay mạo hiểm là một thử thách lớn với các nhà băng vì có nhiều rào cản, theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB. Rào cản thứ nhất đến từ bộ khung từ cơ quan quản lý, trong khi nghiệp vụ đánh giá doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn có mô hình kinh doanh và vận hành rất khác biệt.
Ông Hải cho biết các khoản tín dụng trên được đánh giá không chỉ từ việc xem xét doanh nghiệp có lãi hay không, mà ngân hàng còn đòi hỏi sự bảo lãnh "mang tính cá nhân". Đây được xem như là một cam kết chung giữa hai bên, chứ thực tế việc xử lý nợ không dễ dàng và bản thân ngân hàng cũng chỉ muốn khách trả nợ.

Các nhà sáng lập và điều hành những thương hiệu khởi nghiệp lâu năm chia sẻ về việc vay vốn ngân hàng. Ảnh: DNCC.
Hợp lực cho vay: chìa khóa giải ngân
Tháng 9 năm ngoái, OCB cùng quỹ Genesia Ventures công bố hợp tác chiến lược toàn diện, triển khai sản phẩm cho vay không tài sản đảm bảo dành riêng cho các startup có thời gian hoạt động 1 năm trở lại, hạn mức lên đến 3 tỉ đồng trong thời gian tối đa 12 tháng.
Nhưng thực tế các khoản vay của những nhà khởi nghiệp lâu năm ở trên vượt xa so với con số sản phẩm cơ bản 3 tỉ đồng nhắc đến. Vấn đề quy mô vay lớn hay nhỏ nằm ở sự hợp tác giữa các bên trong chuyện giải ngân.
Chẳng hạn, BuyMed có khoản đầu tư của quỹ mạo hiểm Genesia Ventures, thuộc hệ sinh thái của ngân hàng Aozora Nhật Bản (AOZ), đây cũng là cổ đông chiến lược của Ngân hàng OCB. AOZ sở hữu hệ sinh thái đầu tư đa dạng với chuyên môn “rà soát” doanh nghiệp tiềm năng. "Điều này là cơ sở để OCB tạo được sự tin tưởng trong nội bộ”, ông Hải nói.
Việc hợp tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm là một lợi thế giúp ngân hàng “kiểm định” sơ bộ. Còn hợp lực cho vay sẽ là chìa khóa để giải quyết những khoản vay có mức độ rủi ro cao.
Thực tế thế giới gần đây đã có những nền tảng tài chính hỗn hợp, chẳng hạn như liên doanh giữa ngân hàng thương mại và các quỹ đầu tư, hỗ trợ vốn cho các khoản vay quy mô lớn hoặc vay “xanh”, giúp chia sẻ rủi ro ngay từ khâu thẩm định đến giải ngân, giám sát dòng tiền.
Một ví dụ như nền tảng tài chính hỗn hợp Pentagreen được thành lập với 150 triệu đô la Mỹ vốn vào năm 2021 do HSBC và Temasek (quỹ đầu tư quốc gia của Singapore) hợp tác, có sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Clifford Capital.
Nền tảng này đã hoàn tất một số giao dịch, bao gồm tài trợ cho các dự án điện mặt trời ở Philippines và hợp tác cung cấp khoản vay xanh cho các dự án năng lượng sinh học ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Theo lãnh đạo HSBC Việt Nam, cơ chế này có thể trở thành giải pháp khả thi để vượt qua các trở ngại về khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Với các nhà khởi nghiệp, khoản vốn tín dụng từ ngân hàng mang lại nhiều lợi thế lớn so với vay vốn cổ phần từ các quỹ đầu tư. Theo ông Ninh, nếu không vay được ngân hàng thì startup sẽ phải đi gọi vốn chủ sở hữu, hoặc vay ngân hàng nước ngoài, dễ pha loãng cổ phần và ảnh hưởng quyền kiểm soát.
Để tăng khả năng vay vốn, nhà khởi nghiệp cũng cần xác định sớm để đạt tín nhiệm của nhà băng, theo ông Nguyễn Hoàng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành BuyMed. Gợi ý là doanh nghiệp có thể bắt đầu từ những khoản vay nhỏ và chứng minh khả năng trả nợ, cộng thêm việc duy trì dòng tiền hoạt động. “Startup nên có một công ty tăng trưởng dương, tức luôn có lời. Dù ngân hàng tin mình nhưng vẫn bị giới hạn bởi quy định”, ông Hoàng nói và nhấn mạnh việc “phải đảm bảo mọi thứ minh bạch, đặt hết lên bàn”.
Từ góc độ nhà băng, ông Hải cũng nói thêm rằng dòng tiền là yếu tố tiên quyết để quyết định giải ngân. Tài sản thế chấp có thể không có, nhưng dòng tiền thì bắt buộc phải có.
“Các ngân hàng thường dè dặt trong việc quyết định đầu tư mạo hiểm, tức mô hình kinh doanh ở giai đoạn rất sớm. Nhưng vấn đề là dòng tiền phải rõ ràng hơn, phải đi qua ngân hàng thì mới bảo đảm được”, ông Hải nói.
Dĩ nhiên, cho vay mạo hiểm không phải là sở trường của nhà băng. Theo Tổng giám đốc OCB, dư nợ của phân khúc này với ngân hàng gần như là không đáng kể. "Quan điểm chúng tôi là đi từng bước, chậm mà chắc”, ông Hải nói.
Khi đã có ngân hàng bước đầu thích thú với mạo hiểm, thách thức tiếp theo là sự cởi mở hợp tác giữa nhiều bên. Cần nhớ rằng dòng vốn ngân hàng là ngắn hạn, khó thay thế dòng vốn dài hạn từ các quỹ đầu tư, nhưng kết hợp lại sẽ tạo ra một nền tảng tốt cho doanh nghiệp trên con đường khởi nghiệp.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khi-ngan-hang-tham-do-cho-vay-mao-hiem/