Khi ngôi sao trở thành tội đồ

Đạo nhạc, đạo ý tưởng hay thậm chí là sao chép lời... luôn là những vấn đề nóng trong làng nhạc Việt.

Điều đáng xấu hổ là những lần vay mượn ý tưởng ấy lại bị bóc phốt bởi chính tác giả nước ngoài. Làm thế nào để cân bằng giữa việc học hỏi và sáng tạo nghệ thuật, đây thực sự là bài toán dành cho những người làm nghệ thuật, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ hiện nay.

Sao Việt thê thảm vì bị bóc phốt

Tại Việt Nam, chuyện vay mượn ý tưởng xảy ra như cơm bữa. Thi thoảng, cộng đồng mạng lại phát hiện ra trang phục sao này hoặc sao kia mặc giống hệt mẫu thiết kế của một thương hiệu quốc tế nào đó. Kế đến, người chịu trách nhiệm tạo ra bộ đồ đó sẽ lên tiếng giải thích rằng “Tôi không đạo, đó là xu hướng chung” hoặc “Công chúng nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra nhận xét”. Không ít nhà thiết kế từng vướng nghi vấn đạo nhái thương hiệu quốc tế như Đ.M.C., H.T., H.M.H., L.T.H... Thậm chí, vào năm 2014, C.T. - nhà thiết kế riêng của ca sĩ M.T. - phải nghỉ việc do không chịu được áp lực dư luận. Trước đó, anh này bị tố sao chép sản phẩm của Viktor & Rolf, thương hiệu thời trang nổi tiếng Hà Lan. Dẫu vậy, các nhà mốt Việt cũng đôi lần mạnh dạn “khẩu chiến” xung quanh việc “đụng hàng” vì ai cũng cho là mình đúng. Khi bị coi là “tội đồ”, hầu hết nhà thiết kế Việt chọn cách giải thích “Tôi không sao chép, mà chỉ đi theo dòng chảy xu hướng chung”.

Ồn ào “vay mượn” đã khiến Denis Đặng mất đi toàn bộ thiện cảm của khán giả từ trước đến nay.

Ồn ào “vay mượn” đã khiến Denis Đặng mất đi toàn bộ thiện cảm của khán giả từ trước đến nay.

Không chỉ trong giới thời trang, âm nhạc cũng là lĩnh vực “dính” nhiều màn “bóc phốt” nhất. Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa - chủ nhân của hàng loạt hit nổi tiếng trong làng nhạc - cũng từng gây tranh cãi vì scandal đạo nhái. Cụ thể, cuối năm 2018, Châu Đăng Khoa bị một tác giả lên tiếng cáo buộc sử dụng một số đoạn thơ khi chưa có sự đồng ý của mình ở ca khúc Tình nhân ơi. Người này còn đòi bản quyền thơ trong bài hát Người lạ ơi mà nam nhạc sĩ dùng “chùa” một thời gian dài mà chưa có sự xin phép. Trước cáo buộc này, Châu Đăng Khoa cho biết: “Cái này thuộc về phạm trù cảm hứng trong sáng tác, khác hoàn toàn đạo nhái. Là nhạc sĩ, tôi hay dạo internet, đọc thơ văn lấy cảm hứng. Có nhiều nơi không để nguồn thơ nên tôi cũng không biết tác giả là ai. Tôi nhận sai vì sơ ý trong việc kiểm tra nguồn và đã sửa lỗi bằng cách xin tác giả cho mình trả chi phí tác quyền đoạn thơ đó”. Việc lên tiếng của nam nhạc sĩ không xoa dịu được dư luận, thậm chí còn gây nên sự phẫn nộ trên mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra thất vọng vì thái độ dửng dưng của chủ nhân bản hit Người lạ ơi trước cáo buộc đạo nhái.

Chuyện đạo nhái cũng là vấn đề nổi cộm của Vpop năm 2015. Ngay cả Đông Nhi - cô ca sĩ nổi tiếng bởi thực lực và sự chăm chỉ cũng không thoát khỏi nỗi ám ảnh vay mượn ý tưởng. Cụ thể, nữ ca sĩ đã chi hàng tỷ đồng cho MV Boom Boom nhưng ngay khi vừa ra mắt, sản phẩm bị tố đạo hình ảnh của ca sĩ CL (nhóm 2NE1) trong MV Comeback Home. Ca khúc Boom Boom cũng bị coi là đạo nhạc ca khúc Bitch I’m Madonna của “Nữ hoàng nhạc pop” Madonna.

2015 cũng là thời điểm đánh dấu màn “lột xác” của Văn Mai Hương khi cô muốn gỡ bỏ hình tượng cô gái trong sáng để đến với hình ảnh gợi cảm, trưởng thành với single Mona Lisa. Bên cạnh những lời khen ngợi về sự trưởng thành của cô, MV này cũng nhanh chóng bị cộng đồng mạng phanh phui giống hình tượng của Katy Perry trong MV This is how we do với nhiều điểm trùng lặp bất ngờ. Nhạc Việt còn nhiều ca khúc, MV của các ca sĩ khác như: Hải Băng, Bảo Anh (The Voice), Bùi Anh Tuấn..., cũng chung số phận bị tố đạo nhái. Lý giải về việc những màn bóc phốt liên tục xảy ra trong showbiz Việt, một nhạc sĩ cho biết, internet hiện nay quá phổ cập, mọi người dễ tiếp cận với nhiều công nghệ thì các sản phẩm âm nhạc na ná nhau là chuyện khó tránh khỏi. Tình trạng này không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Mới đây, Denis Đặng bị dân mạng bóc phốt việc ăn cắp ý tưởng poster quảng bá cho MV Canh ba trùng khớp với poster của phim Tam quốc cơ mật, đặc biệt là ở cấu trúc. Đây không phải là lần đầu tiên Denis Đặng và êkip sáng tạo của Nguyễn Trần Trung Quân bị tố cáo ăn cắp poster phim và chuyển thể thành poster quảng bá MV. Trước Canh ba, poster MV Màu nước mắt cũng bị cho là lấy ý tưởng của một bộ phim Hollywood đình đám. Bên cạnh hàng loạt nghi án đạo nhái poster MV, Denis Đặng và Nguyễn Trần Trung Quân cũng thường xuyên bị cho là “ăn cắp” ý tưởng thực hiện MV của loạt phim nổi tiếng quốc tế, nhất là MV Tự tâm.

Những ngày vừa qua, mạng xã hội càng ồn ào hơn khi Denis Đặng - Giám đốc sáng tạo của rất nhiều sản phẩm âm nhạc - bị tố đạo nhái ý tưởng từ một tài khoản instagram đình đám khác tại Nga. Khá bất ngờ khi hàng loạt hình ảnh trước kia thực sự trùng hợp. Nhiều người tố rằng, mặc dù mượn ý tưởng của người khác thế nhưng Denis Đặng lại có những động thái giống như đấy chính là sản phẩm sáng tạo của mình. Sau một thời gian im lặng, Denis Đặng đã có những chia sẻ khá dài cũng như lên tiếng nhận lỗi về câu chuyện trên. Nhưng có vẻ như lời xin lỗi này không khiến tình hình dịu đi bởi khán giả khó tha thứ cho hành động đáng xấu hổ của vị giám đốc sáng tạo này.

Ồn ào lần này đã khiến Denis Đặng mất đi toàn bộ thiện cảm của khán giả từ trước đến nay. Rất nhiều bình luận công kích Denis Đặng và loạt ảnh nghệ thuật trên trang cá nhân của anh. Tiêu biểu như: “Thà bảo ảnh mạng đi, đây lại còn post lên để caption với trả lời comment như thể ảnh của mình...” hay “Đến cái ảnh post trên MXH cũng ăn cắp rồi trả lời bình luận y như ảnh chính chủ, bó tay”, “Giám đốc sáng tạo hay Dám ăn cắp sự sáng tạo?”...

Những gì Denis Đặng đang phải trả giá cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều nghệ sĩ trẻ. Bởi, muốn sống ảo nên cẩn thận với nguồn sống ảo cùng chức năng tìm kiếm ảnh trên google. Nếu là người bình thường, sẽ ít ai chú ý tới nguồn ảnh, tuy nhiên với giới nghệ sĩ thì việc bị bóc phốt dùng ảnh “chùa” sẽ rất đáng xấu hổ.

Hệ lụy

Có lẽ chưa bao giờ dung mạo của làng showbiz Việt xuống cấp như hiện nay. Khi mà hầu như mọi lĩnh vực nghệ thuật đều nhuốm màu vay mượn. Với phiên bản gốc ở tận trời Tây, người ta nghĩ rằng có thể dễ dàng qua mặt công chúng, nhưng trong thời đại công nghệ, bất kỳ hành vi vay mượn nào cũng dễ dàng bị bóc phốt. Vài năm trở lại đây, vô số fanpage, nhóm trên facebook được tạo ra chỉ để dân mạng tám chuyện về giới showbiz Việt, mà nội dung chủ yếu chỉ để bóc phốt người nổi tiếng.

Suy cho cùng, sáng tạo nghệ thuật dù ở bất kỳ thời đại nào, bất kỳ lĩnh vực nào, cũng luôn coi trọng yếu tố mới lạ và độc đáo. Sự đòi hỏi khắc nghiệt này của nghệ thuật sẽ khiến những hành vi sao chép, đạo ý tưởng bị loại trừ và đào thải.

Tùng Lâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-ngoi-sao-tro-thanh-toi-do-n170229.html